Nghề trồng hoa, cây cảnh của tỉnh ta khởi nguồn từ vùng đất Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) vào thế kỷ XIII. Trải qua hơn 7 thế kỷ, nghề trồng hoa đã phát triển ra nhiều địa phương như các xã: Mỹ Tân, Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Yên Quang (Ý Yên); Nam Mỹ (Nam Trực); Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định). Nghề trồng hoa đã giúp nhiều hộ gia đình ở nhiều vùng quê vươn lên làm giàu.
Thu hoạch hoa tại hộ gia đình bà Ngô Thị Trung, xóm Tân Thành, thôn Đồng Lạc, xã Nam Phong (TP Nam Định). |
Từ năm 1990, một số hộ dân ở xã Yên Quang đã bắt đầu trồng hoa hồng, hoa cúc. Nhiều người trong xã đã đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa tại các vùng chuyên canh hoa của xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) lên các làng hoa ở Hà Nội mua giống về ươm. Đến nay, số hộ trồng hoa đã nhân rộng ở cả 7 thôn trong xã với diện tích gần 10ha. Riêng ở thôn 6 có trên 50% số hộ tham gia trồng hoa. Những năm gần đây, người dân xã Yên Quang đã trồng các giống hoa mới như: hồng Đà Lạt, hồng Pháp, lay ơn, thược dược và các loại hoa cúc (cúc sao, cúc tuyết, cúc chi)… Nếu trước đây, hoa chỉ được trồng vụ đông và vụ hè, thì nay hoa được trồng quanh năm. Hoa hồng thu hoạch quanh năm, hoa cúc mỗi năm trồng 3-5 vụ, mỗi vụ khoảng 3 tháng, riêng vụ hoa cúc tết sau khi thu hoạch lại tiếp tục chăm bón để thu hoạch tiếp vào dịp 8-3 rồi mới trồng vụ mới. Các hộ trồng hoa ở Yên Quang thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/sào/năm, riêng hoa hồng có thể cho thu nhập đến 100 triệu đồng/sào/năm, cao hơn trồng lúa từ 3-5 lần. Chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm 6 cho biết: Từ năm 2004, chị cải tạo khu vườn tạp trồng 3.000 gốc hoa hồng. Xen kẽ với hoa hồng, chị trồng thêm các loại hoa cúc gấm, cúc đại đoá, cúc trà, cúc tuyết trắng, cúc cánh sen… Ngay vụ đầu tiên, hiệu quả kinh tế từ trồng hoa đã cao hơn trồng lúa 2-3 lần, đến kỳ thu hoạch lại có người về tận vườn mua. Năm sau, chị quyết định cải tạo toàn bộ 2 sào vườn, trồng hoa hồng cho thu hoạch quanh năm. Với giá bán bình quân từ 1.500-2.000 đồng/bông thì một sào hoa hồng mỗi năm cho thu nhập 75-80 triệu đồng. Với lợi thế của vùng đất bãi bồi sông Hồng màu mỡ phì nhiêu, năm 2011, xã Mỹ Tân đã chuyển 123ha đất trồng màu sang trồng hoa, với giống hoa chủ yếu là hoa cúc. Xã có 3 HTX nông nghiệp là Hồng Hà, Tân Tiến, Hồng Long, trong đó HTX Hồng Hà đã chuyển toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp là 65ha sang trồng hoa. HTX Tân Tiến có 101ha đất nông nghiệp, đến nay đã chuyển trên 30ha sang trồng hoa. HTX Hồng Long đã chuyển trên 20ha sang trồng hoa. Theo thống kê của xã, bình quân mỗi sào trồng hoa thu hoạch được gần 3 vạn bông, thu nhập đạt gần 30 triệu đồng/vụ. Chi phí đầu tư trồng hoa khoảng dưới 5 triệu đồng/sào, nhưng cho thu nhập cao gấp chục lần so với cấy lúa. Bên cạnh nghề trồng hoa, một số hộ trong xã còn sản xuất giống hoa; nhiều hộ làm dịch vụ thu gom, bán sản phẩm như hộ các ông Trần Văn Thìn, Phan Văn Nguyên, Phạm Văn Trụ... Hiện nay, nhiều hộ trồng hoa ở xã Mỹ Tân đang tiếp tục đưa các giống hoa mới như ly, hồng, lan… vào trồng, cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so trồng hoa cúc truyền thống.
Có thể nói, nghề trồng hoa đang là phương thức giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Những năm gần đây, ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đang từng bước hình thành các vùng trồng hoa, với các loại hoa chủ yếu là: cúc, hồng, huệ, đồng tiền. Huyện Hải Hậu có nghề trồng hoa ở các xã: Hải Hưng, Hải Xuân; huyện Nam Trực ngoài xã Điền Xá, nghề trồng hoa phát triển mạnh ở các xã Nam Mỹ, Nam Toàn; huyện Trực Ninh nghề trồng hoa phát triển ở Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành, các xã Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Đại… với tổng diện tích trên 50ha.
Tuy đã hình thành và phát triển nghề trồng hoa ở nhiều địa phương nhưng phần lớn các vùng trồng hoa trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức nhỏ lẻ. Ngoài xã Mỹ Tân có vùng trồng hoa rộng trên 123ha, các vùng trồng hoa khác như: Nam Mỹ, Nam Toàn (Nam Trực) chỉ có từ 50-65ha chuyên trồng đào, quất. Ngay cả làng Vị Khê, xã Điền Xá, diện tích trồng hoa cũng đang bị thu hẹp để nhường đất cho nghề trồng cây cảnh. Ở các địa phương khác, diện tích vùng trồng hoa chỉ dừng lại ở mức 5-20ha. Với quy mô nhỏ, phát triển manh mún, các địa phương chưa hình thành các vùng sản xuất hoa chuyên canh nên chưa tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, vấn đề thương hiệu, sản phẩm chủ lực chưa được chú trọng nên chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng các loại hoa trong đời sống hằng ngày, nhất là trong các dịp lễ tết sẽ ngày càng tăng. Để nghề trồng hoa phát triển bền vững, tạo ra giá trị hàng hóa lớn, tiến tới xây dựng thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành./.
Bài và ảnh: Thành Trung