Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), năm 2012 cả nước đã có 80.000 người được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thấp hơn so với chỉ tiêu 90.000 người. Năm 2013 được dự báo sẽ có nhiều biến động về thị trường lao động và điều này sẽ tiếp tục tạo ra những khó khăn đối với công tác XKLĐ của Việt Nam.
Bộ LĐ-TB và XH đánh giá, dù năm 2012, XKLĐ không đạt chỉ tiêu nhưng đây cũng là kết quả tích cực trong điều kiện nền kinh tế thế giới khôi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước tiếp nhận lao động tăng cao. Các DN XKLĐ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động; cơ cấu lại thị trường, tập trung vào các thị trường có thế mạnh; thực hiện tốt hơn công tác đào tạo NLĐ, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, phong tục, tập quán, pháp luật liên quan của các nước tiếp nhận lao động; liên kết với các cơ sở dạy nghề để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường… Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp và cơ sở xuất khẩu lao động để triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin đến NLĐ, gia đình, chính quyền xã, phường… về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong XKLĐ và đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động ở Lybia về nước trước thời hạn tại sàn giao dịch việc làm tỉnh. Ảnh: Vân Anh |
Dự báo năm 2013, tình hình XKLĐ sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước xác định sẽ quan tâm tới các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nga… Đặc biệt, với thị trường Hàn Quốc, bộ yêu cầu các địa phương ngoài biện pháp tuyên truyền vận động sẽ tiến tới có chế tài mạnh hơn để giảm số lượng lao động bất hợp pháp. Đối với thị trường Đài Loan, bộ yêu cầu giảm phí, giảm gánh nặng cho NLĐ. Tại thị trường Nga, bộ sẽ cùng phía bạn chấn chỉnh doanh nghiệp, tiến tới ký kết được hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam - Nga.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thanh Hoà, ngay trong quý I-2013, bộ sẽ mở rộng đưa lao động sang Lybia, bởi hiện nay tình hình tại đây đã tương đối ổn định và bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Tín hiệu khả quan trong những ngày đầu năm là Lybia đang tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, với mức lương tăng khoảng 30%. Hiện một số doanh nghiệp XKLĐ đã bắt đầu ký hợp đồng trở lại là các Cty Sona, Vinaconex, Việt Nhật, Việt Thắng. Riêng Cty CP Việt Thắng đầu năm 2013 đã đưa 29 lao động sang Lybia làm việc.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB và XH sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là từ thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với điều kiện lao động Việt Nam, như: Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản...; tiếp tục các hoạt động để mở thị trường mới như Ănggôla, Bêlarut… XKLĐ năm nay cũng sẽ đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ tay nghề đi làm việc như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản, đào tạo nghề tại CHLB Đức… Bộ cũng sẽ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm công khai minh bạch và tăng cường hiệu quả trong hoạt động cấp, đổi giấy phép; nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động XKLĐ.
Cũng trong năm nay, công tác kiểm tra, thanh tra sẽ được đẩy mạnh và xử lý nghiêm minh đối với những doanh nghiệp XKLĐ vi phạm các quy định của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện và xử lý những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động XKLĐ. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu về XKLĐ, Bộ LĐ-TB và XH xác định tăng cường công tác đào tạo NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài./.
Theo: Báo Bảo Hiểm