Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực

07:01, 02/01/2013

Triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bàn thảo và kết luận về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Theo đó, một mũi nhọn đột phá vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay là "phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập…".

Trọng dụng nhân tài giáo dục

Trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, sở dĩ cách mạng Việt Nam thắng lợi vì Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quý trọng và trọng dụng nhân tài.

Bài học và kinh nghiệm quý giá đó cần phải được phát huy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong quá trình đổi mới, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển để nước ta có thể sớm sánh vai với các cường quốc năm châu như mong đợi của Bác Hồ.

Hiện nay, sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đang đặt ra cho nước ta những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng lao động, làm việc có kỹ thuật, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến.

Trong điều kiện hội nhập, mở cửa thị trường, Việt Nam chủ trương CNH rút ngắn thời gian gắn với phát triển kinh tế tri thức thì yêu cầu lại càng nhiều hơn về số lượng, nâng cao về chất lượng đối với nhân lực để có thể nâng cao năng suất lao động xã hội, và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các tầng lớp lao động như nông dân, công nhân, trí thức. Để làm được điều này thì công việc hàng đầu là cần có những chính sách khả thi trọng dụng nhân tài giáo dục.

Thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình đổi mới vừa qua cho thấy rõ rằng, đầu tư cho con người, cho giáo dục phát triển nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển. Đồng thời cũng trong đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường đi vào CNH và kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa đã bộc lộ những bất cập của nguồn nhân lực và nguyên nhân là do yếu kém, hạn chế của giáo dục đào tạo. Nhiều công trình, dự án không thể tuyển chọn được nhân lực mà phải thuê nhân lực quốc tế, nhất là nhân lực quản trị và kỹ thuật, công nghệ. Trong khi ở nước ta các trường đại học mở ra nhiều, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu để thích ứng với thực tiễn sản xuất và phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội khi đi vào CNH-HĐH.

Một yêu cầu của CNH-HĐH là nguồn nhân lực phải có sức khỏe và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Do vậy phát triển nhân lực phải tập trung vào thế hệ trẻ. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh CNH, hội nhập thì giáo dục, đào tạo phải làm sao để thanh niên, thế hệ trẻ trở thành đội quân xung kích đi vào khoa học công nghệ mới? Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hạng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều học sinh, sinh viên thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những nhà kỹ nghệ trẻ tài năng, những doanh nhân, nhà doanh nghiệp trẻ có tài và những lao động tinh thông công nghệ mới.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Ảnh: Internet.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Ảnh: Internet.

Hiện tại nước ta có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp, mới chiếm chưa tới 40%. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý, tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng. Dù thời gian qua có nhiều cố gắng đổi mới, cải cách song giáo dục Việt Nam còn lạc hậu, nhất là bậc đại học và dạy nghề. Hệ quả tất yếu là nguồn nhân lực bị ảnh hưởng. Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang 10 điểm về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực. Trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Ma-lai-xi-a là 5,59; Thái Lan là 4,94 (Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới).

Từ yêu cầu của CNH-HĐH đất nước với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì công việc cấp bách, thường xuyên là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thúc đẩy sự nghiệp khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, phải có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo một cách đồng bộ, khoa học. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục cần chăm lo bồi dưỡng nhiều cán bộ khoa học giáo dục, có những chính sách thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học giáo dục làm việc, cống hiến và giao lưu quốc tế. Ngành giáo dục cần có những quyết sách lớn về trọng dụng nhân tài giáo dục. Vì đây là khâu đột phá để mở ra những sáng tạo để đổi mới, phát triển giáo dục theo hướng hiện đại. Nhân tài giáo dục là tinh hoa của tinh hoa giáo dục, là người có tư duy sáng tạo và đổi mới về giáo dục. Nếu trọng dụng được nhân tài giáo dục, kể cả người nước ngoài thì chấn hưng giáo dục chỉ còn là vấn đề thời gian, tránh được những lãng phí to lớn như đã xảy ra mấy chục năm qua.

Để trọng dụng được nhân tài giáo dục, việc cần làm là: Bộ GD và ĐT, Bộ LĐ-TB và XH phối hợp xây dựng và đề xuất những chính sách, đề án mới đối với lực lượng làm công tác giáo dục, đào tạo. Những chính sách, đề án mới cần quán triệt đầy đủ quan điểm trọng dụng nhân tài giáo dục trong thời kỳ mới.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần phải tích cực giới thiệu với ngành và các cơ quan hữu quan những nhân tài giáo dục để có những chính sách phù hợp đãi ngộ tăng cường nhân tài và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường sư phạm từ cấp mẫu giáo trở lên.

Đổi mới chính sách tuyển sinh với các trường sư phạm nhằm thu hút những lực lượng tinh hoa trong học sinh, sinh viên.

Đào tạo thế hệ trẻ thành nguồn nhân lực có chất lượng

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta: Cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Có thể nói, thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam luôn được sự quan tâm, chăm lo giáo dục của Đảng và Bác Hồ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cũng như nghề nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đã tỏ rõ là đội quân xung kích của cách mạng.

Hiện nay, sau gần 3 thập kỷ đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh vượt bậc, tạo ra điều kiện và thời cơ lớn để đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Sự nghiệp của thanh niên, tương lai, tiền đồ của thế hệ trẻ không thể tách rời vận mệnh và tương lai của dân tộc. Các văn kiện Đại hội của Đảng chỉ rõ phương hướng phát triển cho thanh niên. Đó là "thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm. Chú trọng bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, đào tạo thanh niên trong lực lượng vũ trang có nghề khi hết thời hạn nghĩa vụ quân sự. Tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên có tài năng đi học ở nước ngoài về phục vụ đất nước". Đảng và nhân dân ta quan tâm và kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thanh niên, thế hệ trẻ phải làm sao trở thành lực lượng "hăng hái xung phong" trong mọi việc. Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hàng quốc gia có trình độ học vấn khá, nhưng nguồn lao động trẻ của nước ta còn ở trình độ thấp, chưa có tác phong và tư duy công nghiệp. Đây là một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn để tìm cách khắc phục.

Từ nay đến năm 2020, kinh tế nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH yêu cầu về nguồn nhân lực trẻ được đào tạo có chất lượng ngày càng cao vì chất lượng lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm chứ không phải số lượng lao động phổ thông và giá công nhân, lao động rẻ.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách là phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách toàn diện gắn kết giáo dục và dạy nghề với nghiên cứu khoa học, công nghệ và bám sát, thậm chí đi trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó chú trọng hai lĩnh vực là mở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và đào tạo đại học, trên đại học. Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học. Đổi mới chương trình đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thiết thực, hiện đại. Cần quan tâm việc trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho sinh viên là những công cụ để có thể tiếp cận nhanh với xã hội, thế giới, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đi vào kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa kinh tế, trong vài ba thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Việt Nam phải xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia và chương trình hành động cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thật sự coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu./.

TS Phạm Văn Khánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com