Tuy đã được cảnh báo trước là đi suốt đêm, phải dậy lúc 0 giờ trong cái rét dưới 10 độ C của mưa phùn, gió bấc, “lọ mọ” đến các vùng quê… nhưng không làm tôi nản chí. 0 giờ 30 phút, trong “áo đơn, áo kép” và loà xoà bộ áo mưa, chúng tôi đã có mặt đông đủ tại trụ sở Chi cục Thú y tỉnh. Sau khi thống nhất một số quy định và lộ trình, 1 giờ sáng đoàn chúng tôi xuất phát. Con đường về xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đang thi công: khấp khểnh, bị thu hẹp và ngổn ngang vật liệu nên gần 2 giờ sáng chúng tôi mới đến được hộ gia đình ông Trần Văn Thửa, ở xóm 6, xã Mỹ Hà. Chờ cả chục phút, chủ nhà mới ra mở cổng, phân bua: “Lạnh quá nên ngủ quên chứ như mọi ngày đến giờ này gia đình tôi đã mổ được vài con. Làm sớm để kịp đưa về thành phố…”. Khác với lúc ra mở cổng, khi vào việc cả 4 người 2 nam, 2 nữ đều là người trong gia đình trở nên hoạt bát và chuyên nghiệp. Lợn được đưa ra từ trong chuồng, chỉ một động tác nhẹ nhàng đã đặt nghiêng trên bàn mổ. Từ khâu cắt tiết, làm lông đến lúc mổ phanh ra chỉ mất hơn 10 phút. Con vừa mổ phanh được đưa sang bàn khác có quạt điện thổi cho nhanh nguội, thịt tươi, ngon. Lòng được lấy ra nhanh đưa ngâm ngay vào chậu nước. Con thứ 2 lại được đưa lên bàn mổ. Người pha thịt, người làm lòng, người làm lông… người nào việc ấy. Chỉ gần 1 tiếng đồng hồ 4 con lợn đã được phanh ra, 2 con xương ra xương, thịt ra thịt, sẵn sàng đưa đi tiêu thụ. Vừa pha thịt, ông Thửa vừa giảng giải: “Khi làm phải nhanh, nhất là lấy lòng ra đưa ngay vào ngâm trong nước nếu không chúng vẫn tiếp tục phân huỷ. Lợn mổ xong phải được quạt mạnh kể cả khi nhiệt độ thấp như sáng nay, thịt mới tươi, ngon, đưa về các chợ ở thành phố vẫn bảo đảm chất lượng…”. Khu giết mổ có diện tích chừng 30-40m2, với 4 bàn chuyên dụng, sử dụng nước sạch và thu gom ngay các phế liệu khá sạch sẽ. Các chuyên gia của Chi cục Thú y khá hài lòng: “Nếu điểm giết mổ nào cũng bảo đảm sạch sẽ như thế này thực tốt cho người tiêu dùng…”. Không đi hết được hơn chục hộ giết mổ gia súc của xã Mỹ Hà, nhưng qua vài hộ nữa, vệ sinh giết mổ bảo đảm khá tốt như gia đình ông Thửa.
Cơ sở giết mổ của gia đình ông Trần Văn Thửa, xóm 6, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). |
Đội mưa, xuyên qua màn đêm dày đặc, 4 giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại điểm giết mổ tại gia của ông Nguyễn Văn Toản, xóm Đồng Ngãi, xã Nam Phong (TP Nam Định). Khu giết mổ của gia đình tận dụng ngay hành lang khu công trình phụ khá chật, hẹp. Ngoài chiếc bàn mổ được xây cao, lở lói, sứt mẻ, 2 con lợn đã được mổ phanh đặt trên các tấm phản. 4 người đều là trong gia đình, người ra thịt, người lọc xương, người làm lòng, người đưa các loại thịt đã lọc xong lên cân… Bà chủ nhà xởi lởi: “Chúng tôi phải làm sớm 2 con trước kịp cho các nhà hàng đến lấy. Đây là để cho nhà hàng bó giò, đây là thịt cho hàng phở, hàng bún. Chốc nữa mới làm con thứ 3 để bán tại chợ Đò Quan. Đợt này giá lợn hơi đang lên, từ 40 nghìn đồng/kg giờ đã đạt gần 50 nghìn đồng/kg. Giết mổ thế này chỉ lấy công làm lãi thôi…”. Đồng chí Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố thừa nhận: “Do điều kiện chật chội, các điểm giết mổ gia súc của thành phố không bảo đảm bằng ở các huyện nhưng công tác vệ sinh vẫn được quan tâm đúng mức. Dùng nước máy cho giết mổ, các phế thải được thu gom ngay sau khi giết mổ. Tuy không có các bàn chuyên dụng nhưng các phản ra thịt cũng sạch sẽ…”.
Vòng qua các chợ Hạ Long, Ngõ Ngang, Phụ Long, Cửa Trường, Ngã 6 Năng Tĩnh… dù chợ to hay bé, chợ nào cũng có vài hộ với các vật dụng đơn giản kèm theo một bếp than tổ ong là hành nghề giết mổ gia cầm tại chỗ phục vụ người mua. Mọi người đều biết giết mổ gia cầm tại chợ hoàn toàn không hợp vệ sinh. Đã có một thời khi dịch cúm gia cầm hoành hành, các chợ đã “dẹp” được tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ ở thành phố. Bây giờ chuyện giết mổ gia cầm tại chợ thành phố lại thành sự mặc nhiên(!?).
Theo điều tra, thống kê của ngành Thú y, hiện nay toàn tỉnh có 2.063 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (chưa kể các điểm giết mổ gia cầm tại các chợ ở thành phố), trong đó 1.703 điểm giết mổ lợn, 300 điểm giết mổ gia cầm, 57 điểm giết mổ trâu, bò, dê và 3 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu. Với 1.703 điểm giết mổ lợn, trừ thành phố và Mỹ Lộc có dưới 100 điểm giết mổ, các huyện có điểm giết mổ lợn nhiều như Hải Hậu 333 điểm, Trực Ninh 262 điểm, Nghĩa Hưng 219 điểm, Giao Thuỷ 197 điểm… Theo kiểm tra, đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh: Trong 2.063 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thì có 1 cơ sở giết mổ của Cty TNHH Công Danh được quy hoạch trong KCN Hoà Xá chuyên giết mổ lợn sữa xuất khẩu là đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN và PTNT. Còn lại tất cả 2.062 điểm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều không đủ điều kiện theo thông tư này. Riêng đối với 2 cơ sở giết mổ tập trung của Cty CP Xuất khẩu thịt lợn (TP Nam Định) và Cty TNHH Trường Huy (Hải Hậu) tuy chưa đạt về địa điểm xa khu dân cư nhưng đều được kiểm dịch, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩn, thời gian tới sẽ được khắc phục. Còn lại 2.060 điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các điểm giết mổ gia cầm tại các chợ trong thành phố cần được quy hoạch lại để quản lý. Các điểm này không những không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ mà lực lượng thú y không kiểm soát được nguồn gốc, dịch bệnh gia súc, gia cầm trước và sau khi giết mổ. Mỗi trạm thú y huyện, thành phố chỉ có 3-5 nhân viên, 1 đêm không thể đến hết để kiểm tra, đóng dấu 370 điểm, cơ sở giết mổ (Hải Hậu); 306 điểm, cơ sở giết mổ (Trực Ninh); 251 điểm giết mổ gia súc, gia cầm (Nghĩa Hưng)… Đấy là chưa kể việc quản lý, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm trước khi đưa về cơ sở, điểm giết mổ. Các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại gia đình không kiểm soát chặt chẽ được cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các ổ dịch gia súc, gia cầm.
Để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, vì một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch và nền chăn nuôi bền vững… cùng với quản lý tốt khâu chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, việc quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung có sự quản lý của Nhà nước, đang là vấn đề cần thiết và cấp bách để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh./.
Bài và ảnh: Tất Thắc