Nhiều năm nay tỉnh ta đã có tập đoàn giống lúa ngắn ngày với năng suất cao, chất lượng tốt, cấy cả 2 vụ trong năm. Thời gian sinh trưởng ngắn đã tránh được những diễn biến bất thường của thời tiết, sâu bệnh và tạo điều kiện để giải phóng đất sớm mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông. Từ thực tế nhiều vụ xuân gần đây, vụ xuân năm 2013 tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo đẩy sớm vụ xuân hợp lý và toàn bộ giống lúa cấy vụ xuân là giống lúa ngắn ngày, cấy tập trung, phấn đấu hoàn thành trước ngày 20-2-2013, sớm hơn 10 ngày so với vụ xuân của các năm trước.
Nông dân xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch vụ mùa năm 2012. |
Để tiếp tục bổ sung giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao vào thay thế các giống đã thoái hoá hoặc không còn phù hợp, năm 2012 ngành NN và PTNT tiếp tục khảo nghiệm 59 giống lúa mới có triển vọng tại các vùng đại diện cho phía bắc, phía nam tỉnh cả trong 2 vụ xuân, mùa. Kết quả các giống lúa lai 3 dòng: Xuyên hương 178, Kinh Sở ưu 137, Hoa ưu 99-1 có năng suất cao hơn giống D.ưu 527 và chất lượng gạo tốt hơn D.ưu 527; giống lúa lai 2 dòng 99-1, 99-3 năng suất tăng so với giống lúa lai 2 dòng TH3-3 là 15,6-20,2% và chất lượng cũng được nông dân đánh giá ngon hơn giống TH3-3 hiện đang cấy tại các vùng ở tỉnh ta. Các giống lúa thuần: RVT, Trân châu hương, TBR27, HC4 năng suất tăng so với giống lúa BT7 hiện đang cấy đại trà 12-18% với chất lượng không thua kém so với giống BT7. Đặc biệt các giống lúa mới hầu như không nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa. Đây là ưu điểm vượt trội của các giống kỹ thuật mới để thay thế giống lúa BT7 trong gieo cấy vụ mùa. Riêng huyện Xuân Trường ngay từ vụ lúa xuân 2013 hạn chế gieo cấy giống BT7 và vụ mùa năm 2013 trở đi loại hẳn giống BT7 ra khỏi tập đoàn giống lúa cấy của huyện. Vụ xuân 2013, các địa phương đang phấn đấu 20% diện tích sạ hàng trở lên (15.500ha), gấp trên 2 lần so với vụ xuân 2012 và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, gặt đập liên hợp… Năm 2012 toàn tỉnh đã xây dựng được 45 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 2.282ha, năng suất tăng 7,6-11,4% và lợi nhuận tăng trên dưới 3 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà, có sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật… có hỗ trợ các hộ sản xuất và đã được nhân rộng trong vụ xuân 2013 với tiêu chí mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hoá. Nhiều mô hình doanh nghiệp cung ứng giống tốt, phân bón tốt, cho trả chậm…, đồng thời tổ chức tiêu thụ sản phẩm với giá cao ở các xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Hải Tân (Hải Hậu), Giao Tiến (Giao Thuỷ)… Để đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, năm 2012 UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương (cả cá nhân và tập thể) mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất công suất 24-45CV. Năm 2012, toàn tỉnh đã mua được trên 10 máy gặt đập liên hợp và 12 máy làm đất công suất 24-45CV được tỉnh hỗ trợ kinh phí. Vì vậy đến nay các địa phương trong tỉnh đã có gần 6.000 máy làm đất các loại, đảm bảo cơ giới hoá khâu làm đất 90% diện tích; 2.000 công cụ sạ hàng, đảm bảo gieo sạ 8% tổng diện tích mỗi vụ; hơn 150 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch 6-7% diện tích mỗi vụ. Cùng với sản xuất lúa, trồng khoai tây vụ đông theo phương thức làm đất tối thiểu cũng được áp dụng ở cả 9 huyện trong tỉnh. Mặc dù thời tiết mưa bão, úng ngập làm thất thoát ban đầu nhưng đến nay toàn bộ diện tích khoai tây đông trồng theo phương pháp này đều sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng cho năng suất khá. Ngoài mỗi huyện trồng 1 mẫu khoai tây đông do tỉnh hỗ trợ, huyện Hải Hậu đã trích từ quỹ khuyến nông và các nguồn thu, nguồn tiết kiệm chi hỗ trợ toàn bộ giống và một phần vật tư cho các xã, thị trấn trong huyện tổ chức trồng khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu với mỗi địa phương trồng 3-7 sào. Kỹ thuật và phương pháp này đang mở ra hướng đi mới để tất cả các địa phương đều có thể trồng được khoai tây trong chương trình thâm canh 3 vụ/năm, nhất là cây khoai tây đông không khắt khe về thời vụ, đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng vụ đông khác.
Những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cũng được các địa phương, ngành NN và PTNT đưa vào áp dụng. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ngoài xử lý chất thải bằng bể biôgas, năm 2012 nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái có cải tiến, không mùi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ruồi muỗi, lợn lớn nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thuốc chữa bệnh. Đây chính là tiến bộ mới trong nuôi lợn áp dụng VietGAP an toàn dịch bệnh, bền vững. Trong nuôi trồng thuỷ sản, việc nuôi tôm chân trắng với phương pháp lót đáy bằng cát dày và siphông đáy đã loại bỏ hết các chất thải, thức ăn thừa dưới đáy, tạo cho ao nuôi sạch không còn khí độc H2S, NO2… cùng với dùng các chế phẩm sinh học thay cho hoá chất tạo cho tôm khoẻ mạnh, không bệnh tật, cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với con tôm chân trắng, năm 2012 lực lượng khuyến nông - khuyến ngư đã đưa cá hồng Mỹ về nuôi vùng nước lợ ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ) cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha…
Những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp luôn được các cấp, các ngành chức năng chọn lọc, ứng dụng có sáng tạo trong những năm qua đã góp phần tạo hiệu quả cao trong sản xuất, đồng thời tạo ra lực lượng lao động mới, quan hệ sản xuất mới… từng bước chuyển dịch nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo 19 tiêu chí xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Tất Thắc