Năm 2012, mặc dù nền kinh tế tiếp tục khó khăn nhưng được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác giải quyết việc làm của tỉnh vẫn đạt kết quả khá. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 30.805 lao động (trong đó 15.697 lao động nữ), đạt 101% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với năm 2011; xuất khẩu 2.910 lao động.
Lớp dạy nghề trồng hoa, chăm sóc cây cảnh cho lao động hộ cận nghèo của xã Nam Phong do Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định tổ chức. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trong năm 2012, hoạt động thông tin thị trường lao động được tổ chức triển khai đồng bộ từ việc thu thập thông tin nguồn cung - cầu lao động với biến động lao động tại các hộ dân, cầu lao động ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Kết quả điều tra 1.942 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và 64.561 hộ có biến động về lao động được cập nhật kịp thời; điều tra tình hình tai nạn lao động trên địa bàn và với người lao động của tỉnh đi làm nơi khác. Trong Chương trình quốc gia về việc làm, 1.233 dự án được vay 35 tỷ 458 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã tạo việc làm cho 2.139 lao động. Các chương trình tư vấn, xúc tiến giới thiệu việc làm được tổ chức thường xuyên. Các trường dạy nghề trên địa bàn gắn việc đào tạo nghề với giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, đã tăng khả năng để thu hút học sinh, đồng thời đã giải quyết lượng lớn lao động trẻ có việc làm sau khi học. Các doanh nghiệp ngành dệt may vốn là thế mạnh của địa phương tiếp tục duy trì sản xuất. Đặc biệt là xu thế đầu tư doanh nghiệp quy mô nhỏ về các địa bàn nông thôn đã tranh thủ số lao động nông thôn không có khả năng đi làm tại các cơ sở sản xuất. Xuất khẩu lao động mặc dù có nhiều khó khăn song vẫn được ngành LĐ-TB và XH và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Ngành LĐ-TB và XH và các ngành hữu quan, các địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ NLĐ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cá nhân năm 2012; tổ chức các lớp tập huấn về xuất khẩu lao động cho gần 900 cán bộ thôn, xóm của hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; biên soạn và phát hành 7.000 cuốn sổ tay hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan đến xuất khẩu lao động cho cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH ở các huyện, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Công tác đào tạo nghề được tỉnh chỉ đạo quyết liệt tới các cấp, các ngành. Các địa phương cũng nâng cao trách nhiệm, chủ động huy động các nguồn lực để đào tạo nghề cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức được 161 lớp, dạy nghề miễn phí cho 5.530 lao động; tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 90%. Tổng số các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 30.200 lao động, tăng 2,3% so với kế hoạch, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 36,5%, tăng 0,2% so với năm 2011 (trong đó hệ cao đẳng nghề 5.000 người, trung cấp nghề 7.000 người, sơ cấp nghề 18.200 người). Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp ở các KCN ngừng sản xuất chiếm khoảng 12%, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ từng vùng. Tình trạng có nơi thừa lao động không có việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động, nhất là lao động có tay nghề cao…
Năm 2013 được dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn. Mục tiêu đề ra của tỉnh là phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 30.500 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 2.000 người. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành của tỉnh cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động, để người lao động không chỉ giỏi tay nghề mà phải có tác phong làm việc công nghiệp, trang bị kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thích nghi với các môi trường, điều kiện lao động. Đổi mới thực hiện các dự án hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng chia đều vốn mà tập trung cấp vốn cho các dự án thực sự có hiệu quả, có khả năng giải quyết nhiều việc làm. Các nhà quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đồng bộ với cơ quan, tổ chức - xã hội lập kế hoạch dự phòng, đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động tương thích theo thực tế xã hội./.
Trần Vân Anh