Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

07:12, 20/12/2012

Những năm gần đây, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số ở tỉnh ta phải đối mặt với nhiều thách thức: tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Tỷ lệ giảm sinh mặc dù đã đạt ở mức thay thế nhưng đang tiềm ẩn những nguy cơ tăng mức sinh trở lại. Tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh. Chất lượng dân số thấp, tuổi thọ trung bình tuy tăng song số năm trung bình sống khoẻ mạnh thấp; các tố chất về thể lực hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền; tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ, số người bị tàn tật, khuyết tật; tỷ suất chết mẹ, chết sơ sinh; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; tình trạng bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản vẫn còn cao.

Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) tư vấn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em cho nhân dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) tư vấn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em cho nhân dân.

Trước thực tế này, cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đề án tiền hôn nhân được triển khai từ năm 2006 hướng đến đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, đề án góp phần nâng cao nhận thức của những đối tượng này với việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ và có quan điểm đúng đắn về tình bạn, tình yêu, về quan hệ tình dục và biết cách phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Từ việc triển khai thí điểm ở xã Đại Thắng và Thị trấn Gôi (Vụ Bản), đến hết tháng 12-2010, đã có 37 xã của 10 huyện, thành phố được thụ hưởng đề án với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, cấp phát tài liệu, tờ rơi cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên; tư vấn và khám sức khoẻ cho đối tượng vị thành niên, thanh niên. Qua đó giúp người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên trên địa bàn có những kiến thức cơ bản để chăm lo bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai từ năm 2007 tại 62 xã, phường của 7 huyện, thành phố nhằm phát hiện, điều trị sớm các tật, bệnh, các rối loạn chuyển hoá di truyền như bệnh đao, dị tật ống thần kinh, bệnh thiếu men G6PD... Tỉnh ta đã tổ chức 3 đợt tập huấn, nâng cao trình độ siêu âm, kỹ năng thực hiện các ca lấy mẫu xét nghiệm của trẻ sơ sinh cho đội ngũ cán bộ y tế. Đến hết năm 2010, các cơ sở y tế đã lấy máu gót chân trẻ sơ sinh được gần 5.000 mẫu, phát hiện suy giáp trạng bẩm sinh 78 ca, thiếu men G6PD 213 ca. Tất cả các trường hợp trên đều được thông báo đến tận gia đình để có hướng điều trị nhằm hạn chế các dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Từ hiệu quả của 2 đề án này, UBND tỉnh đã phê duyệt mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân giai đoạn 2011-2015 và đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2011-2015. Theo đó, năm 2011 tỉnh ta tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động của mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân tại 33 xã thuộc 10 huyện, thành phố như: tổ chức và duy trì hoạt động tại các CLB tiền hôn nhân; duy trì góc truyền thông tư vấn, cung cấp trang thiết bị truyền thông; tổ chức truyền thông tư vấn tại xã, khám sức khoẻ cho đối tượng tiền hôn nhân. Trong khuôn khổ đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, năm 2011, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Trung tâm Chẩn đoán trước sinh tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh cho nữ hộ sinh các xã, phường, thị trấn triển khai đề án mở rộng. Thực tế tại huyện Nghĩa Hưng cho thấy, đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ 9 xã điểm được thực hiện năm 2009 là: Nghĩa Hùng, Nghĩa Thành, Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phú, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, đến năm 2011 đề án được triển khai thêm tại 3 xã: Nghĩa Phong, Nghĩa Hồng, Nghĩa Châu. Hằng năm, huyện đã tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; cử một số cán bộ quản lý, bác sỹ và các nữ hộ sinh tham gia thực hiện đề án dự các lớp huấn luyện về siêu âm chẩn đoán trước sinh, lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để xét nghiệm. Trong thời gian triển khai đề án, hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trên 90% bà mẹ có thai tại các xã thụ hưởng đề án được khám thai định kỳ và tuyên truyền tư vấn, nâng cao hiểu biết về sự cần thiết phải sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý thai nhi trước sinh. Năm 2012, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh tiếp tục được mở rộng thêm ở 60 xã, phường trên địa bàn 10 huyện, thành phố, đưa tổng số xã, phường được thụ hưởng đề án lên 175 xã, phường. Đề án tiền hôn nhân tiếp tục duy trì ở 33 xã, phường trong tỉnh. Đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng bắt đầu được triển khai tại 6 xã của 3 huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh với mục tiêu cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi nhằm phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Ngoài ra, từ năm 2010, thực hiện Đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển tại 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy, nhận thức của nhân dân, phụ nữ vùng biển về vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục… đã cải thiện đáng kể chất lượng dân số, làm giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa, tăng tỷ lệ trẻ em vùng biển được học tập, trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Hiệu quả của các đề án sẽ góp phần đạt được mục tiêu tổng quát của kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh nhằm thực hiện Chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản là: Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com