Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:12, 24/12/2012

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, ngày 12-8-2011, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; trong đó chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế trang trại, gia trại trong công tác điều hành phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Sở NN và PTNT đã tổ chức hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, giúp các chủ trang trại, gia trại nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư; thông báo kịp thời diễn biến sâu bệnh, dịch hại, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, dịch bệnh thuỷ sản và cách phòng chống; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dập dịch nhanh không để lây lan.

Các huyện, thành phố đều ban hành nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại của nhà nước. Huyện Trực Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng chuyển đổi, vùng xây dựng kinh tế trang trại tập trung; 30 triệu đồng cho mỗi trang trại chăn nuôi, thuỷ sản nằm trong vùng quy hoạch, vùng dự án được duyệt và đạt tiêu chí trang trại của Bộ NN và PTNT. Các huyện: Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản… đầu tư kinh phí, tổ chức cho các chủ trang trại tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan các trang trại điển hình, các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, giống lợn ngoại trong và ngoài tỉnh có thêm kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức sản xuất. Huyện Giao Thuỷ thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… các xã, thị trấn đứng ra tín chấp cho các hội viên vay vốn xây dựng, phát triển kinh tế trang trại. Trong năm qua, tổng số vốn vay phát triển kinh tế trang trại của huyện Giao Thuỷ trên 500 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 366 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định, tăng 60 trang trại so với trước khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ; trong đó 2 trang trại trồng trọt, 5 trang trại tổng hợp, 116 trang trại chăn nuôi và 243 trang trại thuỷ sản. Tổng diện tích đất sử dụng làm trang trại 1.877,157ha, bình quân 5,12ha/trang trại. Tổng vốn đầu tư cho trang trại là 488 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đầu tư 1 tỷ 330 triệu đồng; tổng doanh thu năm 2012 từ kinh tế trang trại là 564 tỷ 902 triệu đồng, tổng thu nhập đạt 99 tỷ 550 triệu đồng, bình quân mỗi trang trại có thu nhập 272 triệu đồng. Trong đó, 2 trang trại trồng trọt, doanh thu bình quân 1 tỷ 700 triệu đồng/trang trại; 116 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt; một số trang trại phát triển thêm các con nuôi có giá trị kinh tế cao như lợn rừng, gà lai chọi, thỏ, nhím, cá sấu… Các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh), thiết bị chuồng trại có máng uống tự động, máng ăn bán tự động cho lợn, gà, bảo đảm vật nuôi phát triển nhanh, năng suất và hiệu quả cao. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn; tiêu biểu như trang trại của ông Trần Trọng Nghĩa, xã Hải Đông (Hải Hậu) nuôi 700-800 con lợn nái ngoại; trang trại của ông Ngô Đức Thịnh ở xóm 7, xã Hải Tân (Hải Hậu) nuôi trên 100 con lợn nái ngoại và 200-400 con lợn thịt/lứa; trang trại của ông Trần Văn Triển và trang trại của ông Đỗ Đức Viện, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) năm 2012 có giá trị hàng hoá trên 5 tỷ đồng…

Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp của ông Phạm Văn Lương, xã Kim Thái (Vụ Bản) mỗi lứa nuôi từ 15-16 nghìn con. Ảnh: Thành Trung
Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp của ông Phạm Văn Lương, xã Kim Thái (Vụ Bản) mỗi lứa nuôi từ 15-16 nghìn con. Ảnh: Thành Trung

Toàn tỉnh hiện có 243 trang trại nuôi thuỷ sản. Ngoài các con nuôi có giá trị kinh tế cao như ngao, tôm sú, tôm chân trắng và các loại cá truyền thống như mè, trắm, chép…, một số chủ trang trại đã đầu tư nuôi các loại con nuôi mới như cá lóc bông, cá rô đồng, cá lăng chấm… cho thu nhập cao. Các trang trại sản xuất giống thuỷ sản đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống sinh sản nhân tạo trên nhiều đối tượng nuôi như cá lăng chấm, cá chim trắng, tôm càng xanh, rô phi đơn tính đực, cá bống tượng (nước ngọt), tôm rảo, tôm sú, cá bống bớp, cá song, cá vược, ngao, tu hài, hầu… (nước mặn lợ); ứng dụng công nghệ sinh học trong cải tạo ao, đầm, quản lý quy trình nuôi dùng các chế phẩm sinh học bảo đảm sức khoẻ cho động vật thuỷ sản, con người và thân thiện với môi trường. Nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao thu nhập hàng tỷ, chục tỷ đồng như trang trại nuôi ngao của các ông Trịnh Đình Cửu, Phạm Văn Thực, Phạm Văn Lộc… xã Giao Xuân (Giao Thuỷ); Cao Văn Ba, Nguyễn Thành Công, Cao Văn Chanh, Trần Văn Tẩy, xã Giao Phong (Giao Thuỷ); trang trại của các ông Bùi Văn Chinh, Nguyễn Văn Thuý, Vũ Văn Tịch… (Hải Hậu) nuôi tôm chân trắng; trang trại của ông Nguyễn Đức Nam, Thị trấn Rạng Đông… Cùng với phát triển trang trại, đến nay toàn tỉnh có 3.567 gia trại, tăng 988 gia trại so với trước khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ. Trong đó 1.221 gia trại nuôi lợn, tăng 513; 2.204 gia trại nuôi gia cầm, tăng 473; 142 gia trại nuôi trâu bò, tăng 2 gia trại. Chăn nuôi gia trại phổ biến với quy mô: lợn thịt 20-50 con, lợn nái 2-5 con và kết hợp với nuôi lợn thịt; vịt, ngan, gà thả vườn 200-500 con, gà công nghiệp 500-1.000 con, trâu bò 5-10 con. Mô hình gia trại tuy đạt hiệu quả khá song chuồng trại, thiết bị và các giải pháp bảo vệ môi trường còn hạn chế; hầu hết các gia trại chăn nuôi gia cầm chưa có hệ thống xử lý chất thải, các gia trại chăn nuôi lợn, trâu, bò có hầm biôgas xử lý nước thải còn ít.

Các loại hình kinh tế trang trại, gia trại trong tỉnh đều phát triển ổn định, sản xuất kinh doanh có lãi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Kinh tế trang trại phát triển giúp cho nông dân thay đổi tư duy kinh tế, chủ động hơn trong đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường; bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế trang trại còn bộc lộ nhiều hạn chế: Công tác chỉ đạo triển khai chưa thường xuyên, thiếu đôn đốc, kiểm tra, thiếu các giải pháp kịp thời khi gặp khó khăn. Công tác kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho các hộ đạt tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ NN và PTNT còn chậm, hiện trong tỉnh có 81% trang trại đủ tiêu chuẩn chưa được cấp huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận để các chủ trang trại được hưởng các ưu đãi của Nhà nước, thậm chí có huyện chưa xét cấp giấy chứng nhận cho chủ trang trại. Nhiều trang trại chưa gắn sản xuất với bảo quản, chế biến nên thua thiệt khi giá cả lên xuống thất thường, đặc biệt khi thực phẩm, sản phẩm gia súc, gia cầm, con giống ồ ạt nhập lậu. Các vùng chăn nuôi tập trung chưa tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá cùng chủng loại, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định nên hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý dịch bệnh tại các gia trại còn lơ là nên năm qua dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh ở lợn, cúm gia cầm… vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi chưa quan tâm bảo vệ môi trường. Công tác đầu tư cho các vùng chăn nuôi trang trại, gia trại còn ít, chủ yếu phó mặc cho các hộ dân. Nhiều địa phương chưa quy hoạch khu giết mổ tập trung… Các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, hạn chế, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo tinh thần Nghị quyết 07 của BCH Đảng bộ tỉnh./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com