Tăng cường hoàn thiện kênh phân phối sản phẩm cho doanh nghiệp

07:12, 13/12/2012

Những năm gần đây do chủ động tập trung đưa công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào các khâu sản xuất, nên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có số ít các doanh nghiệp và tổ chức làng nghề tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm, còn nhiều làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do việc bán hàng chủ yếu mang tính tự phát, không có kênh phân phối ổn định, thị trường tiêu thụ bấp bênh... Hiện nay, các đơn vị sản xuất nhỏ khó đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại vì không đủ kinh phí để duy trì trưng bày hàng hóa trên các kệ hàng trong thời gian sản phẩm của đơn vị chưa được người tiêu dùng biết đến. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối sản phẩm hiện đại còn thiếu và chưa có sự kết nối với doanh nghiệp sản xuất. Các chợ ở nông thôn đa số là chợ tạm đã xuống cấp, chưa được đầu tư xây mới; số chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý còn thấp, còn ít các mô hình kinh doanh thương mại tiên tiến ở trung tâm tỉnh và trung tâm huyện, thị. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu thông tin về thị trường nên việc phát triển các ngành nghề thường tự phát, không gắn với nhu cầu thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh, chưa liên kết với nhau và với các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Việc phân phối hàng hoá không hiệu quả đã khiến cho doanh nghiệp không chi trả được chi phí trong kinh doanh là một trong những nguyên nhân khiến cho số doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng.

Khách hàng chọn mua sản phẩm của Cty CP May Nam Định.
Khách hàng chọn mua sản phẩm của Cty CP May Nam Định.

Để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đẩy mạnh khả năng tiếp thị sản phẩm, tiếp cận với các kênh phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Kinh nghiệm của Cty CP Dược phẩm Nam Hà là tập trung xây dựng, thực hiện chiến lược cạnh tranh dài hạn; phát triển hệ thống kênh phân phối sản phẩm trên cả “bề rộng” và “bề sâu” phủ kín hệ thống chi nhánh đại lý trên khắp các tỉnh, thành trong nước và ở một số nước trên thế giới. Nhờ đó, Cty đã tạo dựng được uy tín, vị thế về chất lượng sản phẩm đồng thời ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh sự chủ động xây dựng, hoàn thiện kênh phân phối sản phẩm từ phía doanh nghiệp, thời gian gần đây, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều động thái đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất và phân phối trên thị trường nội địa. Tháng 12-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định 2193 về việc phê duyệt dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Liên minh HTX tỉnh đã chọn HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) liên kết với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) xây dựng chuỗi liên kết các thành viên từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm sản xuất. HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong sản xuất vụ đông cho xã viên; thành lập trang thông tin điện tử để quảng bá về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh từng vụ trong năm để triển khai cụ thể đến các thôn xóm, trích kinh phí đầu tư và khuyến khích xã viên đưa vào gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Về phía Cty TNHH Bao bì kim loại CFC, ngay từ đầu năm 2012, Cty đã lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho xã viên HTX Nghĩa Bình. Thông qua HTX, Cty cung ứng giống, thuốc trừ sâu, phân bón, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nông dân và tổ chức thu mua toàn bộ nông sản sau thu hoạch của HTX theo hợp đồng ký kết. Đối với các xã viên, ngoài trách nhiệm nhận nguyên vật liệu, vật tư từ HTX, tiếp thu quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo quy trình hướng dẫn, các hộ nông dân phải thu hoạch và bán toàn bộ sản phẩm nông sản thu hoạch cho HTX theo hợp đồng. Việc triển khai mô hình doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân nhằm mang lại lợi ích giữa các chủ thể cùng tương hỗ các điểm mạnh, yếu nhằm đảm bảo ổn định mối “liên kết 4 nhà”, là giải pháp giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường hỗ trợ những doanh nghiệp có hàng hóa tốt ở các địa phương kết nối vào các kênh phân phối hiệu quả; phát triển hệ thống phân phối hiện đại ngay tại địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com