Nhân rộng mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở Hải Hậu

08:12, 08/12/2012

 

Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu là địa phương dẫn đầu tỉnh về mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Để đạt được kết quả này, huyện đã đưa nhiều mô hình cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, cải dầu… Diện tích cây trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa của huyện thường đạt khoảng 1.000ha, trong đó diện tích cà chua đạt hơn 200ha, bí xanh hơn 200ha, cải dầu gần 300ha, đậu tương 86ha… Năm 2011, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng thành công mô hình “Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ” ở xã Hải Đường. Mô hình được triển khai thí điểm với diện tích 3 sào trên đất hai vụ lúa, năng suất đạt hơn 700kg/sào.

Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu năng suất tăng 20%, lại tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn 20-30 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Về cơ bản, phương pháp mới không khác so với phương pháp truyền thống về mùa vụ, mật độ, khoảng cách, nền phân bón. Tuy nhiên, với phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ, do mầm đặt trên mặt đất, củ phát triển trên mặt đất nên hầu như mọi chân đất cấy lúa mùa đều trồng được khoai tây; không cần cày bừa, lên luống mà chỉ tạo rãnh thoát nước theo luống, khoảng cách luống tương tự phương pháp truyền thống, tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, mùn trấu và các sản phẩm thực vật phủ dầy lên mặt luống thay vì phải làm đất vun cao gốc cho cây như cách làm truyền thống. Đến thời điểm thu hoạch, hầu hết lượng rơm rạ phủ luống đã hoai mục, cùng với phần thân, lá khoai tây trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trong vụ xuân, tiết kiệm được một phần phân bón hoá học. Sản phẩm khoai tây sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn, củ sáng bóng giá trị khoai thương phẩm và chất lượng giống cao hơn; từng bước khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, thải tàn dư cây trồng gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Để triển khai thành công mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu trên diện rộng, huyện đã tổ chức hội nghị đầu bờ đến cấp thôn, xã để nông dân có cơ hội “mục sở thị” mô hình. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo trạm khuyến nông và các xã, HTX trên địa bàn chuẩn bị 100% giống để nông dân thuận lợi triển khai gieo trồng.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Hải Hậu kiểm tra mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở xã Hải Bắc.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Hải Hậu kiểm tra mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở xã Hải Bắc.

Đồng chí Vũ Văn Triển, trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hải Hậu cho biết: Mô hình triển khai ở vụ đông năm 2011 tại xã Hải Đường đã mang lại hiệu quả cao, là bước đột phá trong trồng khoai tây vụ đông và là mô hình để nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện. Do vậy, vụ đông năm 2012, huyện đã nhân rộng mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở cả 35 xã, thị trấn trong huyện. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tỉnh hỗ trợ giống khoai tây trên 1 mẫu trồng mô hình cho huyện. Huyện đã đưa khoai tây giống Solara của Đức là giống có chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh vào các mô hình. Ngay khi bước vào sản xuất vụ đông, Trạm Khuyến nông huyện đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các xã tham gia trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Trong khâu làm đất, cần cắt hết gốc rạ, tháo cạn nước; khi độ ẩm của đất đạt 70-75% thì tiến hành trồng. Là địa phương luôn gặp khó khăn về thời tiết trong sản xuất nông nghiệp, vụ đông năm nay huyện đã cải tiến khâu làm đất. Trạm Khuyến nông đã chỉ đạo nông dân thực hiện cày luống rộng 1,4-1,5m, mặt luống rộng 0,9-1m, cao so với mặt ruộng 25-35cm; và cày rãnh thoát nước xung quanh ruộng sâu 15-25cm và bón 15-20kg vôi bột trên toàn bộ luống. Mật độ trồng từ 1.000-1.200 củ/sào, mỗi luống trồng 2 hàng so le, hàng cách hàng 40-45cm, củ cách củ 30cm, dùng đất đập nhỏ phủ kín củ giống, sau đó dùng rơm rạ phủ lên toàn bộ mặt luống dày khoảng 7-15cm (mỗi sào trồng khoai tây theo phương pháp mới cần 3-4 sào rơm rạ), thường xuyên tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm và bổ sung thêm rơm rạ để toàn bộ phân bón và củ giống không tiếp xúc với ánh sáng. Mặc dù, cơn bão số 8 vừa qua đã làm ảnh hưởng nhiều diện tích cây trồng vụ đông nhưng diện tích trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu cải tiến của huyện đã phát huy hiệu quả. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Du, đội 8, xã Hải Bắc trồng 5 sào khoai tây đã lên cây, sau khi bão tan, ông Du dùng máy bơm nước để cứu diện tích khoai đã trồng và tiếp tục trồng 5 sào còn lại; hộ các ông Trần Văn Mạnh và Trần Văn Phồn, đội 17, xã Hải Trung trước khi bão xảy ra đã mang củ về ủ trong cát hơi ẩm, sau khi nước ở ruộng rút cạn, các ông lại đánh ra trồng; bà Nguyễn Thị Len, đội 13, xã Hải Long trồng 2 sào, do làm luống cao, tiêu nước sớm nên sau bão 85% diện tích khoai tây không bị thối củ… Đến nay, nhiều diện tích khoai tây trồng trước bão đã dần hồi phục và phát triển bình thường, các diện tích trồng sau bão đã nảy mầm…

Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ bước đầu đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều nông dân không chỉ riêng huyện Hải Hậu mà ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thành công từ nhân rộng mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở Hải Hậu đang là hướng đi mới cho các địa phương trong tỉnh trong việc mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất hai vụ lúa với năng suất, hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com