Hành trình đến với Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn huyền thoại

07:12, 22/12/2012

Thật tình cờ, sát dịp chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-2012), trong chuyến công tác tại Thành phố Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập, đoàn công tác Báo Nam Định có dịp viếng thăm Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Là thế hệ sinh ra khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, chúng tôi chỉ cảm nhận về sự khốc liệt, những mất mát, hy sinh của hàng triệu người dân Việt Nam trong 30 năm chiến tranh trường kỳ, gian khổ, đẫm máu và nước mắt qua những trang sách, những câu chuyện kể của lớp người đi trước. Nhưng, mỗi khi đến dải đất miền Trung anh dũng, kiên cường, đến địa danh Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn huyền thoại chúng tôi càng thấy thấm thía nỗi đau của đất nước. Sau gần 40 năm đất nước được hòa bình, dấu vết chiến tranh vẫn còn in đậm trên những địa danh một thuở của Quảng Trị như Cồn Tiên, Dốc Miếu, những vùng đất Gio Linh, Vĩnh Linh... anh dũng, kiên cường. Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, bây giờ là tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt chiều dài đất nước, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nằm trọn giữa núi rừng hùng vĩ, trùng điệp che chở cho 10.333 người con Tổ quốc an giấc nghìn thu càng làm tăng thêm khúc ca bi tráng, hào hùng của dân tộc.

Tượng đài TNXP tại đường 20 Quyết thắng. Ảnh: Internet.
Tượng đài TNXP tại đường 20 Quyết thắng. Ảnh: Internet.

Nghĩa trang Trường Sơn trong một ngày mưa rải rác với tiết trời giá lạnh nhưng vẫn không vắng bóng người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến thăm viếng. Đến nơi đây, dường như mỗi người đều bỏ lại sau lưng những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường ngày, hướng lòng mình với tất cả sự tri ân trước những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ. Trong hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, dải Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành thiên anh hùng ca bi tráng, nơi chứng kiến tinh thần quyết chí, bền lòng, đầy gian lao của một thế hệ người Việt Nam. Từ những khó khăn núi cao, vực sâu, tới sự tàn phá của bom đạn, thậm chí là hàng triệu lít chất độc hóa học khủng khiếp trong lịch sử loài người mà hậu quả để lại cho nhiều thế hệ người Việt Nam về sau - vẫn không ngăn được ý chí của cả dân tộc quyết tâm mở đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện sức người, sức của cho giải phóng miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước. Từ khi hình thành tháng 10-1959 đến khi đất nước giải phóng tháng 4-1975, khắp núi rừng Trường Sơn đã chứng kiến hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, hơn 32 nghìn người bị thương và hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học… Tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã xây dựng Nghĩa trang thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) với tổng diện tích 140.000m2 là nơi an nghỉ đời đời của 10.333 liệt sỹ, trong đó có 578 liệt sỹ quê hương Nam Định. Xung phong lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các anh, các chị đã anh dũng chiến đấu, nằm xuống để lại sau lưng bao hoài bão lớn lao của tuổi trẻ. Trên 5 tấm bia ghi công của Nhà bia liệt sỹ tỉnh Nam Định chật kín những cái tên mãi mãi ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Đó là liệt sỹ Đoàn Văn Giáo (SN 1953), quê Gốc Mít (TP Nam Định) hy sinh năm 1971 khi mới 18 tuổi; liệt sỹ Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1948) xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), hy sinh năm 1968 khi mới 20 tuổi; Liệt sỹ Lê Văn Sắc (SN 1949), quê xã Trực Thuận (Trực Ninh) hy sinh năm 1969… sẽ mãi nhắc nhở thế hệ sau về tinh thần quả cảm, hy sinh, gian khổ nhưng đầy anh hùng của những người con quê Nam Định từng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thắp nén nhang thơm, châm điếu thuốc lá dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sỹ quê hương, chúng tôi tự hào biết bao bởi những hy sinh của các anh hôm qua đã tạo thành động lực, quyết tâm của thế hệ hôm nay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng của người dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Trong năm 2012, mặc dù điều kiện kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn nhưng tổng sản phẩm GDP của tỉnh (so với năm 1994) ước đạt 12.755 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011, GDP bình quân đầu người hiện ước đạt 20,7 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được giữ vững với tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 4.708 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2011. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt trên 95 triệu đồng. Triển khai xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn đều quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến nay, trong 96 xã xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, có 13 xã đạt 13-14 tiêu chí, 44 xã đạt 10-12 tiêu chí, 39 xã đạt 5-9 tiêu chí, không có xã nào có dưới 5 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí do Chính phủ ban hành; triển khai thi công 256 công trình, trong đó có 65 công trình xây dựng mới với tổng giá trị đạt 320 tỷ đồng góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Các mặt đời sống văn hóa, xã hội đều đạt những kết quả tốt, ngành GD và ĐT tiếp tục là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về phong trào và chất lượng giáo dục; tình hình an ninh trật tự, quốc phòng được giữ vững. Đặc biệt, trong năm tỉnh đã tổ chức thành công sự kiện 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng, đón nhận Quyết định của Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh… Những thành quả đó là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà với sự hy sinh to lớn của các anh, các chị. Đến với Nghĩa trang Trường Sơn trong lòng lại lâng lâng bồi hồi xúc động với tình cảm của người đang sống với người đã nằm xuống. Những ngôi mộ được xây dựng chắc chắn, nằm ngay ngắn, thẳng hàng vẫn thường xuyên được thắp hương, đặt hoa những hôm mùng một, hôm rằm, những ngày lễ kỷ niệm của đất nước. Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 hằng năm, trên mỗi ngôi mộ lại lung linh ánh nến thể hiện sự tri ân của những người còn sống, làm bừng sáng cả một vùng rộng lớn của mảnh đất Trường Sơn huyền thoại. Sinh sống ở mảnh đất thiêng của đất nước, từ chị bán hàng lưu niệm, anh chụp ảnh dạo đến những đứa trẻ dân tộc Vân Kiều trong tâm thức luôn ý thức tri ân những liệt sỹ. Không mời mọc, chèo kéo người đến thăm, những đứa trẻ Vân Kiều lần lượt lấy những nén nhang trong Nhà bia liệt sỹ tỉnh Nam Định thắp lên bát hương tưởng niệm các liệt sỹ khiến lòng chúng tôi như ấm lại: nơi xa quê hương đến 500km, giữa núi rừng đại ngàn, các anh, các chị vẫn được trông nom chu đáo (!).

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Huyền thoại về Nghĩa trang Trường Sơn còn đọng lại trong tâm trí những người đến thăm biết bao điều kỳ lạ về vùng đất thiêng. Đâu đây âm thanh văng vẳng như tiếng bộ đội tập thể dục buổi sáng qua câu chuyện của những người quản trang; về cây bồ đề tự nhiên mọc, giang rộng cành lá ôm lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm trung tâm; là nguồn nước trong mát, bất ngờ phun lên khi nghĩa trang được khởi công xây dựng… Xe chúng tôi rời khỏi Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn cũng là lúc tạnh mưa, trời hừng sáng. Trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa, đường Hồ Chí Minh rộng dài ngày nay, trước mắt hiện ra bạt ngàn những rừng cao su, rừng bạch đàn ngút ngàn, những thị tứ, khu dân cư nhộn nhịp, nép mình bên dưới tuyến đường dây điện 500KV Bắc - Nam thế kỷ… chúng tôi tự nhủ rằng, đời đời các thế hệ về sau sẽ luôn nhớ đến công lao của các anh hùng liệt sỹ, được thể hiện qua lời đề từ của GS.AHLĐ Vũ Khiêu trên quả chuông đồng tại Nghĩa trang: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”(!)./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com