Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương, doanh nghiệp

06:12, 01/12/2012

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành hữu quan trong tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề phù hợp với tập quán lao động, phát huy lợi thế của địa phương, đảm bảo đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn; nhất là việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương, doanh nghiệp.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, trong 8 tháng năm 2012, số lao động nông thôn được học nghề là 4.550 lao động, đạt 87% kế hoạch; trong đó, có 3.500 lao động học nghề phi nông nghiệp, 1.050 lao động học nghề nông nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở dạy nghề 3 cấp với quy mô đào tạo 26 nghìn lao động/năm, trong đó, có 75% là nghề phi nông nghiệp. Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề đã xây dựng được 10 chương trình sơ cấp nghề (nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; móc sợi; sản xuất muối sạch...) và chủ động chỉnh sửa, bổ sung 30 chương trình, giáo trình các nghề khác để đáp ứng dạy nghề cho lao động nông thôn. Sở LĐ-TB và XH đã ký kết với 24 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Song song với việc triển khai điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và thực trạng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, tỉnh ta đã cụ thể hóa các mô hình dạy nghề thí điểm như: Tại huyện Giao Thủy, tổ chức mô hình gắn sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề thủ công. Xã Yên Phúc (Ý Yên), tổ chức mô hình trồng cây cảnh. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), tổ chức mô hình nuôi trồng thủy sản. CCN An Xá (TP Nam Định) thực hiện mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp sản xuất. Đến nay, các mô hình dạy nghề đều đạt kết quả khả quan. Tại huyện Nghĩa Hưng, sau khi tham gia lớp học trồng 6 loại nấm đặc sản của Trung tâm dạy nghề huyện, bà con nông dân đã tổ chức sản xuất nấm với những gia trại được đầu tư hàng tỷ đồng với quy trình trồng nấm khép kín. Người trồng nấm có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, có nhiều người đạt doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng. Trên địa bàn huyện Hải Hậu, Cty CP May Sông Hồng đã đầu tư nhà máy may công nghiệp tại xã Hải Phương trên diện tích 62 nghìn m2 với 4 xưởng sản xuất, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 2 xưởng đi vào sản xuất tạo việc làm cho trên 1 nghìn lao động trong huyện. Ngoài ra, ở nhiều xã trong huyện như Hải Đông, Hải Long, Hải Xuân, Hải Vân, Hải Ninh, Hải Quang, Hải Đường, Hải Giang… phát triển nghề may, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ở xã Hải Đường, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển Công nghiệp I (Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công thương) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) dạy nghề cho 50 lao động, Cty CP Đầu tư Hải Đường đã đầu tư xây dựng nhà xưởng lắp đặt máy móc…  Đến nay, nhà máy luôn duy trì ổn định việc làm cho 400 lao động.

Từ các lớp dạy nghề dệt cói, móc sợi tại Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện.
Từ các lớp dạy nghề dệt cói, móc sợi tại Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện.

Tại huyện Trực Ninh, từ năm 2010, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định được Sở LĐ-TB và XH giao thực hiện công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn các huyện phía nam tỉnh thuộc Đề án "Dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020". Để làm tốt công tác này, nhà trường phối hợp các địa phương tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Trong giảng dạy, giáo viên nhà trường chú trọng gắn việc học với thực hành nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học sinh, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đưa lao động sau đào tạo vào làm việc như: lao động may công nghiệp, đan mây tre vào làm tại doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Cao Cường (xã Trực Tuấn, Trực Ninh); lao động nghề hàn làm việc tại doanh nghiệp Hoàng Hiệp (CCN Thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh); lao động may công nghiệp và dệt tiểu thủ công nghiệp làm việc tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang (Thị trấn Cổ Lễ), Cty TNHH May Thành Trung (xã Trực Nội, Trực Ninh). Thời gian qua, nhà trường đã đào tạo 5 nghề: may công nghiệp, hàn, kỹ thuật điêu khắc gỗ, dệt thủ công và đan mây tre cho khoảng 2.000 lao động ở các huyện: Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu trong đó 83% số lao động sau khi học xong có việc làm với thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, nhà trường tiếp tục được Sở LĐ-TB và XH, UBND các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng ký hợp đồng đào tạo các lớp nghề ngắn hạn cho khoảng 700 lao động nông thôn theo Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh và các huyện. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, hiệu quả từ hoạt động khuyến công tập trung chủ yếu vào việc truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề mới đã đào tạo được trên 12,4 nghìn lao động, số lao động có việc làm sau đào tạo là 8.694 người, hầu hết đều tham gia sản xuất tại các CCN, doanh nghiệp, HTX, làng nghề trong và ngoài tỉnh. Một số doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động như: DNTN Anh Quyển, DNTN Cơ khí - Đúc Tân Tiến (Ý Yên); Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định); DNTN Dệt Lợi Thành (Vụ Bản); Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty TNHH Toản Chung, Cty CP Thanh Bằng, Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU (Xuân Trường).

Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc học nghề, là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có ít nhất 85% lao động sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Đẩy mạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hoá./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com