Tỉnh ta là một trong 11 tỉnh trên toàn quốc triển khai thí điểm “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956). Sau gần 3 năm thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được kết quả tích cực, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn cần được các cấp, các ngành chung tay giải quyết.
Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước, công tác đào tạo nghề của tỉnh ta vẫn đạt kết quả cao. 8 tháng đầu năm 2012, số lao động nông thôn tiếp tục được học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là 4.550 lao động, đạt 87% kế hoạch năm, trong đó nghề phi nông nghiệp 3.500 lao động, nghề nông nghiệp 1.050 lao động. Cũng trong năm 2012, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mở 10 lớp đào tạo nghiệp vụ cho gần 1.000 cán bộ quản lý cấp xã, đạt 100% kế hoạch. Từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 60 nghìn lao động nông thôn ở 3 cấp trình độ, trong đó khoảng 24 nghìn lao động được học nghề ngắn hạn miễn phí. Mỗi năm, Sở LĐ-TB và XH huy động từ 22-24 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm sau học nghề. Các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để nâng cao năng lực đào tạo, đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề ở cấp huyện được nâng lên cả số lượng và chất lượng. Về chất lượng dạy nghề, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với 10 huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát tại các cơ sở dạy nghề, trong 8 tháng đầu năm 2012 đã kiểm tra 18 cơ sở với 45 lớp học. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở dạy nghề cơ bản đúng đối tượng, số lượng, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 85%, với mức thu nhập bình quân từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều huyện triển khai thực hiện Đề án 1956 khá tốt như: huyện Hải Hậu, 6 tháng đầu năm 2012 đã đào tạo nghề cho 3.144 lao động, truyền nghề cho trên 6.000 lao động, mở 131 lớp tập huấn cho 6.410 lao động. Chị Phạm Thị Hoa, công nhân dây chuyền sản xuất của Cty May Sông Hồng đặt tại xã Hải Phương cho biết: “Sau khi học nghề may công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề huyện, tôi được tiếp nhận vào làm việc tại Cty, vừa lao động gần nhà, vừa có thu nhập ổn định 2-3 triệu đồng/tháng”. Huyện Xuân Trường, năm 2012 xây dựng kế hoạch đào tạo 2.200 lao động, trong đó có 1.600 người thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ các nguồn của Trung ương, ngân sách địa phương; 400 lao động được các doanh nghiệp đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm và 200 lao động tự lo kinh phí. Việc dạy nghề tập trung vào các đối tượng lao động ở các xã xây dựng NTM, đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người khuyết tật và lao động ở các hộ thu hồi đất canh tác trong huyện. Các học viên lớp hàn công nghiệp sau đào tạo nghề được làm việc ngay tại doanh nghiệp; các học viên nghề may đều làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều chị em mở xưởng may tại nhà. Từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay, huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức 53 lớp học, mỗi lớp từ 30-35 học viên. Qua điều tra thực tế của Phòng LĐ-TB và XH huyện, có tới trên 70% người lao động sau khi đào tạo có việc làm. Ở huyện Trực Ninh, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn huyện đã triển khai 24 lớp đào tạo nghề với gần 1.000 lao động ở các xã xây dựng NTM như Trực Nội, Trực Hưng, Việt Hùng… người lao động sau khi được đào tạo hầu hết đều có việc làm.
Lớp dạy nghề may xuất khẩu năm 2012 cho lao động nông thôn tại Trung tâm dạy nghề công lập huyện Trực Ninh. |
Việc thực hiện Đề án 1956 ở tỉnh ta đạt hiệu quả cao là do có sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TU về việc “Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn” nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, đảng viên. UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để tổ chức thực hiện như Quyết định số 1220/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, “Quy định mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định”... Các thành viên trong Ban chỉ đạo Đề án tỉnh đã căn cứ nhiệm vụ, chức năng triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch của UBND tỉnh: đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề, trong đó giao các cơ sở dạy nghề tổ chức có hiệu quả việc quảng bá, tư vấn học nghề và việc làm đến xã, thị trấn về nhu cầu của người học nghề. Hiệu quả quan trọng từ việc thực hiện Đề án 1956 là tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống và xây dựng NTM. Quy trình tổ chức được thực hiện khoa học từ việc công khai quy hoạch, tư vấn cho người lao động xác định nghề cần đào tạo, đến việc tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm và việc làm của người sau đào tạo nghề; gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm; nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở dạy nghề. Việc thí điểm dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động bước đầu đạt hiệu quả cao, đặc biệt là các xã làm điểm xây dựng NTM ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, bên cạnh phát triển một số nghề truyền thống mây tre đan, trồng nấm, mộc mỹ nghệ... đã phát triển nghề mới như đúc dát đồng... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án 1956, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa đào tạo nghề theo Đề án 1956 với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư. Chất lượng đào tạo nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề có nơi còn thiếu chặt chẽ.
Mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020” là đào tạo nghề cho 271 nghìn lao động ở cả 3 cấp trình độ với 135 nghìn người được hưởng thụ từ chính sách của Quyết định 1956 của Chính phủ. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 sẽ đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ cho 120 nghìn lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ trong tỉnh, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 24 nghìn lao động. Số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề gồm trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 13 nghìn người/năm. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về công tác đào tạo nghề. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã./.
Bài và ảnh: Đức Thiện