[links()]
II - Còn nhiều yếu kém cần khắc phục
Nhìn lại vụ lúa mùa 2012, mặc dù giành năng suất cao hơn so với vụ mùa năm 2011 là 0,85 tạ/ha, nhưng sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn một số yếu kém; hiện tượng mất mùa vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Ngay khi chuẩn bị sản xuất vụ mùa 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ; phát triển nhanh các mô hình sản xuất hàng hoá cánh đồng mẫu lớn và mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn; gieo cấy lúa mùa càng sớm càng tốt. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa trước ngày 25-7-2012; trong đó có 10% diện tích cấy trà mùa sớm, xong trước ngày 5-7; 83-85% diện tích cấy trà lúa mùa trung, xong trước ngày 25-7 và 5-7% diện tích cấy lúa đặc sản (tám, nếp) trước ngày 20-7. Do giống lúa BT7 liên tục nhiều năm nay trong vụ mùa đều xuất hiện bệnh bạc lá nặng, cá biệt có diện tích không cho thu hoạch, hoặc thu không đáng kể nên trong vụ mùa năm 2012, UBND tỉnh và Sở NN và PTNT không đưa vào cơ cấu gieo cấy. Từ cuối tháng 4-2012, khi chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai sản xuất vụ mùa, Sở NN và PTNT có công văn gửi UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ cơ cấu giống lúa mùa theo định hướng của tỉnh, huyện, không để nông dân lạm dụng cấy giống lúa BT7 trong vụ mùa năm 2012. Trong văn bản chỉ đạo xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ mùa năm 2012, Sở NN và PTNT khuyến cáo không sử dụng giống lúa BT7 trong các mô hình cánh đồng mẫu lớn; tập trung sử dụng các giống thay thế giống lúa BT7 có chất lượng, năng suất cao không nhiễm bệnh bạc lá như QR1, QR2, NĐ5 và một số giống lúa mới RVT, Trân Châu Hương, QS2, ĐS1. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt như các xã quanh cầu Lạc Quần của hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường vốn là “điểm đen” nhiều năm về bệnh bạc lá lúa do cấy giống lúa BT7, vụ này đổi mới sử dụng các giống NĐ5, RVT, BC15 (cấy sớm)… nên năng suất bình quân đều đạt trên 200kg/sào (trên 56 tạ/ha), cao hơn năng suất bình quân toàn tỉnh 6 tạ/ha trong vụ mùa năm 2012. Xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) các vụ mùa trước cấy 85-95% giống lúa BT7 và cây lúa bị bệnh bạc lá, vụ mùa này xã chỉ cấy 2 giống RVT và NĐ5 nên năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Hoặc 20/33 mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn vụ mùa năm 2012 không gieo cấy giống lúa BT7 nên năng suất cao hơn 10% và hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa đại trà khoảng 3 triệu đồng/ha. Còn cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa F1 của các xã thuộc 2 huyện Trực Ninh, Xuân Trường cho hiệu quả gấp 2-3 lần sản xuất lúa đại trà trên cùng cánh đồng… Bên cạnh những địa phương tuân thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT, còn nhiều địa phương và các hộ nông dân vẫn gieo cấy giống lúa BT7 với tổng diện tích 23.271ha ở các huyện Hải Hậu (38,6% diện tích), Nam Trực (38,2% diện tích), Giao Thuỷ (33,5% diện tích), Nghĩa Hưng (33,1% diện tích)… Vụ mùa 2012 toàn tỉnh có 6.512ha lúa, chiếm 8,2% diện tích gieo cấy bị bệnh bạc lá cuối vụ, chủ yếu trên giống BT7; trong đó 1.800ha bị nhiễm bệnh nặng, năng suất giảm trên 30% đến 70%. Ngoài sự khuyến cáo của tỉnh, của Sở NN và PTNT, trong nhiều năm gần đây, nhất là trong gieo cấy vụ mùa, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và các trạm khuyến nông huyện đã tổ chức cấy trình diễn các giống lúa NĐ5, RVT, QR1, ĐS1… với giống đối chứng là BT7 đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn đối chứng và không bị nhiễm bệnh bạc lá. Đồng chí Trần Văn Tường, chủ nhiệm HTXNNDV Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) cho biết: “Vụ mùa 2012 HTX đưa 2 giống lúa RVT và ĐS1 vào cấy. Năng suất RVT đạt 60 tạ/ha, bán bằng giá thóc BT7. Giống ĐS1 năng suất đạt khoảng 80 tạ/ha, giá thóc cao hơn thóc giống BT7 là 1.000 đồng/kg”.
Nông dân xã Liêm Hải (Trực Ninh) gặt lúa đặc sản sau bão số 8. |
Cũng như cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ của các địa phương chuyển biến chậm, đặc biệt là các địa phương ven biển. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh ở các huyện phía nam tỉnh thời gian sinh trưởng của cây lúa dài hơn các địa phương phía bắc tỉnh song do gieo cấy lúa muộn hơn nên luôn “đi sau về muộn”. Tuy năng suất cao hơn nhưng ảnh hưởng khi mưa, bão, úng và sâu bệnh cuối vụ đến nay vẫn chưa khắc phục được. Vụ mùa năm 2012 toàn tỉnh phấn đấu cấy xong trước ngày 25-7, nhiều địa phương đến ngày 20-7 đã kết thúc gieo cấy vụ mùa, nhưng đầu tháng 8-2012 các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Thắng, Nam Điền… (Nghĩa Hưng) vẫn còn đang cấy(!). Do cấy muộn nên vừa cấy xong, lúa chưa kịp bén rễ, hồi xanh thì mưa lớn từ ngày 6 đến 11-8 làm ngập úng gần 2 nghìn ha. Do cấy muộn nên khi các địa phương khác cơ bản gặt xong lúa mùa thì trận bão số 8 kèm theo mưa lớn đêm ngày 28, rạng ngày 29-10 đã làm 8.740ha lúa mùa chưa thu hoạch bị thiệt hại, trong đó 6.017ha thiệt hại hơn 70% năng suất và 2.723ha thiệt hại từ 30-70% năng suất. Các huyện thiệt hại nhiều là: Nghĩa Hưng 1.500ha, Giao Thuỷ 1.200ha, Hải Hậu 1.200ha… Ngoài gần 2.500ha lúa đặc sản (tám, nếp) và một số diện tích cấy giống lúa tạp giao thời gian sinh trưởng dài thì nguyên nhân là do các địa phương cấy chậm, cấy muộn so với chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Hơn nữa, do cấy muộn rầy cuối vụ còn gây “cháy” nhiều diện tích không cho thu hoạch. Bên cạnh nhiều địa phương tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn cả 2 vụ với diện tích lớn như các huyện: Hải Hậu 485ha, Nam Trực 362ha, Trực Ninh 300ha, Ý Yên 220ha…; nhiều xã xây dựng 2-3 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 100-160ha… thì vẫn có huyện chưa xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn. Một số địa phương chưa sâu sát, chưa quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nắm không chắc số liệu. Trước bão số 8, UBND tỉnh đã chỉ đạo, Sở NN và PTNT đã đôn đốc các địa phương tập trung gặt nhanh các trà lúa đã chín nhưng hầu hết các địa phương báo cáo cơ bản đã gặt xong lúa mùa, chỉ còn một số diện tích cấy lúa đặc sản. Trong ngày 29-10, qua nắm số liệu do các huyện báo cáo chỉ còn 5.810ha lúa mùa chưa thu hoạch nhưng đến nay thống kê thiệt hại do bão số 8 thì diện tích lúa mùa bị thiệt hại là 8.740ha.
Vụ lúa mùa năm 2012 đạt kết quả khá nhưng vẫn còn không ít hạn chế. Nhìn lại những thành công, thiếu sót để rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục, là giải pháp hữu hiệu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, bền vững./.
Bài và ảnh: Tất Thắc