Vụ lúa mùa năm 2012 gặp nhiều khó khăn về thời vụ, thời tiết nhưng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, giành năng suất cao hơn so với vụ mùa năm 2011. Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành sản xuất ở một số địa phương vẫn bộc lộ những tồn tại yếu kém cần khắc phục.
I - Vượt qua khó khăn về thời vụ, thời tiết
Triển khai sản xuất vụ lúa mùa 2012 tỉnh ta gặp khó khăn về thời vụ do thời gian thu hoạch vụ lúa xuân chậm lại 5-7 ngày. Các địa phương trong tỉnh đã huy động tối đa các phương tiện làm đất để tranh thủ cày bừa sớm. Tiến độ kỹ thuật giao sạ hàng vừa giảm công lao động, vừa giảm chi phí đầu vào cũng tạo ra tiến độ cấy lúa mùa nhanh hơn. Vụ mùa năm 2012, toàn tỉnh có 2.343ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp nên gần 80 nghìn ha gieo cấy lúa vụ mùa của tỉnh được cấy xong cơ bản trong tháng 7. Khi cây lúa đang bén rễ hồi xanh thì từ ngày 6 đến 11-8-2012 trên toàn tỉnh xảy ra mưa lớn, lượng mưa bình quân 222,2mm đã làm ngập úng 1.767,5ha lúa mùa. Diện tích mất trắng phải cấy lại 313ha, trong đó huyện Nghĩa Hưng 312ha, huyện Nam Trực 1ha; 1.454,5ha lúa phải cấy dặm, trong đó huyện Nghĩa Hưng 1.366,5ha, huyện Ý Yên 88ha. Cùng với chống úng, các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp cứu lúa. Với những diện tích lúa bị ngập không có khả năng khắc phục, nông dân tận dụng mạ dự phòng và tỉa lúa ở những chân ruộng đang đẻ rộ, mật độ dày… để tổ chức cấy lại. Với những diện tích có khả năng phục hồi, nông dân đã vơ bỏ lá thối, nhũn, kết hợp với sục bùn nhẹ, bón bổ sung 5-7kg supe lân và 1-2kg đạm cho mỗi sào, đồng thời phun các chế phẩm phân bón lá như KH, NH…, điều tiết nước hợp lý… Nhờ đó, cả 1.767,5ha lúa mùa bị úng đều được khắc phục. Tiếp theo là đợt mưa kéo dài 3 ngày liên tục (từ 5 đến 7-9-2012) với lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 181,7mm, nhiều địa phương có lượng mưa lớn như Ý Yên 222mm, Nam Trực 293mm, Vụ Bản 214mm… đã làm ngập úng 9.641,5ha; trong đó nhiều địa phương có diện tích lúa ngập úng nhiều là: Ý Yên 4.246,6ha, Vụ Bản 2.840ha, Hải Hậu 1.280ha… Các địa phương lại đồng loạt tổ chức chống úng bằng máy bơm điện, máy bơm dầu, máy bơm nhỏ… nên chỉ trong 2-3 ngày, tất cả 9.641,5ha lúa mùa thoát úng. Sau đó bão số 8 với cấp gió 11, 12, giật cấp 13, 14 kéo dài từ 17 giờ ngày 28-10 đến 2 giờ ngày 29-10-2012 kèm với mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa bình quân 180mm đã làm 8.740ha lúa mùa chưa thu hoạch bị đổ ngã trong đó có gần 2.500ha lúa đặc sản (tám, nếp), còn lại là trà mùa muộn của các giống lúa lai và BC15. Ngay sau bão, nông dân các địa phương đã tranh thủ ra đồng gặt chạy úng với các ruộng lúa đã chín hoặc chín 70-80% nhưng bị đổ, ngập nước. Các huyện còn nhiều diện tích lúa mùa chưa thu hoạch là: Nghĩa Hưng 1.500ha, Giao Thủy 1.200ha, Hải Hậu 1.200ha, Trực Ninh 800ha, Mỹ Lộc 553ha, Xuân Trường 573ha… Trong phòng trừ sâu bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật và các trạm bảo vệ thực vật huyện, thành phố đã điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh thường xuyên, chính xác, hướng dẫn phun trừ kịp thời với các diện tích bị nhiễm đến độ phải phun trừ. Với những diện tích mật độ thấp hơn "ngưỡng", lực lượng bảo vệ thực vật yêu cầu địa phương không tổ chức phun trừ. Nhờ điều tra, kiểm tra đánh giá chính xác, khuyến cáo trực tiếp… nên các trà lúa mùa của các địa phương an toàn sâu bệnh đến khi thu hoạch. Toàn tỉnh đã giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn so với các vụ trước và giảm được công phun trừ, phí sản xuất cho các hộ, đồng thời giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động và an toàn sản xuất…
Thu hoạch lúa mùa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Đồng Sơn (Nam Trực). |
Vụ mùa năm 2012 mô hình cánh đồng mẫu lớn của tỉnh đã được nhân rộng ra 8 huyện với 33 mô hình tại 27 xã; tổng diện tích 1.717ha, gấp 3 lần diện tích cánh đồng mẫu lớn của vụ xuân. Trong 33 mô hình cánh đồng mẫu lớn, có 11 cánh đồng áp dụng tiến bộ kỹ thuật sạ hàng. Cả 33 mô hình chủ yếu dùng các giống lúa chất lượng cao như RVT, Thiên Trường 750, BC15, Bắc ưu 903, Tám xoan… và thực hiện "4 cùng" (cùng giống, cùng phương thức canh tác, cùng thời vụ, cùng trên một cánh đồng rộng) nên độ đồng đều cao; năng suất cao hơn khoảng 10% và hiệu quả tăng 2-3 triệu đồng/ha so với cấy đại trà, trên cùng cánh đồng. Hầu hết, cánh đồng mẫu lớn vụ mùa 2012 gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, tập trung ở trà mùa sớm nên thuận lợi cho phát triển trồng cây vụ đông vì thu hoạch sớm như các xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng)… Việc thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có sự tham gia của các nhà doanh nghiệp; từng bước hoàn thiện mối quan hệ "4 nhà" (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra mối quan hệ mới và lực lượng sản xuất mới của một nền nông nghiệp tiên tiến.
Vụ lúa mùa 2012, lực lượng khuyến nông cũng đã khảo nghiệm trên 50 giống lúa lai, lúa thuần có tiềm năng năng suất, chất lượng, chống chịu tốt; cấy trình diễn diện rộng gần chục giống lúa mới đã được khảo nghiệm nhiều vụ cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt như RVT, Trân Châu Hương, VS1, NĐ5, TVR27, TBR288… để chọn lọc, đưa vào cơ cấu giống gieo cấy cho các vụ tới thay thế cho các giống đã thoái hóa hoặc không phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt trong vụ mùa tỉnh ta vẫn duy trì 300ha sản xuất hạt lúa lai F1 với năng suất 27 tạ/ha tạo ra nguồn giống tốt cung cấp cho gieo cấy (cả năm là 570ha) cho cả trong và ngoài tỉnh để bảo đảm an toàn lương thực, phù hợp với các chân đất sâu, trũng, nhiễm mặn, chua… năng suất cao, chất lượng khá, ngắn ngày, từng bước chủ động nguồn giống lúa lai, giảm và tiến tới không nhập ngoại, giảm chi phí đầu vào cho nông dân…
Khắc phục khó khăn, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước xây dựng quan hệ, lực lượng sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp… tuy còn nhiều tồn tại nhưng vụ lúa mùa năm 2012 đã thắng lợi. Dù gặp khó khăn về thời vụ, thiên tai nhưng năng suất bình quân toàn tỉnh vẫn đạt 50 tạ/ha, tăng so với vụ mùa năm 2011 là 0,85 tạ/ha./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất thắc