Những năm gần đây, ngư dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển tàu khai thác có công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại đánh bắt hải sản và có điều kiện vươn ra các ngư trường xa. Việc mở rộng phạm vi hoạt động trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền quốc gia không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc phòng.
Tỉnh ta có ngư trường đánh bắt rộng, từ vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KTVBVNLTS) (Sở NN và PTNT), đến đầu tháng 9-2012, toàn tỉnh có 2.077 tàu thuyền khai thác thuỷ sản, trong đó huyện Giao Thủy có 902 tàu, Hải Hậu 705 tàu, Nghĩa Hưng 427 tàu, Trực Ninh 43 tàu. Những năm gần đây, số lượng tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn được ngư dân đầu tư để khai thác với độ sâu trên 35m ở các ngư trường xa thuộc các tỉnh Nha Trang, Vũng Tàu… Hiện tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản giảm gần 300 chiếc so với năm 2011, nhưng tổng công suất máy vẫn đạt gần 88.000CV. Trong đó, tàu có công suất máy trên 90CV có 309 chiếc, công suất máy từ 20-90CV có 307 chiếc, công suất máy dưới 20CV có hơn 1.400 chiếc. Thời tiết biển năm 2012 khá thuận lợi nên ngư dân trong tỉnh đã huy động 100% số tàu, thuyền ra khơi khai thác. Công tác dự báo ngư trường tốt nên giảm được chi phí hoạt động khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Ước tính 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh đạt 31.764 tấn, bằng 78,82% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng cá đạt trên 21 nghìn tấn; sản lượng tôm đạt trên 2.200 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2011; sản lượng các loại thuỷ sản khác đạt 8.356 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh (Hải Hậu) trước giờ lên đường tuần tra. Ảnh: Xuân Thu |
Hằng năm, hoạt động khai thác thủy sản đã thu hút gần 12 nghìn lao động trong tỉnh, trong đó hơn 5.500 lao động trực tiếp trên biển, còn lại là lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Để tăng cường quản lý, khai thác và nâng cao tính cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia, Chi cục KTVBVNLTS đã phối hợp với các địa phương có tàu tham gia khai thác hải sản hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ, đội khai thác để quản lý tàu cá, liên kết làm dịch vụ hậu cần và kịp thời hỗ trợ nhau trên biển khi xảy ra tai nạn, sự cố. Toàn tỉnh hiện có 35 tổ, đội khai thác với tổng số 1.125 tàu và 2.741 lao động tham gia, trong đó huyện Giao Thủy có 23 tổ, đội; huyện Hải Hậu có 10 tổ, đội và huyện Nghĩa Hưng có 2 tổ, đội. Các tổ, đội thành lập theo mô hình tổ tự quản với tiêu chí nâng cao vai trò quản lý cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời giúp nhau trong quá trình khai thác trên biển, tìm kiếm ngư trường và hạn chế những rủi ro khi có thiên tai, bão lũ. Các tổ, đội tàu thuyền khai thác thường nhóm họp sau mỗi chuyến ra khơi để rút kinh nghiệm từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ, tránh sự chồng chéo trong việc tìm kiếm ngư trường và tiêu thụ sản phẩm. Trong mỗi chuyến khai thác, nếu tàu nào phát hiện luồng cá hoặc gặp sự cố rủi ro trên biển thì liên lạc với các tàu trong tổ để cùng nhau đánh bắt và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, đồng thời thực hiện thu gom sản lượng đánh bắt được cho 1 tàu vận chuyển vào bờ tiêu thụ và mang nhiên liệu ra tiếp tế cho các tàu. Cách làm này đã giúp giảm chi phí và bảo đảm chất lượng cá, chủ động cung cấp nguyên nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, tăng thời gian bám biển, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Thời gian qua, Chi cục KTVBVNLTS đã tiếp nhận 300 phao tròn, 3 nhà bạt từ Tổng cục Thủy sản chuyển về Trạm Kiểm ngư Hải Hậu để bảo quản phục vụ công tác phòng chống lũ lụt và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, năm 2012, tỉnh ta được hỗ trợ lắp đặt 20 thiết bị kết nối vệ tinh Movimar cho tàu khai thác hải sản bằng nguồn vốn ODA của Pháp. Thiết bị vệ tinh Movimar sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, giúp cho các tàu cá cập nhật liên tục thông tin về ngư trường, dự báo khí tượng hải văn, đặc biệt là thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết bất thường và định hướng nơi trú ẩn an toàn. Qua đó, giúp ngành chức năng quản lý tốt các hoạt động khai thác hải sản và giúp ngư dân khai thác hải sản hiệu quả, an toàn, đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên vùng biển. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo đáp ứng yêu cầu tình hình trên biển hiện nay, Chi cục KTVBVNLTS đã phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng chú trọng công tác tuyên truyền cho ngư dân nắm vững kiến thức pháp luật biển đảo; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, từ đó phát huy sự chủ động tích cực trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc.
Trong điều kiện giá nhiên liệu, vật tư tăng cao, nhưng nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu thô sơ vẫn còn nhiều. Để khuyến khích ngư dân nâng công suất tàu từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, các cấp, các ngành cần có chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đồng thời tăng cường các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn ngư dân hoạt động khai thác trong vùng biển đảo của Tổ quốc./.
Ngọc Ánh