Tết Trung thu về thăm làng đèn ông sao Báo Đáp

08:09, 28/09/2012

Xuôi quốc lộ 21 khoảng 10km, những ngày thu chúng tôi về thăm làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) để cảm nhận không khí của một làng nghề truyền thống làm đèn ông sao đã có lịch sử lâu đời...

Nghề “gia truyền”

Ông Vũ Văn Kháng, xóm 4, là người “nổi tiếng” trong làng nghề Báo Đáp cho biết: “Làm đèn ông sao là nghề truyền thống của làng. Từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, các loại hoa giấy, hoa ni-lon, đèn ông sao của làng đã có mặt tại các phiên chợ ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đến nay hầu hết người dân trong làng, từ các cháu thiếu nhi đều có thể tham gia làm đèn”. Bắt đầu từ tháng Giêng, người làng Báo Đáp đã “rậm rịch” cho một mùa làm đèn ông sao mới. Vật liệu làm đèn khá đơn giản, gồm: tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Đèn ông sao được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa được cột lại với nhau bằng dây kẽm, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là vẽ trang trí. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Để làm ra những chiếc đèn ông sao đẹp thì phải ngâm tre từ rất sớm để nan có đủ độ dẻo, chiếc đèn sẽ căng phồng, không bị gãy. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ khác nhau nên khi chẻ nan, người thợ phải phân loại rõ ràng. Làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua giấy bóng kính màu trắng, rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh, đỏ, vàng. Nan tre dùng để tạo vòng tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua giấy nhuộm các màu tươi sáng, rực rỡ. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa mà cánh không bị bong. Đèn sau khi dán, viền cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc 100 chiếc mang đi bán ở khắp nơi trong cả nước... Sản phẩm hoàn thành nghe có vẻ… đơn giản nhưng trong đó là cả một số “bí kíp” mà người làng nghề truyền nhau, từ cách chọn cây nứa, phải là những cây nứa già đến cách phơi nguyên liệu để có thể chống được ẩm mốc… Làng Báo Đáp có 7 thôn thì thôn nào cũng có gia đình làm đèn ông sao. Đến gia đình nào ở Báo Đáp vào dịp này cũng thấy lỉnh kỉnh nào giấy màu, những bó cọc đay được sơn cẩn thận xếp đống. Trong nhà đầy những dây kim tuyến đủ màu, dây sợi, hồ bột, những chiếc đèn ông sao thành phẩm hoặc đang được hoàn thành. Những cụ già mải mê ngồi cắt sợi, trẻ em 6, 7 tuổi tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán, thanh niên thì cuốn dây kim tuyến làm thành vòng tròn ngoài cùng của đèn ông sao hoặc bốc xếp vận chuyển đèn ông sao cho khách ở xa. Gia đình anh Phạm Văn Việt ở xóm 7 đã gắn bó với nghề làm đèn ông sao ngót 30 năm. Mùa làm đèn ông sao năm nay, gia đình anh đã “xuất xưởng” khoảng 3-4 vạn đèn cho khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Những ngày này các gia đình trong làng Báo Đáp ai ai cũng bận rộn làm đèn và xem “Dự báo thời tiết” hằng ngày, chỉ mong thời tiết thuận lợi, trời đừng mưa để trẻ em vui Trung thu và những mẻ sản phẩm của dân làng xuất đi được thuận lợi.

Tương lai cho làng nghề?

Làng Báo Đáp có gần 1.000 hộ thì có tới 300 hộ làm nghề truyền thống. Nghề làm đèn ông sao tuy được coi là “nghề phụ” nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nghề làm đèn tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo tay. Năm nay mức sản xuất đèn trong làng cũng không khả quan hơn năm ngoái bao nhiêu. Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa xóm 4 vốn “có tiếng” trong làng bởi số lượng sản xuất đèn nhiều cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, gia đình đã làm được khoảng 3 vạn chiếc đèn. Trong điều kiện hiện nay, do thị hiếu của trẻ em cũng có sự thay đổi, thích những đồ chơi hiện đại nên việc tiêu thụ đèn ông sao cũng khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi không dám làm nhiều”. Đây là tâm lý chung của những gia đình làm đèn ông sao. Giá đèn ông sao tùy loại lớn, nhỏ dao động trong khoảng từ 1.500-5.000 đồng/chiếc. Khi chúng tôi đến làng Báo Đáp, không khí sản xuất không còn nhộn nhịp như mọi năm. Lý giải điều này, nhiều người làm đèn trong làng cho rằng “năm nay ai cũng sản xuất cầm chừng, gọi là có làm cho vui chân vui tay, cho khỏi mất nghề truyền thống của cha ông để lại. Giá rẻ đã đành, nhưng hình như bây giờ bọn trẻ cũng không còn thích thú với những chiếc đèn xanh đỏ này nữa (!). Nhiều hộ gia đình chuyển hẳn sang nghề làm hoa nhựa, cho thu nhập cao hơn, làm đèn ông sao chỉ “mang tính thời vụ”. Nguyên nhân là do mặt hàng đèn trung thu “cổ truyền” bị cạnh tranh bởi nhiều đồ chơi trung thu mới do Trung Quốc sản xuất với nhiều điều mới mẻ, vừa có nhạc vừa có đèn đã thu hút được sự quan tâm của trẻ em. Trong làng chưa có cơ sở hay đại lý nào đứng ra thu mua, tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu do các hộ gia đình “tự sản tự tiêu”. Cơ chế để “bảo hộ sản xuất” không có, đèn ông sao lại không bảo quản được trong thời gian dài. Nếu năm nay không bán được, năm sau chỉ có… làm củi. Tuy vậy, khi được hỏi, các hộ làm nghề trong làng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục sản xuất, quyết không bỏ nghề. Còn người chơi đèn, thì còn làm để giữ lấy nghề của cha ông. Quan điểm đó thể hiện sức sống bền bỉ của văn hoá dân tộc trong giai đoạn giao thoa của văn hoá trong thời kỳ mở cửa, hội nhập hiện nay. Tin rằng nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp cũng như bản sắc văn hoá dân tộc sẽ trường tồn với thời gian./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com