Quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - Những vấn đề đặt ra

07:09, 14/09/2012

Tình trạng nhiều hộ nông dân phun kèm, phun ghép nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong một lần, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, vừa gây tốn kém, hiệu quả phòng trừ thấp, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc BVTV lỏng lẻo thực sự là vấn đề đáng báo động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

I - Quản lý Nhà nước thiếu chặt chẽ

Dùng thuốc BVTV để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm) là biện pháp hữu hiệu tránh thiệt hại, lãng phí bảo đảm năng suất và hiệu quả trong trồng trọt. Hiện nay, các hộ nông dân đã tuân thủ phun thuốc BVTV phòng trừ theo lịch thông báo của địa phương. Các địa phương còn thông báo cả loại thuốc dùng, liều lượng, cách pha chế, cách phun… Tuy nhiên, ở các địa phương đang xuất hiện hiện tượng nông dân pha nhiều loại thuốc BVTV vào phun một lần để đỡ phải phun nhiều lần (!). Vụ mùa năm 2011, cơ quan chuyên ngành BVTV hướng dẫn phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 kết hợp với thuốc trừ bệnh khô vằn, nhưng khi Chi cục BVTV tỉnh đi kiểm tra thì hầu hết hộ nông dân phun kết hợp tới 4 loại thuốc BVTV: Sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy lưng trắng lứa 5 và bọ xít, bọ trĩ; thậm chí có hộ còn pha luôn thêm cả thuốc kích thích sinh trưởng để phun. Vụ lúa xuân năm 2012 vừa qua, vào đầu tháng 5 cơ quan chuyên ngành BVTV chỉ hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, nhưng thực tế các hộ phun kết hợp 2 loại thuốc: sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn cổ bông (!). Theo hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh thì thời điểm phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông là cuối tháng 5 (20-5) khi lúa trỗ và chỉ phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông đối với giống nhiễm và những thửa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá trước đó. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân không thực hiện, ngay cả đối với giống lúa Bắc thơm số 7 có khả năng kháng bệnh đạo ôn cổ bông nhưng các hộ nông dân vẫn phun trừ (?). Khi hỏi những người đang phun thuốc BVTV trên các cánh đồng, đa số họ đều nói họ đi phun thuê nên gia chủ dặn thế thì làm như vậy, có chủ hộ cẩn thận hướng dẫn cho họ phun, có chủ hộ thì chỉ lưu ý phun sao cho đều không để sót, lỏi. Gặp một nông dân đi phun thuốc cho ruộng nhà mình, anh cho biết: "Các chủ đại lý, cửa hàng đều có bằng cấp đã hướng dẫn cách phun trừ như vậy, chẳng lẽ lại sai. Hơn nữa, đài truyền thanh xã cũng thông báo mấy ngày này là phải đi phun trừ, phun kết hợp nhiều loại để chắc ăn, đỡ tốn công…". Theo các nhà chuyên môn, cứ cộng thuốc lại phun mà không đúng đối tượng, đúng thời điểm… thì chi phí tăng 1,5 đến hơn 2 lần. Nguy hại hơn là tận diệt hết các thiên địch (ong mắt đỏ, nhện…) tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh, đến sức khỏe con người và cả sản phẩm nông nghiệp.

Phun phòng sâu đục thân cho lúa mùa ở xã Tân Khánh (Vụ Bản).
Phun phòng sâu đục thân cho lúa mùa ở xã Tân Khánh (Vụ Bản).

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: "Nông dân chưa tuân thủ đúng hướng dẫn của ngành BVTV một phần do trình độ hiểu biết còn hạn chế; một phần do ý thức của những người kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo...”. Về lực lượng lao động nông nghiệp, hiện tại ở nhiều địa phương đã yếu lại thiếu, do thu nhập trong nông nghiệp thấp, nên hầu hết những người có sức khỏe đã đi tìm việc làm ở các KCN, khu đô thị, các thành phố lớn… Thành thử ở nông thôn chỉ còn lại người già, người yếu sức khỏe đảm nhiệm công việc đồng áng. Với lực lượng chăm sóc, bảo vệ cây trồng như vậy nên việc kiểm tra tình hình sâu bệnh còn hạn chế. Do không chủ động đi phun phòng, trừ sâu bệnh được nên nhiều hộ nông dân phải thuê và phó mặc cho người đi phun. Còn hệ thống kinh doanh thuốc BVTV thì cũng "nửa mùa", chỉ bày bán khi đến các đợt phòng trừ sâu bệnh tập trung; thậm chí một số đại lý chính bán thuốc BVTV cũng vì lợi nhuận nên hướng dẫn phun kèm các loại thuốc khác để bán được nhiều thuốc… Ngoài ra, các quy định về việc niêm yết các loại thuốc bán, niêm yết giá từng loại thuốc, hướng dẫn cách pha chế, liều lượng… nhiều đại lý cũng thường xuyên bỏ qua… Thậm chí có cửa hàng còn bán cả những loại thuốc trong diện cấm lưu hành(!). Bên cạnh đó, người được thuê phun thuốc BVTV thì phun cho nhanh để lấy công; có người còn bớt xén lượng thuốc để mang về ruộng nhà mình phun cho đỡ tốn tiền mua thuốc(!). Đặc biệt công tác quản lý nhà nước đối với các hộ kinh doanh thuốc BVTV còn rất lỏng lẻo. Đồng chí Nguyễn Thị Tân, trưởng Trạm BVTV huyện Vụ Bản cho biết: "Phải vào đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh, UBND huyện mới tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Nhưng kiểm tra xã này thì ở các xã khác sai phạm vẫn diễn ra. Ngay cả ở những xã đã kiểm tra, sau khi đoàn đi khỏi thì "đâu lại hoàn đấy". Chỉ một số cửa hàng, đại lý lớn và các HTXNN thực sự gương mẫu trong việc niêm yết danh mục thuốc BVTV, giá cả và có hướng dẫn cụ thể nông dân tổ chức phun thuốc phòng trừ dịch hại cho cây trồng theo nguyên tắc "4 đúng". Nhưng theo thống kê của ngành BVTV thì các HTX cũng chỉ đáp ứng được gần 30% số lượng theo yêu cầu, còn lại trên 70% là "tiện đâu mua đấy" và hiện tượng hướng dẫn phun kèm, phun ghép không đúng hướng dẫn của ngành BVTV vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng "tiền mất tật mang" và gây ô nhiễm môi trường.

II - Những vấn đề đặt ra

Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ lực lượng kinh doanh thuốc BVTV. Đã đến lúc tỉnh, huyện phải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt phòng trừ sâu bệnh tập trung để phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV tại địa phương. Đặc biệt là phát huy hiệu lực quản lý nhà nước cấp xã về vấn đề này. Quy định cụ thể trách nhiệm của UBND xã, thị trấn, trách nhiệm của ban nông nghiệp xã trong quản lý các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV, huy động lực lượng xóm trưởng, thôn trưởng vào cuộc để giám sát và vận động nhân dân phát hiện các sai trái trong kinh doanh thuốc BVTV. UBND xã, ban nông nghiệp xã cần tổ chức ký kết cụ thể với lực lượng kinh doanh thuốc BVTV thực hiện theo đúng quy định của Chi cục BVTV; từ đó kiểm tra, giám sát, có biện pháp mạnh đối với những cá nhân có sai phạm, tái sai phạm nhiều lần, kể cả đề nghị với cơ quan chức năng thu giữ giấy phép kinh doanh khi cần thiết. Có làm được như vậy và làm thường xuyên, liên tục mới có thể từng bước làm lành mạnh hóa, công khai hóa hoạt động cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn. Hiện tại, các HTXNN đều kinh doanh thuốc BVTV nhưng vì nhiều lý do, trong đó có khó khăn về vốn nên thị phần chỉ chiếm tỷ lệ thấp (trên dưới 30%). Để tránh tình trạng vì lợi nhuận một số cá nhân kinh doanh thuốc BVTV đã hướng dẫn phun kèm, phun ghép nhiều loại thuốc BVTV trong cùng 1 lần phun gây tốn kém cho nông dân và độc hại cho môi trường, cho con người, việc cung ứng thuốc BVTV qua kênh HTXNN là tốt nhất. Các dịch vụ HTXNN nên tập trung làm tốt công tác cung ứng thuốc BVTV cho nông dân, thậm chí cung ứng qua đội trưởng đến từng hộ. Ban quản trị HTXNN cũng nên tổ chức một lực lượng lo cho việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, trong đó có sự tham gia, giám sát của thôn, đội trưởng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta nhiều xã, thị trấn, HTXNN đang nhân rộng xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Với thế mạnh gieo cấy đồng trà, đồng giống, cùng một phương thức canh tác trên cùng một cánh đồng có diện tích lớn thì việc BVTV tập trung là hiển nhiên. Và việc cung ứng, tổ chức kiểm tra, giám sát sâu bệnh, dịch hại và phun thuốc phòng trừ do HTXNN đảm nhận sẽ hạn chế rất nhiều sự lợi dụng của một số cá nhân kinh doanh thuốc BVTV, lập lại kỷ cương kinh doanh thuốc BVTV tại địa phương.

Cùng với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cung ứng thuốc BVTV và tổ chức phòng trừ sâu bệnh tập trung vào HTXNN, công tác  tuyên truyền, giáo dục nông dân về BVTV cũng phải được tăng cường. Một điều đáng nói nữa là hiện nay việc quản lý vĩ mô về thuốc BVTV cũng còn nhiều bất cập. Các Cty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV liên tục được thành lập, đi kèm là một loạt loại thuốc mới ra đời. Với 11 loại dịch hại cây lúa trong vụ xuân năm 2012 thì cả trăm loại thuốc được công nhận đặc trị làm sao người nông dân chọn được?.

Vì một nền nông nghiệp sạch, một môi trường trong lành, đồng thời tiết kiệm đầu vào, tăng thu nhập cho nông dân, các cấp, các ngành, các địa phương cần nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục những bất cập này./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com