Những bất cập trong vận tải hành khách

07:10, 10/10/2012

Trong vài năm gần đây, vận tải hành khách, nhất là vận tải hành khách liên tỉnh của tỉnh ta có nhiều bất cập. Nguyên nhân do sự xuống cấp về phương tiện, đặc biệt là thái độ phục vụ thiếu lịch sự đã làm mất uy tín đối với hành khách.

Hạn chế cả về phương tiện và dịch vụ

Đầu tháng 5-2012, Cty CP Vận tải ô tô Nam Định đưa vào khai thác, sử dụng Bến xe khách Nam Định mới. Đây là bến xe kiểu mẫu, được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Bến xe khách được xây dựng trên diện tích 32 nghìn m2, với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng, được thiết kế đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn bến xe loại II. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác, sử dụng, bến xe rất vắng khách. Trong phòng chờ rộng thênh thang với 8 dãy ghế nhưng không có khách. Tại 9 bàn bán vé xe hầu như không có khách vào mua vé. Nhiều chuyến xe đến giờ xuất bến chỉ có vài hành khách. Anh Lê Văn T, lái xe  BKS 18N 51… cho biết, tình trạng bến xe vắng khách do vị trí bến mới không thuận tiện, nhiều người hầu như không vào bến đón xe mà thường đứng ở ngã ba cầu vượt. Người dân ở phía tây thành phố thường đón xe ở khu vực cầu Đá hay chân cầu Tân Đệ phía Nam Định để đón xe khách Thái Bình.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến việc ít hành khách đến Bến xe khách Nam Định xuất phát từ sự xuống cấp của các phương tiện vận tải và thái độ phục vụ thiếu lịch sự của đội ngũ lái, phụ xe. Anh Lê Hồng Sơn nhà ở đường Trần Huy Liệu (TP Nam Định) cho biết: Mỗi khi đi xe khách tôi thường chọn xe Hoàng Long hoặc xe Vietbus của Thái Bình, xe khách Nam Định vừa nhỏ, vừa cũ, hay dừng đỗ đón khách… Theo số liệu của Phòng Quản lý Phương tiện - Vận tải (Sở GTVT), đa số xe khách, đặc biệt là xe khách liên tỉnh của tỉnh ta hiện nay chất lượng không đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong việc đảm bảo an toàn và thái độ thiếu lịch sự đối với hành khách. Mặc dù có tới 638 xe từ 16 đến 51 chỗ chuyên chở hành khách với trên 193 tuyến đi toàn quốc, nhưng trong đó có gần 80% là xe đời cũ, sản xuất cách đây hàng chục đến vài chục năm. Phương tiện vận tải chính hiện nay là xe 16 chỗ sử dụng cách đây gần 10 năm; nhiều xe đã hỏng hệ thống điều hòa, nội thất trong xe hầu như đều xuống cấp; mặt khác vấn đề bảo đảm an toàn cho hành khách bị buông lỏng, rất khó để thấy phương tiện thoát hiểm trên các xe khách này. Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết, Sở GTVT đã chỉ đạo thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát từ đầu tháng 7-2012 nhưng đến nay Cty CP Vận tải ô tô Nam Định vẫn còn 26/68 xe chưa lắp đặt. Còn với khoảng 400 xe khách ở các huyện, nhiều xe sau khi cải tạo khác hoàn toàn so với thiết kế ban đầu. Bên cạnh đó, thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn minh trong công tác phục vụ hành khách của đội ngũ lái, phụ xe khiến hành khách ngày càng xa rời các phương tiện vận tải trong tỉnh. Ông Nguyễn Huy Xuân ở đường Phạm Ngũ Lão (TP Nam Định) cho biết: “Khi đi xe khách, tôi không đi xe Nam Định vì xe nhỏ, cũ. Hơn nữa thái độ phục vụ của đội ngũ lái, phụ xe thiếu văn minh, lịch sự. Xe chạy “câu” giờ để chờ đủ khách nhưng khi xe đủ khách thì chèn 18-20 người trên xe 16 chỗ; nếu ít khách thì “bán” cho xe khác". Bà Lê Thị Ân (Nam Thắng, Nam Trực) phản ánh: “Trước đây đi xe khách còn có lúc lái, phụ xe mặc đồng phục. Nhưng bây giờ hành khách không phân biệt được xe khách, xe dù vì mua vé hay không mua đều như nhau, nhiều phụ xe ăn mặc thiếu lịch sự, nói năng thô lỗ… thậm chí có xe vừa chở khách vừa chở hàng".

Xe khách đỗ đậu tuỳ tiện đón khách trên quốc lộ 21 (TP Nam Định). Ảnh: Thanh Tuấn
Xe khách đỗ đậu tuỳ tiện đón khách trên quốc lộ 21 (TP Nam Định).
Ảnh: Thanh Tuấn

Từ sự xuống dốc của vận tải hành khách trong tỉnh, dẫn đến nạn tranh giành khách, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và nguy cơ tai nạn giao thông… Trong nhiều năm, vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách liên tỉnh của tỉnh ta luôn được xếp trong tốp đầu trên toàn quốc, có các đầu xe đến hầu hết các tỉnh, vùng trong toàn quốc. Song do thiếu tính toán trong đầu tư, không đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải nhà nước của tỉnh không thích ứng khi chuyển sang cơ chế thị trường, hầu hết phương tiện vận tải hành khách của tỉnh đều lạc hậu, tinh thần phục vụ của đội ngũ lái, phụ xe không chuyên nghiệp đã dẫn đến tình trạng vận tải hành khách không được nhiều người lựa chọn.

Tai nạn và mất an ninh trật tự

Rất nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng tranh giành khách gây tai nạn trên đường của các xe khách liên tỉnh. Chị Phạm Thị Thê ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường) cho biết: “Khu vực chân cầu Lạc Quần là điểm giao của các tuyến xe khách, xe buýt từ các huyện phía nam tỉnh nên người dân thường đứng đón xe. Bởi vậy, các xe khi gần đến điểm này đều tăng ga, cố lách, vượt để có thể đón được khách. Người dân đi qua khu này lúc nào cũng nơm nớp lo sợ!”. Quốc lộ 21 từ đầu cầu vượt đi Phủ Lý là đoạn đường trọng điểm về nguy cơ tai nạn giao thông vì có nhiều tuyến xe khách liên tỉnh cùng lưu thông, đặc biệt khu vực thuộc xã Lộc Hòa (TP Nam Định) lúc nào cũng có xe khách dừng, đỗ để đón khách. Ông Trần Tuấn Đạt, ở xã Lộc Hòa bức xúc: “Đi đến đây không biết đường nào mà tránh! Xe khách đang chạy trước mặt bất ngờ phanh gấp, lạng vào lề đường khi thấy có hành khách. Xe đằng sau kéo ga đuổi lên cũng ép vào để mong đón được khách”. Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết, đây là đoạn đường có số lượng các vụ va chạm giao thông do xe khách gây ra cao nhất tỉnh. Vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 8h50 ngày 3-9-2012 giữa xe khách BKS 18N-5517 với 5 xe môtô đi ngược chiều làm 3 người chết, 3 người bị thương trên quốc lộ 21 thuộc địa phận xã Hiển Khánh (Vụ Bản) là tiếng chuông báo động về nguy cơ tai nạn do xe khách gây ra.

Các xe khách không chỉ phóng nhanh, vượt ẩu mà còn xảy ra va chạm xô xát giữa các lái, phụ xe này với xe khác để tranh giành khách gây ra tai nạn trên đường. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến hoạt động vận tải khách. Ngày 16-7-2012, lái xe Lê Lộc Thọ (SN 1981), trú tại xã Hải Hà (Hải Hậu) điều khiển ô tô khách BKS 18N-8661 (thuộc HTX vận tải Hoà Bình) đâm vào ông Vũ Mạnh Đức (68 tuổi) ở xã Liêm Hải (Trực Ninh) đang vẫy xe của Thọ trên QL21 làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn do tranh giành khách ở Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) giữa lái xe Thọ và lái xe Hà (con ông Đức), nhân viên Cty CP Vận tải Đức Lượng (Hải Hậu). Thọ đã đánh Hà, Hà gọi điện về cho ông Đức thông tin sự việc nhờ gia đình vẫy dừng xe của Thọ khi đi qua nhà Hà ở xã Liêm Hải để giảng hoà. Khi ông Đức ra tín hiệu dừng xe, Thọ lạng lách rồi đâm vào ông Đức và bỏ chạy. Tiếp đó, ngày 5-8-2012, lái xe Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), trú tại 151 Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định) điều khiển xe buýt thuộc Cty Đại Duy khi đến đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) đã bị lái xe tên Khôi thuộc Cty Xe buýt Nam Định gọi sang xe, chốt cửa rồi dùng tô-vít hai cạnh đâm vào đầu, tay và chân trái vì cho rằng lái xe Hùng tranh giành khách của mình... Hầu như tuần nào, tháng nào cũng xảy ra mâu thuẫn giữa các xe do tranh giành khách.

Cần có giải pháp đồng bộ trong quản lý vận tải khách

Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết: “Trước diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mất an toàn giao thông của xe khách, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT tập trung xử lý các hành vi vi phạm của xe khách. Trong hơn một tháng qua, trong tổng số vụ xử lý về phương tiện ô tô của CSGT thì số vụ xử lý vi phạm của xe khách chiếm số lượng chủ yếu. Ngoài việc xử lý nghiêm khắc các lỗi vượt quá tốc độ cho phép, chở quá số người quy định, CSGT còn tổ chức các chốt, các đội tuần tra xử lý xe khách có hành vi chạy vòng đón khách, dừng, đỗ đón trả khách trái phép…”. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm dù tích cực cũng chỉ là xử lý bề nổi. Vấn đề gốc rễ là phải có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý phương tiện và đội ngũ lái, phụ xe. Chất lượng phương tiện xe khách của tỉnh ta hiện nay rất thấp, công tác quản lý đội ngũ lái, phụ xe hiện nay còn nhiều bất cập. Nghị định 94 của Chính phủ, Thông tư 14 của Bộ GTVT quy định về quản lý xe khách thuộc các đơn vị, doanh nghiệp nhưng thực tế hiện nay hầu hết xe khách của tỉnh ta đều là xe tư nhân, mượn danh các Cty, doanh nghiệp, HTX để hoạt động. Các doanh nghiệp hằng tháng thu phí của chủ xe, hầu như không có quản lý gì đối với phương tiện và người lái. Khi CSGT xử lý vi phạm đã phát hiện doanh nghiệp không biết lái, phụ xe là ai. Thậm chí còn xảy ra tình trạng hai xe của cùng doanh nghiệp tranh giành khách dẫn đến xô xát với nhau. Điều đó nói lên thực trạng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý đối với doanh nghiệp vận tải hành khách và doanh nghiệp vận tải thiếu trách nhiệm trong quản lý đối với đội ngũ lái, phụ xe. Để cải thiện tình trạng bất cập trong việc vận tải khách của xe khách hiện nay, việc đầu tiên phải quản lý là con người, trọng tâm là đội ngũ lái, phụ xe.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thao, Trưởng phòng Quản lý Phương tiện - Vận tải (Sở GTVT) cho biết, ngành đã có chủ trương về việc thay đổi, nâng cấp chất lượng xe khách trong tỉnh để thích ứng với thị trường cạnh tranh vận tải hành khách đang diễn ra hiện nay. Trước hết, vấn đề này phải do chính bản thân các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện. Đối với vấn đề quản lý đội ngũ lái, phụ xe, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Sở GTVT thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đặc biệt là trong các dịp cao điểm về vận tải hành khách, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện giám sát hành trình, đào tạo kỹ năng phục vụ hành khách văn minh, lịch sự đối với lái, phụ xe. Thời gian tới Sở GTVT sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp, đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn để chấn chỉnh những vi phạm về quản lý phương tiện, con người.

Thay đổi bộ mặt trong việc kinh doanh vận tải hành khách là quá trình không thể một sớm, một chiều song cũng không thể chậm trễ. Trước mắt, để đảm bảo quản lý tốt đội ngũ lái, phụ xe, khắc phục tình trạng bất cập của vận tải hành khách hiện nay, ngành Giao thông đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, trong đó trực tiếp là ngành LĐ-TB và XH trong công tác quản lý các đơn vị vận tải hành khách tuân thủ Bộ luật Lao động, gắn bó trách nhiệm, quyền lợi của lái, phụ xe với đơn vị./.

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com