Bảo đảm ATVSLĐ cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc tích cực của người sử dụng lao động. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều người sử dụng lao động quan tâm chăm lo đến công tác ATLĐ-VSLĐ nhằm giảm thiểu sự cố máy móc, thiết bị, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua đó góp phần làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tập huấn ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Nam Định tháng 9-2012. |
Theo đồng chí Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng Việc làm-ATLĐ (Sở LĐ-TB và XH), nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp có bước chuyển trong nhận thức, thực hiện tương đối tốt công tác ATVSLĐ là do các cấp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và huấn luyện ATVSLĐ-PCCN. Trong Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2012 với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức 73 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ-PCCN tại các Cty, doanh nghiệp, đơn vị với sự tham gia của gần 25 nghìn người. Toàn tỉnh đã tổ chức 446 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 635 doanh nghiệp; phát phiếu tự kiểm tra cho 1.483 doanh nghiệp; tổ chức 19 cuộc đo kiểm tra môi trường lao động tại 87 doanh nghiệp, 186 cuộc khám sức khỏe định kỳ cho gần 29 nghìn lao động, mở 172 lớp huấn luyện với trên 19 nghìn người tham gia. Nhiều Cty, doanh nghiệp đã tự tập huấn về công tác ATVSLĐ cho người lao động. Riêng đối với các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 33 lớp huấn luyện với trên 10 nghìn người tham gia, tổ chức 4 hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ-PCCN… Sau Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN, Sở LĐ-TB và XH đã xây dựng triển khai kế hoạch huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2012 nhằm cung cấp những kiến thức giúp cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATLĐ-VSLĐ, người lao động nắm và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước. Theo kế hoạch, từ tháng 5 đến hết năm 2012, tại mỗi huyện, thành phố sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn, trong đó có 2 lớp dành cho đối tượng là người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, thời gian qua nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận thức được ý nghĩa công tác ATVSLĐ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Không chỉ đầu tư mua sắm các trang thiết bị, công nghệ, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, quy trình, bộ máy quản lý, thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động…, nhiều doanh nghiệp dưới 300 lao động cũng đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm, doanh nghiệp từ 300-1.000 lao động bố trí 1 cán bộ phụ trách và doanh nghiệp trên 1.000 lao động có 2 cán bộ phụ trách về công tác ATVSLĐ, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các tổ sản xuất. Nhiều người sử dụng lao động đã không còn né tránh các đoàn kiểm tra về công tác ATVSLĐ, sẵn sàng tiếp thu, khắc phục những tồn tại để bảo đảm cho doanh nghiệp sản xuất an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thông qua Ban quản lý KCN, CCN, các huyện, thành phố để mời các chuyên viên về giảng dạy, nâng cao ý thức, kiến thức cho người lao động. Tiêu biểu, trong các ngày 31-8 và 1-9-2012, Ban Quản lý các KCN của tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB và XH tổ chức lớp tập huấn kiến thức ATLĐ-VSLĐ cho trên 300 cán bộ quản lý sản xuất, cán bộ làm công tác ATLĐ-VSLĐ, công nhân vận hành máy, người lao động của Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Bảo Minh (Cty CP Lâm sản Nam Định) tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) và Nhà máy sản xuất sản phẩm bằng da thuộc Cty TNHH Yamani Dynasty Đài Loan tại CCN Nam Hồng (Nam Trực). Cũng trong đầu tháng 9-2012, các Cty trên địa bàn huyện Xuân Trường như doanh nghiệp Cơ khí Xuân Trường, Cty CP Thanh Bằng, Cty TNHH Tân Việt, Cty TNHH Nhật Tân… đã mời chuyên viên ATVSLĐ (Sở LĐ-TB và XH) về giảng dạy cho người lao động. Hiện tại có nhiều Cty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký với Sở LĐ-TB và XH để tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ, công nhân từ nay đến cuối năm 2012 như Siêu thị BigC Nam Định, Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty TNHH Nam Dược, Cty CP Cơ khí Nam Hà…
Thực tế cho thấy, tại các Cty, doanh nghiệp mà người sử dụng lao động quan tâm đến công tác ATVSLĐ đều bảo đảm an toàn về người, tài sản và đều đạt kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, tưới rửa đường phố. Tổng số cán bộ công nhân viên là 396 người, trong đó nữ chiếm 80%. Do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, trên đường giao thông rất dễ xảy ra tai nạn, những năm qua Ban giám đốc Cty đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 39 người là tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng công đoàn. 100% cán bộ, CNV được trang bị, cấp phát bảo hộ lao động theo chế độ hiện hành; trong thời gian làm việc luôn chấp hành nghiêm chỉnh việc mặc quần áo phản quang, găng tay, mũ, nón, dụng cụ sản xuất với chi phí mỗi năm gần 300 triệu đồng. Hằng năm, Cty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, mở các lớp tập huấn về bảo đảm ATLĐ-VSLĐ, nhất là công nhân làm việc tại các xí nghiệp dịch vụ, nhà máy xử lý rác thải. Nhờ làm tốt công tác ATLĐ-VSLĐ nhiều năm qua Cty không xảy ra các vụ tai nạn lao động, tạo tư tưởng yên tâm cho người lao động gắn bó đơn vị. Cơ sở sản xuất thiết bị thực phẩm Thế Chiều tại xã Liêm Hải (Trực Ninh) chuyên sản xuất máy làm bún phở cũng được các đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá cao do có sự đầu tư, chuyển biến về ATVSTP. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, doanh nghiệp này đã làm tốt công tác tổ chức, khám sức khỏe cho người lao động, trang bị các thiết bị làm việc… đúng quy định.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ-PCCN. Nhiều người sử dụng lao động không tham gia các lớp tập huấn ATVSLĐ hoặc cử người tham gia tập huấn lấy lệ, cốt sao cho có chứng chỉ ATVSLĐ để đối phó với cơ quan chức năng nên trên địa bàn tỉnh vẫn còn để xảy ra sự cố đối với máy, thiết bị, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, một số vụ cháy, hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của cơ quan và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 56 vụ tai nạn lao động, trong đó tại các Cty CP là 9 vụ, tại doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH, HTX là 5 vụ… Để khắc phục tình trạng trên, các cấp, ngành, huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, thường xuyên kiểm tra công tác ATLĐ-VSLĐ để kịp thời phát hiện những sai sót, kiến nghị các doanh nghiệp khắc phục nhằm phòng, tránh tai nạn lao động, cháy nổ, bảo đảm tính mạng người lao động và tài sản của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Đức Thiện