Trực Ninh tìm giải pháp huy động vốn trong xây dựng nông thôn mới

07:09, 04/09/2012

Triển khai chương trình xây dựng NTM giai đoạn 1 (2011-2015) huyện Trực Ninh có 7 xã gồm: Trực Hùng, Trực Nội, Trực Thanh, Trực Hưng, Trung Đông, Trực Đại, Việt Hùng, trong đó xã Trực Nội là mô hình điểm của tỉnh. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, đến tháng 8-2012, tổng số vốn huy động để xây dựng NTM của toàn huyện đạt gần 159,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 44,6 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 61,4 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp 32,4 tỷ đồng, vốn tín dụng 21 tỷ đồng. Các xã đã sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng đường, trường, trạm, trụ sở UBND xã, nạo vét kênh mương nội đồng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông...

Đến cuối tháng 6-2012, xã Trực Nội đã đầu tư xây dựng 11 công trình với tổng kinh phí 35,05 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 9,5 tỷ đồng, con em xa quê hương ủng hộ 10,55 tỷ đồng. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng (tăng 9 tiêu chí) NTM. Xã Trực Hùng đã đạt 10 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5-7 tiêu chí. Đồng chí Phạm Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Trung Đông cho biết: Thực hiện dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong xã đã hiến gần 10ha đất để xã xây dựng các công trình phúc lợi. Xã đã tập trung vốn xây dựng NTM gắn với các chương trình mục tiêu Quốc gia và đến nay đã hoàn thành khá nhiều công trình như: xây mới 12 phòng học của Trường Tiểu học Trực Trung, xây mới 4 phòng chức năng của Trường THCS Trực Đông, xây dựng nhà văn hóa xã, nâng cấp sân vận động trung tâm xã… Nhân dân các xóm đã đóng góp trên 300 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp 3km đường giao thông thôn xóm. Tổng vốn đã đầu tư xây dựng của xã đạt trên 16 tỷ đồng. Thời gian tới, xã Trung Đông tiếp tục xây dựng các tuyến đường phục vụ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Bộ GTVT quy định với tổng kinh phí dự tính khoảng 10 tỷ đồng; vận động nhân dân xây dựng thiết chế văn hóa ở 25 xóm… nên cần rất nhiều kinh phí. Triển khai xây dựng NTM, xã Trực Hưng đã huy động 35 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ bản như xây dựng 14 phòng và công trình phụ trợ để Trường Tiểu học của xã đạt chuẩn mức độ 2 vào năm học 2012-2013 với kinh phí trên 8,4 tỷ đồng; xây dựng 14 phòng và công trình phụ trợ cho trạm y tế xã với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; xây dựng hội trường UBND xã gần 1 tỷ đồng; vận động nhân dân đóng góp 4,7 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn và xây dựng nhà văn hóa thôn Phú Mỹ…, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương.

Trường Tiểu học Trực Hưng (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng,  tiến tới đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II trong dip khai giảng năm học 2012-2013.
Trường Tiểu học Trực Hưng (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, tiến tới đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II trong dip khai giảng năm học 2012-2013.

Bên cạnh những thành tựu ban đầu, các xã xây dựng NTM của huyện Trực Ninh còn gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Đến tháng 8-2012, tổng vốn huy động xây dựng NTM hiện chỉ bằng 10% số vốn theo đề án được duyệt (159,4/1.590 tỷ đồng). Xã Trực Nội huy động được nguồn vốn cao nhất, đạt 57,2% tổng vốn đề án dự toán; xã Trực Hưng đạt 20,2%; các xã còn lại huy động được rất ít so với dự toán của đề án. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong điều kiện suy thoái kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc thu ngân sách trên địa bàn huyện không cao, ảnh hưởng đến nguồn vốn huyện cấp cho các xã xây dựng NTM. Trong 6 tháng đầu năm 2012, thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ đạt 30 tỷ đồng (kể cả thu tiền cấp quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng dự án đường nội thị Thị trấn Cát Thành) đạt 33,2% so với dự toán tỉnh giao, đạt 30,1% so với dự toán huyện giao. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, các xã xây dựng NTM của huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều không thực hiện quyền đấu giá sử dụng đất. Trước đây, số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ kinh phí tái đền bù quỹ đất, phí nộp cho tỉnh, huyện, các xã được thụ hưởng. Đây là nguồn thu chính của ngân sách xã để đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Tại các xã Trung Đông, Trực Hưng mỗi năm nguồn kinh phí thu từ quyền sử dụng đất 3,5-4 tỷ đồng góp phần chuẩn hóa hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm, đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc giải ngân vốn ngân sách chậm; đội ngũ cán bộ xã trình độ quản lý vốn chưa cao cũng khiến các xã gặp khó khăn. Bên cạnh đó, theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 thì sẽ hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các lĩnh vực: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ HTX. Ngày 12-6-2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 695/QĐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn. Cụ thể, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ HTX. Việc thay đổi khoản hỗ trợ của Trung ương đã dẫn tới cơ cấu vốn phải thay đổi theo: ngân sách Trung ương ít đi, vốn từ doanh nghiệp, tín dụng và người dân tăng lên. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có một số Cty lớn như: Tổng Cty Dệt may Nam Định đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy giải quyết việc làm cho gần 200 lao động tại xã Trực Hưng; Cty TNHH Cường Tân đầu tư gần 10 tỷ đồng phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp xã Trực Hùng… Ở một số xã có ngành nghề phụ, UBND xã đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trong xã kêu gọi chung sức xây dựng NTM... Đối với vốn của dân, người dân chỉ đóng góp vốn xây dựng nhà văn hóa thôn, đường giao thông thôn, xóm, đóng góp quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư, thực hiện xã hội hóa đóng góp xây dựng cơ sở vật chất giáo dục. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều xã xây dựng NTM trong huyện đã huy động dân đóng góp 30-40% giá trị các công trình đã làm được, đó là chưa kể việc hiến đất xây dựng đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng và các công trình phúc lợi xã hội ở thôn xóm nên việc tiếp tục huy động dân đóng góp các công trình khác của xã sẽ gặp khó khăn.

Để khắc phục khó khăn về vốn đầu tư xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng NTM như: Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND quy định cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn; Quyết định số 716/QĐ-UBND quy định hỗ trợ kinh phí xây dựng nâng cấp chợ, trụ sở xã; Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 8-6-2012 quy định hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo trạm y tế xã cũng đã giúp các xã định hướng giải quyết khó khăn. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các xã cần xác định lại tỷ lệ đầu tư, cơ cấu đầu tư, giải ngân nguồn vốn, lồng ghép vốn xây dựng NTM vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác như giáo dục, y tế…; đặc biệt, phải sử dụng nguồn vốn đầu tư thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương đã tính đến việc chọn các hạng mục đầu tư cần thiết cho người dân để đầu tư trước như xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, thủy lợi nội đồng, đường giao thông thôn xóm, đường ra đồng. Cùng với các giải pháp đó, thời gian tới các xã xây dựng NTM trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần hoàn thành tiến độ xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com