Nỗi niềm “làng taxi” ở Thọ Nghiệp

07:08, 17/08/2012

Giống như bao vùng quê thuần nông không có nghề phụ, lúc nông nhàn người dân xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) lại tranh thủ bươn chải khắp nơi kiếm sống bằng các nghề: thợ xây, thợ mộc, xe ôm, xích lô. Khi thị trường taxi phát triển, nhiều người dân xã Thọ Nghiệp đã nhanh nhạy chuyển sang làm nghề lái taxi. Vào thời điểm nghề taxi phát triển, cả xã có trên 200 taxi tư nhân và 400 người làm nghề lái taxi. Ở Hà Nội có 2 hãng taxi: Thủ đô và Ba Sao lái xe chủ yếu là người xã Thọ Nghiệp. Tại xã, Cty TNHH thương mại và du lịch Thiên Vương cũng có gần 100 đầu xe các loại phục vụ vận tải hành khách. Trong xã có khoảng 30 gia đình cả vợ chồng, con cái cùng làm nghề lái taxi, điển hình như gia đình anh chị Phạm Văn Sánh, Phạm Thị Nhài ở xóm 18 cùng 4 người con đều làm nghề lái taxi. Trung bình mỗi tháng một người lái taxi có thu nhập 4-5 triệu đồng, vào những dịp lễ tết thu nhập có thể tăng gấp đôi. Nhờ nghề lái taxi, nhiều gia đình trong xã đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được ô tô, tích luỹ được vốn liếng làm ăn, làm cho bộ mặt thôn xóm ngày càng khởi sắc.

Xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) hôm nay.
Xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) hôm nay.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nghề lái taxi phải đối mặt với không ít khó khăn bởi có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia dịch vụ taxi khiến lượng khách giảm, cùng với đó là giá xăng, tiền lãi ngân hàng tăng cao, trong khi có tới 30% người làm nghề lái taxi trong xã vay tiền ngân hàng để mua xe. Không ít gia đình khi mua xe ô tô làm nghề lái taxi phải mượn sổ đỏ của anh em họ hàng, vay tiền ngân hàng… 3-4 năm mới trả hết nợ. Những gia đình cả vợ chồng con cái đều đi làm nghề lái xe taxi tại các thành phố lớn phải thuê nhà ở với giá đắt đỏ. Những gia đình có chồng con đi làm, người vợ, người mẹ ở nhà thiếu vắng trụ cột gia đình. Chị T. ở xóm 19 tâm sự, chồng tôi và hai con trai lớn đều đi làm nghề lái xe taxi ở Hà Nội, mọi công việc trong nhà đều do tôi gánh vác. Tiền 3 bố con gửi về chẳng được là bao nhưng bỏ nghề thì chẳng biết làm gì lúc nông nhàn; con cả lại hay làm đêm nên tôi không yên tâm. Đó cũng là nỗi niềm của nhiều người mẹ, người vợ ở vùng quê này khi có chồng con đang phải vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người. Lái xe taxi cũng như “làm dâu trăm họ”, không chỉ phải thông thuộc đường đi để khỏi bị phạt, đưa khách đến đúng địa chỉ, phải đảm bảo an toàn trên suốt chặng đường mà còn phải biết chiều lòng khách. Nhiều người mới vào nghề do không chịu được áp lực công việc, thậm chí cả những nguy hiểm của nghề lái xe taxi đã phải bỏ nghề. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp nhiễm phải những thói hư, tật xấu. Anh P. một lái xe taxi ở xóm 20 cho biết, ở nơi đô thị, tu chí làm ăn thì còn gửi về cho vợ con mỗi tháng đôi ba triệu, chứ chẳng may dính vào cờ bạc, lô đề thì còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Bên cạnh cái lợi là góp phần phát triển kinh tế gia đình, nghề lái taxi ở xã Thọ Nghiệp cũng còn không ít nỗi niềm, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Với lực lượng lớn lao động trong xã đi làm ăn xa cũng gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý cũng như khi cần huy động nhân lực trong các công việc của xã. Bản thân mỗi người không ai muốn ly hương bươn chải mưu sinh. Vì vậy, về lâu dài, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, xã Thọ Nghiệp cần có định hướng mở mang ngành nghề giải quyết việc làm để người dân có thể làm giàu ngay trên quê hương mình./.

Bài và ảnh: Hồng Hạnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com