Khôi phục và phát triển các vùng lúa đặc sản truyền thống

07:08, 30/08/2012

Là vùng trồng lúa nổi tiếng đồng bằng sông Hồng với nhiều giống lúa đặc sản truyền thống có giá trị kinh tế gấp nhiều lần các giống lúa khác, tạo thu nhập cao cho nông dân nhưng hiện nay các vùng lúa đặc sản trong tỉnh đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ bị mai một…

Cán bộ, nông dân xã Xuân Đài (Xuân Trường) kiểm tra sự phát triển của lúa tám ấp bẹ.
Cán bộ, nông dân xã Xuân Đài (Xuân Trường) kiểm tra sự phát triển của lúa tám ấp bẹ.

Tám Xoan Đồng Lạc vốn là đặc sản truyền thống của xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). Do được gieo cấy trên vùng đất đệm giữa phù sa nước ngọt của sông Đáy và đất mặn nước lợ của sông Ninh Cơ, nên gạo tám xoan Đồng Lạc có mùi thơm dịu ngọt, quyến rũ. Trước đây, bà con thường cấy lúa tám xoan vào vụ mùa làm hàng hóa. Khi lúa chín tám phần, nông dân chọn ngày nắng hanh mới gặt. Thóc được nắng, hạt thóc thơm ngay khi phơi trên sân, xát thóc ra hạt gạo “rộng” và không bị “đớn”. Nhưng giờ đây không còn hộ nào trong xã cấy giống lúa tám xoan truyền thống nữa… Xã Xuân Đài (Xuân Trường) nằm ở hạ lưu sông Hồng, bao quanh là các sông nhánh như: Cát Giang, Láng, Thanh Quan... Đồng đất nơi đây thường xuyên được bồi đắp phù sa đã tạo nên vùng “địa lợi” cho sản xuất nông nghiệp. Xuân Đài là quê hương của nhiều giống lúa tám, nếp đặc sản như: Nếp dùi đục, tám nghểnh, tám tiêu và đặc biệt là tám ấp bẹ. Tám ấp bẹ rất “khó tính”, chỉ cấy được tại cánh đồng Phú Xuân và Hưng Đạo của xã với diện tích khoảng 100 mẫu mới giữ được hương vị riêng. Gọi tám "ấp bẹ" vì đến khi chín vẫn còn khoảng 1/5 bông lúa nằm trong bẹ lá đòng. Tám ấp bẹ Xuân Đài là giống lúa cảm quang, thường trỗ bông vào thời gian đêm dài ngày ngắn (tháng chín âm lịch). Tám ấp bẹ không chỉ kén đất và năng suất thấp, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác từ lúc lựa giống, gieo cấy, thu hoạch và bảo quản. Vụ mùa năm 2012, hầu hết các hộ nông dân trong xã cấy giống Bắc Thơm số 7, BC15… nhưng với tình yêu cây lúa đặc sản, một số hộ nông dân vẫn cấy giống lúa quý của quê hương, đó là các hộ ông Lê Hồng Thái, đội 14 cấy 5 sào; Lê Văn Dũng, đội 14 cấy 5 sào; Đặng Ngọc Chính, đội 14 cấy 6 sào; Nguyễn Ngọc Cửu, đội 12… Cây lúa dự hương đã được cấy trên đồng ruộng Nam Mỹ (Nam Trực). Gạo dự hạt trong, cơm ngon, dẻo, đậm đà, giàu dinh dưỡng nên được người tiêu dùng ưa thích mặc dù giá cao hơn so với nhiều loại gạo khác. Tuy vậy, qua nhiều năm canh tác nên giống lúa dự hương bị thoái hóa, năng suất giảm và đứng trước nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, năm 2005, Trung tâm Giống cây trồng Nam Định đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án “Phục tráng giống dự hương ở Nam Mỹ, Nam Trực, Nam Định”. Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2005 đến năm 2007) nhằm bảo tồn, phát triển giống lúa này phục vụ nhân dân. Đồng chí Đào Văn Chất, nguyên chủ nhiệm HTX Nam Mỹ và người trực tiếp tham gia thực hiện dự án cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu, chọn ra những dòng phân ly tốt của giống lúa dự hương để phục tráng, nhân rộng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho nông dân kỹ thuật phục tráng, nhân giống để quản lý chất lượng ngay từ khâu giống. Áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước cho hợp lý để chống đổ nhằm bảo đảm năng suất”. Nhờ đó, năng suất giống lúa dự hương của xã Nam Mỹ đã đạt bình quân 100-120 kg/sào, cao hơn trước 20-30 kg/sào, nếu thâm canh tốt năng suất có thể đạt 150 kg/sào, đồng thời nâng cao chất lượng hạt gạo. Vụ mùa này, diện tích gieo cấy lúa dự hương toàn xã đạt 80ha, tập trung ở các đội 5, 6, 7, 8.  Đây là tiền đề để xã mở rộng diện tích, phát triển giống lúa dự hương trong sản xuất vụ mùa.

Tỉnh ta là vùng trồng lúa nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều giống lúa đặc sản truyền thống. Gạo nếp ngon phải kể đến giống nếp cái hoa vàng Quần Liêu (Nghĩa Hưng). Gạo tẻ có dự, di, dé… Gạo tám thơm có tám xoan Đồng Lạc (Nghĩa Hưng), tám xoan Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài… Các giống lúa này có đặc điểm chung là cao cây, thời gian sinh trưởng dài, thân yếu dễ đổ, năng suất không cao nhưng bù lại, chất lượng gạo rất thơm ngon. Các giống lúa đặc sản trên rất nổi tiếng về chất lượng và có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay, diện tích cấy lúa đặc sản ở tỉnh ta đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do các giống lúa đặc sản truyền thống thường có thời gian sinh trưởng dài nên phụ thuộc vào thời tiết, gặp nhiều rủi ro khi gặp mưa to, gió lớn… Do chưa quy hoạch được các vùng cấy giống lúa đặc sản nên khi các giống lúa ngắn ngày thu hoạch, các thiên địch có hại như sâu đục thân, chuột, cào cào, châu chấu, chim chóc… tập trung vào các giống lúa đặc sản, làm giảm năng suất. Vì vậy, nhiều giống lúa mới thấp cây, ngắn ngày, năng suất cao đã được nông dân đưa vào sản xuất thay thế các giống lúa đặc sản. Đặc biệt, chất lượng các loại gạo đặc sản bị suy giảm do sự thay đổi về phương thức canh tác, cách thức chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng như sự biến đổi di truyền do giao phấn tự nhiên với các giống lúa cải tiến; một số thương lái pha lẫn với các loại gạo khác, gây mất lòng tin từ người tiêu dùng.

Để khôi phục và phát triển các vùng lúa đặc sản, các cấp, các ngành cần có bước đi cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu các loại gạo đặc sản trên thị trường, khởi nguồn từ cánh đồng mẫu lớn, đúng theo quy trình sản xuất sinh học. Xây dựng và phát triển cánh đồng mẫu lớn tiến tới xây dựng vùng cấy lúa đặc sản theo hình thức hàng hóa tập trung để đạt tính ổn định của chất lượng, sản lượng, thời gian và không gian cung ứng gạo theo nhu cầu và yêu cầu của khách hàng trong việc xây dựng thương hiệu hiện nay. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng đảm bảo thu nhập cho nông dân. Điều quan trọng nữa là cần có những dự án khoa học đầu tư phục tráng, bảo tồn và phát triển các giống lúa đặc sản của các vùng và làm đẹp hơn nét văn hóa ẩm thực của quê hương Nam Định./.

Bài và ảnh: Trần Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com