Xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) có 4 HTX nông nghiệp với tổng diện tích canh tác gần 532ha. Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Nghĩa Thịnh đã đạt 12/19 tiêu chí. Hiện xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, với bình quân 1,5 thửa/hộ. Thành công trong công tác dồn điền đổi thửa còn tạo tiền đề quan trọng để xã thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Xã viên HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa. |
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng mẫu lớn diện tích 100ha, đồng chí Nguyễn Xuân Điến, Chủ nhiệm HTX Đại Thắng cho biết: Vụ xuân năm nay thắng lớn, năng suất đạt trên 65 tạ/ha, vượt hơn hẳn so với những cánh đồng khác cấy cùng một giống lúa. Việc sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đã bảo đảm thực hiện theo phương thức "3 cùng": cùng trà, cùng giống và cùng phương pháp canh tác nên cũng đạt "3 giảm" là giảm được 60% công lao động, giảm lượng thóc giống và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tính ra chi phí sản xuất giảm gần 30% so với phương pháp cấy truyền thống. Việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch vừa nhanh, ít rơi vãi, hao hụt, vừa tận dụng được rơm rạ tăng độ phì cho đất… tạo thuận lợi cho triển khai sản xuất vụ mùa sớm. Gia đình chị Bùi Thị Lý là một trong 703 hộ tham gia thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn cho biết: Tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân giảm chi phí khi áp dụng khâu gặt máy và gieo sạ. Gặt bằng máy gặt đập liên hoàn chỉ mất 150 nghìn đồng/sào, còn gặt tay, chi phí lên đến 300 nghìn đồng/sào. Giống lúa cấy trên cánh đồng mẫu lớn vụ xuân năm 2012 của HTX Đại Thắng là Bắc thơm số 7, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn cánh đồng khác cấy cùng giống từ 6-7%. Đây là giống lúa có giá trị thương phẩm cao, cho thu nhập 50 triệu đồng mỗi ha trên cánh đồng mẫu lớn của HTX Đại Thắng. Bước đầu, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Nghĩa Thịnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt: giảm chi phí đầu vào, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng và các vùng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Đặc biệt mô hình cánh đồng mẫu lớn đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp không theo quy hoạch, kế hoạch sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ KH-KT và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Tuy nhiên, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Nghĩa Thịnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết sản xuất lớn, có hạch toán, quản lý chuỗi sản xuất bao gồm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), từ đó nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn nông sản thực phẩm (VietGAP) và an toàn môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, việc canh tác trên cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi phải thay đổi nhiều thói quen canh tác. Trên diện tích 100ha mà có tới 703 hộ tham gia sản xuất, bình quân 1,5 thửa/hộ như hiện nay vẫn là quá đông, đang là rào cản cho sự phát triển mô hình của HTX. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và áp dụng cùng một loại giống trên cùng 1 cánh đồng cũng đang là bài toán khó giải, khi các hộ nông dân đã quen với việc trồng lúa Bắc thơm, trong khi đó đây là giống lúa thường bị nhiễm bệnh bạc lá vào vụ mùa.
Hiện tại trong 4 HTX ở Nghĩa Thịnh, chỉ có HTXNN Đại Thắng tiến hành xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn, 3 HTXNN còn lại cần được địa phương quan tâm, tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất tập trung tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên từng diện tích canh tác./.
Bài và ảnh: Việt Thắng