Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường - Thực trạng và giải pháp

08:07, 25/07/2012

Để huy động tối đa mọi nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Nhà nước đã đề ra chủ trương “xã hội hoá” công tác BVMT. Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT. Các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, LĐLĐ, Hội Nông dân, Hội CCB… các cấp đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật BVMT, vận động hội viên, đoàn viên tham gia các chương trình BVMT, chấp hành pháp luật BVMT.

Phòng Giáo dục Thành phố Nam Định tổ chức cuộc thi vẽ tranh BVMT trong khối học sinh THCS, góp phần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa công tác BVMT (Trong ảnh: Các em học sinh tham quan phòng trưng bày tranh về BVMT).
Phòng Giáo dục Thành phố Nam Định tổ chức cuộc thi vẽ tranh BVMT trong khối học sinh THCS, góp phần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa công tác BVMT (Trong ảnh: Các em học sinh tham quan phòng trưng bày tranh về BVMT).

Trước đây, ở Thành phố Nam Định, công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn chỉ do Cty TNHH MTV Môi trường Nam Định đảm nhận nên luôn tồn tại mâu thuẫn giữa khối lượng công việc ngày càng lớn với sức ép về giảm nhân lực, chi phí hành chính; mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về chất lượng dịch vụ với nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp. Từ khi công tác BVMT được xã hội hóa, các phường đã thành lập các tổ, đội thuộc các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương thu gom rác sinh hoạt với chi phí thu gom thấp, lượng rác sinh hoạt hằng ngày được nhanh chóng thu gom, góp phần bảo đảm môi trường phong quang, sạch sẽ. Ngoài ra, một số phường còn thành lập tổ thu gom rác thải ở những nơi trọng điểm như: phường Lộc Vượng thành lập tổ thu gom rác thải khu di tích lịch sử Đền Trần, phường Trần Tế Xương với tổ thu gom rác thuộc mô hình “Đoạn sông tự quản”. Các HTXNN và DV Mai Xá và Mỹ Xá, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) vận động xã viên đóng góp kinh phí; đầu tư mua 10 xe thu gom rác, trang bị dụng cụ và thành lập 5 tổ thu gom rác hoạt động trên địa bàn. Đến nay, Thành phố Nam Định đã cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, bảo đảm mỹ quan đô thị. Tại vùng nông thôn, có nhiều mô hình BVMT đạt hiệu quả cao như: Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Việt Nam thực hiện dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh. Với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, thị trấn đã đầu tư khu xử lý rác thải 7.000m2 cách xa khu dân cư; quy mô: 10 bể ủ rác, sân phân loại rác, khu chế biến, hệ thống nén khí và khu lọc nước thải. Thị trấn còn thành lập Cty CP Môi trường với 25 cán bộ, nhân viên thực hiện thu gom lượng rác thải hằng ngày của 10 tổ dân và xử lý thành mùn vi sinh sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tại xã Yên Thắng (Ý Yên), với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu đồng, Đoàn Thanh niên xã đã thành lập 15 đội thanh niên tình nguyện thực hiện mô hình "Làng xã xanh - sạch - đẹp". Tại huyện Nam Trực, Hội Phụ nữ đã vận động hội viên các xã, thị trấn thành lập các tổ, đội thu gom rác thải tại địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 331/396 thôn xóm có tổ thu gom rác thải. Lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt là những người dân sống tại địa phương nên thái độ phục vụ hòa nhã, tận tình... Bên cạnh đó, mức chi phí thu gom đều lấy ý kiến của người dân nên đều được người dân đồng tình, ủng hộ tự giác đổ rác sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác xã hội hóa công tác BVMT cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện chưa có các quy định pháp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác BVMT vì vậy chưa thu hút được nhiều đối tượng có tiềm năng kinh tế lớn. Các lĩnh vực xử lý, phục hồi những điểm ô nhiễm, lĩnh vực công nghiệp môi trường, tư vấn, thiết kế, xây dựng các công trình xử lý chất thải… chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BVMT. Việc xã hội hóa công tác BVMT trên địa bàn tỉnh mới chỉ huy động được sự vào cuộc của các đoàn thể hoặc các đơn vị tư nhân nhỏ, khả năng kinh tế hạn chế, các hoạt động BVMT chủ yếu mang tính khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trước mắt. Tại các vùng nông thôn do thiếu vốn nên hầu hết các mô hình BVMT xã hội hóa đều chỉ ở mức độ thu gom và xử lý theo phương thức chôn lấp tạm thời mà chưa đầu tư được các nhà máy xử lý hoặc tái chế rác… Để thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần tập trung xây dựng thêm nhiều phong trào BVMT trong nhân dân theo hướng phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về BVMT; đồng thời phải tăng cường công tác quản lý và có chế độ thải loại đối với các đơn vị, tổ chức tham gia các hoạt động BVMT để nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả. Từng địa phương phải xác định rõ những hoạt động BVMT cấp thiết để tiến hành kêu gọi các thành phần kinh tế cùng chung sức thực hiện. Chú trọng thực hiện công tác kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động BVMT thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong BVMT của nhà nước để mọi thành phần kinh tế, cá nhân cùng tham gia. Cụ thể như: các cơ chế hỗ trợ ưu đãi về đất đai; chính sách miễn hoặc giảm thuế; mức độ trợ giá cho một số sản phẩm phục vụ công tác BVMT nhập khẩu; các cơ chế ưu tiên vay vốn tại các quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực BVMT. Ngoài ra, tại cấp tỉnh cũng như từng xã, phường, thị trấn cần sớm xác lập và đẩy mạnh thực hiện các cơ chế khuyến khích, các chế tài hành chính, hình sự và thực hiện một cách công bằng hợp lý đối với cả các đối tác tham gia hoạt động BVMT. Các địa phương phải chú trọng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để đẩy mạnh phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trong BVMT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com