Hằng năm, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động của tỉnh, tổ chức công đoàn… đều tiến hành các đợt kiểm tra độc lập, hoặc phối hợp liên ngành việc chấp hành pháp luật lao động ở doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hay nắm bắt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để xử lý, chấn chỉnh, bảo đảm công bằng quyền lợi cho các bên trong quan hệ lao động.
Kiểm tra hồ sơ công tác ATVSLĐ của Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh. |
Qua kết quả đợt kiểm tra độc lập của LĐLĐ tỉnh trong Tháng Công nhân và đợt kiểm tra liên ngành do ngành LĐ-TB và XH - đơn vị chủ trì từ đầu năm đến nay cho thấy, các doanh nghiệp đều đã có ý thức trong việc chấp hành pháp luật lao động, như việc ký kết hợp đồng lao động, ký thỏa ước lao động tập thể, tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ, thực hiện quy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định của nhà nước đối với lao động mới tuyển dụng, lập bảng lương, thưởng và chi trả, thực hiện chi trả cho NLĐ đúng thời hạn… Công tác ATVSLĐ ở doanh nghiệp đã được quan tâm với việc thành lập hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hằng năm và xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên… Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến việc trang bị các kiến thức pháp luật cho NLĐ khi tham gia quan hệ lao động mà chủ yếu phổ biến các quy định về quy chế, nội quy hoạt động của đơn vị, thời gian làm việc - thời gian nghỉ ngơi, mức tiền lương, tiền công thoả thuận khi NLĐ vào làm việc… Do vậy, hầu hết NLĐ chưa nắm bắt hết được các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động (BLLĐ). Trong công tác tuyển dụng lao động, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức tuyển lao động chưa có trình độ chuyên môn rồi tổ chức đào tạo bằng hình thức kèm cặp tại chỗ để “tiết kiệm” chi phí trả lương và các nghĩa vụ khác như BHXH, BHYT… Việc báo cáo định kỳ tình hình sử dụng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định chưa được các đơn vị chấp hành nghiêm. NLĐ chưa gắn bó với doanh nghiệp do chạy theo quyền lợi trước mắt. Do đó, dẫn đến việc một số doanh nghiệp làm sai quy định như việc thoả thuận thu tiền “đặt cọc” khi ký HĐLĐ để giữ chân NLĐ, nếu NLĐ đã được đào tạo tại doanh nghiệp mà tự ý bỏ việc thì không được lấy lại số tiền đó như ở Cty CP Xây dựng Hải Hậu. Qua kiểm tra, hầu hết nội dung các bản HĐLĐ ở các doanh nghiệp chưa đúng theo quy định của pháp luật, một số bản hợp đồng không có chữ ký và dấu của Cty; nhiều nội dung còn để trống như: chế độ nâng lương, BHXH hoặc chỉ ghi chung chung là theo quy chế Cty, theo quy định của Nhà nước... Riêng vấn đề tiền lương, do các doanh nghiệp xác định đây là một biện pháp cạnh tranh để thu hút và giữ chân NLĐ và thu hút lao động có tay nghề, kinh nghiệm nên các doanh nghiệp thực hiện khá tốt. 7 trong số 8 doanh nghiệp được kiểm tra đã xây dựng hệ thống thang, bảng lương, quy chế trả lương, thưởng; xây dựng và ban hành định mức lao động, đơn giá tiền lương đăng ký với Sở LĐ-TB và XH theo quy định của BLLĐ và các văn bản hướng dẫn, cũng như thực hiện chi trả nghiêm túc. Trong đó có 5 doanh nghiệp là Cty CP Bạch Đằng, Cty CP May Nam Hà, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Cty CP VLXD Ninh Cường, Cty CP Xây dựng Hải Hậu đã trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm từ 1 đến 3% tổng quỹ lương để kịp chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm cho NLĐ. Bên cạnh những doanh nghiệp đã bố trí đủ ngày nghỉ hằng tuần và nghỉ lễ cho NLĐ theo quy định của BLLĐ, vẫn còn doanh nghiệp không bố trí đủ thời gian nghỉ lễ, nghỉ hằng tuần và không tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ theo quy định. Hầu hết các đơn vị không xây dựng kế hoạch nghỉ phép năm theo quy định, mà chỉ thực hiện giải quyết cho nghỉ nếu NLĐ có nhu cầu. Với những trường hợp NLĐ không có nhu cầu nghỉ, doanh nghiệp cũng không trả tiền phép năm cho NLĐ theo quy định tại khoản 3 điều 76 BLLĐ. Riêng công tác ATVSLĐ, mặc dù các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh doanh nghiệp đã được tăng cường song việc thực hiện còn nhiều hạn chế, mang tính đối phó hoặc doanh nghiệp thấy rõ nguy cơ mất an toàn thì mới thực hiện. Hồ sơ, sổ sách về ATVSLĐ tại một số đơn vị được kiểm tra còn sơ sài, thiếu nội dung như: chưa phân định trách nhiệm quản lý của cán bộ quản lý và các bộ phận chuyên môn về công tác BHLĐ; kế hoạch BHLĐ, chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ chưa đầy đủ, chưa huấn luyện ATLĐ và cấp thẻ cho NLĐ…
Tập huấn pháp luật về ATVSLĐ cho công nhân Cty cổ phần Thúy Đạt (CCN An XÁ- thành phố Nam Định) |
Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần tăng cường quản lý, tiến hành kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp tự kiểm tra, khắc phục những hạn chế, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm theo dõi đôn đốc việc khắc phục của doanh nghiệp cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến chủ doanh nghiệp cũng như NLĐ, đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở đã có tại các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng các nội quy, quy chế, nhất là các văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ./.
Bài và ảnh: Vân Anh