Hoạt động của Ban Nông nghiệp xã và HTXNN - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra (tiếp theo và hết)

07:07, 30/07/2012

[links()]

II - Những vấn đề đặt ra

Sau gần 3 năm BNNX đi vào hoạt động, công tác quản lý Nhà nước của UBND xã, thị trấn đối với sản xuất nông nghiệp đã được tăng cường. Việc chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn sản xuất của UBND cấp xã đã sâu sát, thực tế hơn, đồng thời tạo điều kiện cho HTX đi sâu vào tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ cả trong nông nghiệp và phục vụ dân sinh, từng bước hoạt động theo đúng Luật HTX. Song, trong quá trình hoạt động, BNNX vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót.

Toàn tỉnh hiện có 211 BNNX, nhưng số lượng, chất lượng cán bộ của các BNNX chưa đồng đều, nhất là về trình độ quản lý, kỹ thuật. Hiện có 3 BNNX chỉ có 1-2 nhân viên kỹ thuật, 65 BNNX có 3-4 nhân viên kỹ thuật, 109 BNNX có 5-6 nhân viên kỹ thuật, 31 BNNX có 7-8 nhân viên kỹ thuật, 3 BNNX có trên 9 nhân viên kỹ thuật. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ BNNX cũng không đồng đều: 89 cán bộ
có trình độ đại học, cao đẳng (8%), 581 cán bộ có trình độ trung cấp (53%), 77 cán bộ có trình độ sơ cấp (7%), 347 cán bộ chưa qua đào tạo (32%). Như vậy, toàn tỉnh chỉ có 33 BNNX toàn bộ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên, chiếm 15,5%; ở một số huyện tỷ lệ cán bộ, nhân viên kỹ thuật BNNX chưa qua đào tạo nhiều là: Nam Trực 41%, Hải Hậu 38% và Nghĩa Hưng 34%... Một BNNX cần tối thiểu 4 nhân viên kỹ thuật (1 phó ban, 1 nhân viên BVTV, 1 nhân viên thú y, 1 nhân viên khuyến nông) nhưng đến nay vẫn còn 3 BNNX chỉ có 1-2 nhân viên kỹ thuật. Nguyên nhân do một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa xác định đúng vị trí quan trọng của BNNX nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, củng cố, việc lựa chọn, bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa bảo đảm theo yêu cầu quy định. Thậm chí có xã, thị trấn chưa quan tâm tạo điều kiện làm việc và kinh phí cho BNNX. Đến nay vẫn còn 20% số BNNX chưa có địa điểm làm việc, phải nhờ địa điểm tại văn phòng HTXNNDV để hoạt động. Phụ cấp của BNNX ở các huyện có vận dụng khác nhau. Thành phố Nam Định quy định mức phụ cấp cho phó BNNX là 250 nghìn đồng/người/tháng, riêng phó BNNX Lộc Hoà được hưởng 0,55 mức lương tối thiểu. Một số xã ở huyện Ý Yên, phó BNNX được hưởng phụ cấp bằng mức lương tối thiểu (hệ số 1). Huyện Nam Trực ngay từ năm 2010 đã trả phụ cấp cho phó BNNX bằng mức lương tối thiểu và trưởng BNNX được hưởng thêm phụ cấp 10% hệ số lương tối thiểu… Ngoài ra, ở một số xã, do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, xã viên HTXNN chưa đầy đủ, chưa phân tách rõ chức năng quản lý Nhà nước của UBND xã với chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTXNN theo Luật HTX; việc phối hợp kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành và các huyện, thành phố chưa đồng bộ, kịp thời… nên chưa tạo điều kiện cho hoạt động của BNNX. Việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất của BNNX vẫn còn trùng với các HTXNN, công tác xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp còn chậm, nhiều việc chưa nắm được, chưa triển khai. Một số xã, thị trấn vẫn dựa chủ yếu vào HTXNNDV để chỉ đạo điều hành, hướng dẫn sản xuất nên năng lực chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức của cán bộ BNNX rất hạn chế. Đồng chí Trần Tất Khúc, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Lộc cho biết: “Ở Mỹ Lộc, ngoài 2 xã Mỹ Tân và Mỹ Thắng, còn lại mỗi xã chỉ có 1 phó chủ tịch kiêm trưởng công an, nay kiêm thêm trưởng BNNX nên càng lúng túng…”. Từ tháng 10-2011, UBND tỉnh đã có quyết định quy định số lượng và điều chỉnh mức phụ cấp hằng tháng đối với nhân viên kỹ thuật BNNX. Theo đó nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học được hưởng hệ số 1 theo mức lương tối thiểu/người/tháng; cao đẳng hưởng 0,8, trung cấp hưởng 0,7 và sơ cấp hưởng 0,5 mức lương tối thiểu/người/tháng…

Tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa Bắc thơm 7 vụ xuân 2012 tại HTXNN Xuân Kiên (Xuân Trường).
Tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa Bắc thơm 7 vụ xuân 2012 tại HTXNN Xuân Kiên (Xuân Trường).

Với truyền thống hơn nửa thế kỷ (từ năm 1959, 1960) HTXNN vừa làm kế hoạch chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp nên khi chuyển sang sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ, bước đầu nhiều HTX lúng túng. Nhiều HTXNNDV thiếu chương trình công tác, không có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; hoạt động dịch vụ ở quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, tính cạnh tranh không cao; thực tế không đủ năng lực cạnh tranh trong cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp dẫn đến mất thị trường. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ sự trì trệ, thiếu năng động của đội ngũ ban quản trị HTXNNDV. HTXNNDV hiện nay chủ yếu là thực hiện một số khâu dịch vụ trong sản xuất lúa, chưa chủ động hướng dẫn xã viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hoá, ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở các HTXNNDV chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất. Trong những năm qua, hầu hết các HTXNNDV đã chuyển sang sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhưng các dịch vụ hầu như không tăng. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: “Có 3 nội dung để HTXNNDV thực hiện đổi mới nhưng chưa thực hiện được theo Luật HTX là: vấn đề chuyển đổi hình thức sở hữu, góp vốn cổ phần tối thiểu và xác định tư cách xã viên đích thực…”. Hiện tại, ở tỉnh ta chưa có HTXNNDV vận động được xã viên góp vốn. Do không có vốn góp mới nên việc lập danh sách xã viên cũng mang tính hình thức. Mặc dù các HTXNNDV đã hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật HTX nhưng hai vấn đề cốt lõi là chế độ sở hữu và tư cách xã viên vẫn còn theo mô hình kiểu cũ. Sự tham gia tự nguyện của xã viên là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của HTX, nhưng hiện nay yếu tố này rất lỏng lẻo vì xã viên là tất cả mọi người, không ràng buộc về kinh tế. Họ không thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia HTX, dẫn đến tư tưởng dựa dẫm, đòi hỏi tập thể bao cấp, nợ đọng dịch vụ kéo dài… Chỉ riêng nợ đọng luỹ kế đến nay của các HTXNN toàn tỉnh là 64 tỷ đồng, rất khó xử lý. Kỷ cương của HTXNN vốn dựa trên chế tài do xã viên xây dựng và thực hiện, nhưng khi xã viên bàng quan với công việc của HTX thì kỷ cương, điều lệ HTX khó có hiệu lực. Xã viên chưa có cổ phần sở hữu của mình trong tài sản HTX nên họ ít quan tâm đến HTXNNDV lỗ hay lãi, làm ăn có hiệu quả hay không. Tài sản của HTXNNDV hiện nay được coi là sở hữu tập thể nhưng vì xã viên là một cộng đồng nên sở hữu của HTXNNDV hiện nay không phải là sở hữu của một tập thể xã viên cụ thể nào mà là sở hữu công cộng của một cộng đồng dân cư. Chính đặc điểm này làm cho HTXNNDV không thể thực hiện được nguyên tắc “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Trong quan hệ quản lý, do chưa xác định được vốn góp, cơ chế vốn chung, quyền lợi, trách nhiệm không rõ ràng, hạch toán thiếu chính xác… dẫn đến hiệu quả kém và rất khó mở rộng được sản xuất, kinh doanh.

Việc thành lập BNNX là bước đi đúng đắn. Kết quả hoạt động bước đầu của BNNX đã tạo ra đổi mới về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, giảm một số khoản đóng góp theo đầu sào cho các hộ nông dân như: điều hành sản xuất, dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh…; thúc đẩy HTXNN chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX. HTXNN chuyển sang nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh và dịch vụ còn lúng túng, yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục vì hợp tác là xu thế tất yếu trong sản xuất, kinh doanh hiện nay. Trong bước đường đi lên tìm ra những thiếu sót, khuyết điểm, những yếu kém chính là tìm ra nguyên nhân, bài học để khắc phục, nhằm tạo ra động lực mới để BNNX đi vào hoạt động đúng theo 10 nhiệm vụ đã được giao và HTXNNDV từng bước hoạt động theo Luật HTX để tự hoàn thiện trong tiến trình xây dựng NTM, xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, ổn định và bền vững trong tương lai./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com