Một bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nam Vân (TP Nam Định). |
Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có 29 trường mầm non, trong đó có 27 trường mầm non công lập, 2 trường mầm non tư thục. Những năm qua, công tác y tế trường học và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bếp ăn bán trú ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã được thực hiện hiệu quả. Các trường mầm non đã kết hợp với trạm y tế phường, xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các cháu. 100% trường mầm non tổ chức cân, đo theo dõi sức khỏe trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng. Cuối năm học 2011-2012, qua kết quả cân, đo theo dõi sức khỏe trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng của 29 trường cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chung của cả khối nhà trẻ và mẫu giáo là 4,7%, giảm 2,5% so với đầu năm học. Các trường mầm non làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và có tỷ lệ trẻ sức khỏe bình thường cao là Sao Vàng, 8-3, Hoa Hồng, Văn Miếu, Số 5, Nam Vân, Ngô Quyền, Số 2, Bình Minh, Mỹ Xá, Hướng Dương... Hầu hết các trẻ được tiêm chủng, uống vitamin A đầy đủ theo lịch, đảm bảo vệ sinh nhóm lớp, vệ sinh môi trường và an toàn cho trẻ. Phòng GD và ĐT thành phố thường xuyên chỉ đạo các trường thực hiện việc giao ca chặt chẽ và đón trả trẻ theo đúng quy chế, đảm bảo an toàn, đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh, chống rét, chống nóng cho trẻ. Mới đây, Phòng GD và ĐT thành phố đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh bồi dưỡng cho 100% cán bộ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên y tế các trường mầm non về cách phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng. Trong 6 tháng đầu năm nay, ở các trường mầm non Số 3, 8-3, 2-9, Lộc Hạ đã xuất hiện trẻ có biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng. Các trường đã tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ nên không để dịch bệnh xảy ra. Các trường còn lợp mái tôn, lát gạch chống nóng, bảo đảm các phòng học thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, chuẩn bị đủ nước uống, nước sinh hoạt, mua sắm đủ đồ dùng cho trẻ như chăn, đệm, giường chiếu. Một số trường còn làm tốt công tác xã hội hóa, vận động phụ huynh, các tổ chức đoàn thể mua máy điều hòa, máy sưởi ấm cho trẻ như các Trường: Hàn Thuyên, số 5, Hoa Sữa, Vàng Anh, Sao Vàng. Các trường đều tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, phát động các phong trào: Trường học sạch sẽ, phòng sinh hoạt, vui chơi cho trẻ có đủ ánh sáng, nhà tiêu hợp vệ sinh, dụng cụ chứa rác thải và xử lý rác thải hằng ngày được thực hiện đúng quy định... Tại các lớp học, giáo viên còn dạy các em chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thông qua các tiết học như bé làm quen với môi trường, rửa tay đúng cách, vệ sinh răng miệng... Các trường thực hiện nghiêm các quy định về VSATTP, vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, vệ sinh thân thể, đảm bảo cho trẻ ăn đủ lượng, đủ chất; tích cực bổ sung đồ dùng, đồ chơi, trồng nhiều cây xanh bóng mát, các loại hoa theo mùa... giúp trẻ có điều kiện vui chơi, góp phần làm môi trường học tập của trẻ ngày càng khang trang sạch đẹp. Phòng GD và ĐT thành phố còn phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên dinh dưỡng các trường và cấp chứng chỉ. 100% các trường mầm non trên địa bàn thành phố đều tổ chức nuôi ăn bán trú cho trẻ, trong đó số trẻ được nhà trẻ nuôi ăn là 3.614 cháu, đạt tỷ lệ 100%, số trẻ mẫu giáo được nuôi ăn là 9.573 cháu đạt tỷ lệ 99,86% so với số trẻ ra lớp. Các trường tổ chức cho trẻ nhà trẻ ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ, trẻ mẫu giáo ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ. 100% các trường mầm non đã thực hiện nghiêm việc lưu mẫu thức ăn 24/24h và đảm bảo VSATTP. Qua kiểm tra, đã có bếp ăn 21 trường được cơ quan chức năng công nhận "Bếp đạt tiêu chuẩn VSATTP". Đặc biệt, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia đã có được hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, đáp ứng đủ các tiêu chí về VSATTP. Bên cạnh đó, Phòng GD và ĐT tham mưu với chính quyền địa phương kiện toàn, duy trì hoạt động của ban chỉ đạo công tác y tế học đường trong các trường mầm non; phối hợp với các ngành chức năng có nhiều biện pháp chỉ đạo VSATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về công tác VSATTP cho đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non…
Tuy nhiên, công tác y tế trường học và VSATTP bếp ăn bán trú ở các trường mầm non còn gặp không ít khó khăn. Hiện vẫn còn 11/32 bếp ăn chưa theo quy trình 1 chiều; tình trạng thiếu nhân viên dinh dưỡng vẫn phổ biến. Theo quy định, một cấp dưỡng chỉ được nấu cho khoảng 60 cháu, nhưng trên thực tế nhiều trường 1 nhân viên dinh dưỡng nấu ăn cho từ 80-100 cháu, ảnh hưởng đến công tác chăm nuôi trẻ. Một số trường có nhiều khu nuôi dạy, trông giữ trẻ như Trường Mầm non Lộc Hòa, Lộc Hạ, nhưng chỉ có một khu tổ chức nấu ăn, thức ăn nấu xong phải vận chuyển đến các khu khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn, giảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, diện tích các trường mầm non của Thành phố Nam Định còn hạn chế nên việc xây dựng vườn rau, vườn cây ăn quả của đa số các trường chưa thực hiện được. Để khắc phục những khó khăn trên, năm học 2012-2013 Thành phố Nam Định tiếp tục tăng cường công tác y tế trường học, thực hiện tốt công tác VSATTP đối với các bếp ăn bán trú trong các trường mầm non. Các cấp chính quyền cần quan tâm dành quỹ đất cho các trường xây dựng thêm lớp học để giảm tải sĩ số học sinh trên lớp, đồng thời có kế hoạch đào tạo thêm giáo viên mầm non và tuyển nhân viên y tế cho các trường mầm non./.
Bài và ảnh: Minh Thuận