[links()]
IV - Nam Định với Trường Sa
Ở Trường Sa hôm nay không chỉ có những công trình mang dấu ấn Nam Định mà còn có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ con em quê hương đang làm nhiệm vụ bảo vệ. Có người mới đây thôi đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chung sức bảo vệ, xây dựng Trường Sa, đất liền Nam Định đã và đang có nhiều hành động thiết thực…
Đến Trường Sa, bên cạnh nhiều công trình văn hoá, dân sinh được Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương trong đất liền xây tặng, có một công trình rất bề thế là Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. Đây là một trong những món quà nhiều ý nghĩa của Đảng bộ, nhân dân, các LLVT tỉnh Nam Định vừa dành tặng quân dân huyện đảo…
Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cùng đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân cắt băng khánh thành Tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây (Trường Sa). Ảnh: Duy Khoa |
Với mong muốn thông qua hình tượng Trần Hưng Đạo tiếp thêm ý chí, sức mạnh, khí phách và hào khí dân tộc cho quân và dân Trường Sa, làm điểm tựa tinh thần để quân dân nơi đây luôn vững vàng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Tổ quốc, chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định dành khoản kinh phí 6,4 tỷ đồng xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tặng quân dân huyện đảo Trường Sa. Công trình được khởi công tháng 4-2011 tại đảo Song Tử Tây trong chuyến thăm đầu tiên của đoàn đại biểu tỉnh Nam Định tới thăm huyện đảo. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 600m2, đặt tại sườn phía đông đảo Song Tử Tây. Thân tượng cao 5,88m, bệ tượng cao 5,16m, tổng chiều cao là 11,04m. Tượng được đúc bằng đá khối Thanh Hoá theo mẫu tượng Trần Hưng Đạo đặt tại trung tâm Quảng trường 3-2, Thành phố Nam Định. Trước bệ tượng có một lư hương bằng đá nguyên khối chạm khắc vân mây truyền thống. Bệ tượng được ốp bằng đá Granit màu đen, lõi được đổ bằng bê-tông cốt thép. Quanh tượng có nhiều cây phong ba, cây bàng vuông, loại cây có sức sống mãnh liệt trên đảo, tạo cho công trình vừa uy nghi vừa hài hoà trước sóng gió đại dương…
Sáng ngày 6-5-2012, lễ khánh thành Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây đã được tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức trang trọng. Trước đó, đêm ngày 5-5, các đại đức Thích Thanh Thuỵ, Thích Thanh Quang, Thích Thanh Việt và sư bác Thích Thanh Chử thuộc Hội Phật giáo tỉnh đã cử hành lễ an vị tượng theo nghi thức của Phật giáo. Dự lễ khánh thành có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Uỷ viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; đông đủ thành viên các đoàn công tác và quân dân xã đảo Song Tử Tây. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc dựng Tượng Trần Hưng Đạo ở Trường Sa. Sự anh minh, dũng khí của Đức Thánh Trần sẽ là điểm tựa, là nguồn động viên to lớn đối với quân dân huyện đảo. Trong phát biểu của mình, đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, đại diện cho Quân chủng Hải quân đánh giá công trình Tượng đài Trần Hưng Đạo, món quà của tỉnh Nam Định không chỉ mang ý nghĩa về văn hoá, tâm linh mà còn mang ý nghĩa về chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây kiêm chủ tịch UBND xã đảo, cũng là một người con quê hương Nam Định xúc động “Có Tượng đài Trần Hưng Đạo ở bên, quân dân Trường Sa nói chung, xã đảo Song Tử Tây nói riêng được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, vững vàng hơn trước mọi khó khăn, gian khó. Ngay tại buổi lễ trang trọng này, đồng chí Đoàn Hồng Phong thay mặt Đảng bộ, nhân dân, các LLVT tỉnh Nam Định đã trao tặng quân dân huyện đảo Trường Sa số tiền 1 tỷ đồng từ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, thiết thực chia sẻ với những khó khăn của quân dân huyện đảo. Ngoài ra, trong chuyến thăm này, đoàn đại biểu của tỉnh đã lần lượt tới thăm, động viên, tặng số quà trị giá gần 300 triệu đồng cho quân dân trên các đảo nổi Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn; các đảo chìm Đá Nam, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát và Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc…
Một góc đảo Song Tử Tây. Ảnh: Internet |
Ngoài công trình Tượng đài Trần Hưng Đạo, “dấu ấn” Nam Định ở Trường Sa còn rất đậm nét, sinh động qua việc hơn 140 cán bộ, chiến sỹ hải quân con em quê hương đang làm nhiệm vụ bảo vệ trên quần đảo. Thượng tá Vũ Văn Thư, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146, tức Lữ đoàn Trường Sa cho biết, Nam Định là một trong những địa phương hiện có nhiều con em đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đến đảo, nhà giàn nào, đoàn cũng tổ chức gặp mặt, tặng quà con em quê hương. Những buổi gặp mặt này bao giờ cũng tràn đầy cảm xúc. Đêm ấy, ngủ lại phòng của thiếu úy Phạm Quốc Phương trên đảo Nam Yết, tôi mới cảm nhận được hết những khó khăn, những thiệt thòi của lính đảo. Phương quê ở xóm 9, xã Xuân Thành (Xuân Trường). Trước khi ở đảo Nam Yết, Phương đã có một năm ở đảo Sơn Ca. Tối ấy Phương và anh em trong phòng đãi tôi bữa cơm chỉ có lỏng chỏng một tô canh và món thịt hộp. Chuyện riêng của Phương mới cảm động. Trước khi cưới, Phương và cô giáo Nguyễn Thị Hà, hiện là giáo viên dạy văn ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Xuân Trường yêu nhau đã lâu nhưng phải sau 2 lần lỡ hẹn, đến lần thứ 3 đám cưới của hai người mới được tổ chức. Lần thứ nhất chuẩn bị cưới thì bà của người yêu mất, lần thứ hai chuẩn bị cưới thì Phương nhận được quyết định ra Trường Sa công tác. Tết 2012 vừa qua, nhận quyết định được về nghỉ phép, Phương mừng rơi nước mắt. Tận dụng cơ hội này, đôi trẻ và hai bên gia đình “quyết tâm”… phải cưới bằng được. Thời gian quá eo hẹp nên sáng 28 Tết, Phương vừa về đến nhà thì Hà đã đợi sẵn để ra xã đăng ký kết hôn, đi chụp ảnh cưới và mời bạn bè. Mùng 6 Tết lễ cưới được tổ chức. Để rồi, cưới xong được ít ngày Phương lại tất tả trở lại đảo làm nhiệm vụ và… biền biệt từ đó đến nay. May hơn Phương, thiếu uý Trần Văn Chương, người làng Nho Lâm, xã Bình Minh (Nam Trực), hiện công tác tại đảo Sinh Tồn, trước khi ra đảo đã kịp cùng vợ đón cậu con trai chào đời. Nhưng cũng giống Phương, quấn quýt bên vợ con được ít ngày Chương lại phải trở ra đảo. Gặp nhau trên đảo, Chương chìa cho tôi xem chiếc điện thoại, “ở trong ấy” có hình thằng cu Quân giờ đã được hơn một tuổi đang nhảy tưng tưng trên giường. Chương bảo, để đỡ nhớ con, hằng tháng vợ anh đều chụp một tấm hình của con rồi gửi qua mạng internet. Ở ngoài đảo Chương tải xuống, cóp vào điện thoại để thỉnh thoảng mở ra xem.
Không chỉ thiếu thốn tình cảm, điều kiện sinh hoạt khó khăn, hằng ngày các chiến sỹ trên đảo còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, một số người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đến các đảo nổi ở Trường Sa chúng tôi đều thấy có những nghĩa trang liệt sỹ mi ni. Nhìn bia mộ thấy nhiều người hy sinh khi còn rất trẻ, thời gian hy sinh cũng chưa lâu, chỉ cách đây một, hai năm, có người chỉ cách vài tháng. Có rất nhiều lý do để chiến sỹ trên các đảo ở Trường Sa hôm nay vẫn phải ngã xuống nhưng tất cả đều trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Trường Sa đang ngày càng có nhiều công trình xã hội, dân sinh mọc lên. Những năm qua, Trường Sa đã giang tay đón nhiều lao động từ đất liền ra xây dựng các công trình. Trong số đó có nhiều người là con em quê hương Nam Định. Tìm đến công trường xây dựng Nhà văn hoá trung tâm đảo Nam Yết, chúng tôi gặp mấy chục công nhân đồng hương. Anh em đến từ nhiều huyện, xã trong tỉnh nhưng đông nhất là người làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Bác thợ cả Đỗ Ngọc Quyển, một người làng Bỉnh Di da đen nhẻm, nhìn vạm vỡ, rắn chắc như những hòn đá ở Trường Sa. Vừa hồ hởi pha trà đón khách, bác vừa rối rít gọi anh em đến… gặp đồng hương. Phút chốc tôi đã lọt thỏm giữa cả chục anh em công nhân. Chuyện làng, chuyện tỉnh, chuyện đảo vui như pháo nổ. Bác Quyển “khoe”, năm nay 55 tuổi nhưng đã có tới 19 năm làm thợ xây trên các đảo ở Trường Sa. Đảo nào là đảo nổi, đảo nào là đảo chìm, diện tích rộng bao nhiêu, đảo nào có nước lợ, đảo nào không, có loại cây gì đặc biệt… bác kể cứ vanh vách. Bác tâm sự, xa nhà, ở giữa biển khơi, thiếu thốn tình cảm nên anh em công nhân thương yêu nhau lắm, luôn giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc. Không chỉ chấp hành kỷ luật lao động, mọi người còn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trên đảo. Trong câu chuyện, bác Quyển và anh em công nhân kể nhiều và rất tự hào về Thiếu tướng Hoàng Kiền, người làng Bỉnh Di quê bác. Thiếu tướng Hoàng Kiền nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh Hải quân, từng trực tiếp chỉ huy xây dựng nhiều công trình quốc phòng, dân sinh trên các đảo ở Trường Sa. Từ hàng chục năm trước, theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, nhiều trai làng Bỉnh Di đã vượt sóng ra Trường Sa làm việc tại các công trình xây dựng. Nhiều người như bác Quyển gắn bó với Trường Sa cho đến tận hôm nay. Nhiều công trình quốc phòng, dân sinh đang hiện hữu ở Trường Sa hôm nay do bàn tay của những người thợ Bỉnh Di làm nên./.
(còn nữa)
Trần Duy Hưng