Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, những đợt nắng nóng trong mùa hè với nhiệt độ lên tới trên 40 độ đã xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nói chung, người lao động (NLĐ) nói riêng. Mới chớm nóng những ngày đầu mùa hè nhưng đến làng nghề đúc nhôm ở làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực), điều dễ dàng nhận thấy là không khí hầm hập ở các nhà xưởng. Nhiệt độ lò nấu, tôi tẩy sản phẩm, nguyên liệu… tới cả nghìn độ tỏa ra khu vực xung quanh. Công nhân làm việc đứng xung quanh hầu như không có trang bị bảo hộ chống nhiệt... Còn tại một cơ sở may tư nhân ở Thành phố Nam Định, chị Hoa, công nhân đang ngồi may cho biết, do xưởng may lợp bằng mái tôn, thấp, diện tích hẹp, các dãy máy kê sát nhau nên trong những ngày trời nóng, không khí trong xưởng vô cùng ngột ngạt. Vào các buổi chiều hè nắng nóng, hơi nóng tích tụ trong xưởng thì bật quạt chỉ phả thêm hơi nóng hầm hập vào người. Nhiều khi cơ sở bố trí làm muộn hơn để tránh nắng nóng, nhưng vẫn rất mệt mỏi, đi làm về không còn muốn ăn cơm…
Xưởng may của Cty CP Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chật chội, không bảo đảm thoáng mát trong mùa nóng. |
Theo các nhà chuyên môn, việc NLĐ làm việc thường xuyên trong môi trường nhiệt độ cao, cơ thể mất nước nhiều không được bổ sung kịp thời, đúng cách sẽ gây những hậu quả khó lường về sức khỏe. Thực trạng này có thể thấy ở nhiều làng nghề khác như Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực), làng đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên)… Tại một doanh nghiệp may ở ngay chân cầu Cổ Lễ (Trực Ninh), nhà xưởng chật chội, thấp, sản phẩm la liệt, không gian ngột ngạt; bụi bông bám khắp nơi. Không bật quạt thì nóng, bật quạt thì không khí đầy bụi bông mà những khẩu trang sơ sài công nhân được trang bị cũng không thể ngăn được. Đây không chỉ là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, mà còn gây nên các bệnh nghề nghiệp về đường hô hấp cho NLĐ. Đối với công nhân trong ngành xây dựng, môi trường làm việc chủ yếu ngoài trời, trong mùa nắng nóng thường bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe NLĐ. Không gian làm việc tại các công trình đầy nguyên vật liệu gạch, cát, đá, bê tông, đều là những vật hấp thụ nhiệt cao, thời gian tỏa nhiệt lâu, nên dù giãn thời gian làm việc buổi sáng nghỉ sớm hơn và buổi chiều làm muộn hơn thì công nhân vẫn phải lao động trong điều kiện nhiệt độ cao.
Chăm lo bảo vệ sức khỏe NLĐ là trách nhiệm của người sử dụng lao động đã được pháp luật về lao động quy định. Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH, công đoàn các cấp đều tổ chức kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chấp hành pháp luật về lao động, trong đó có các nội dung bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Thông qua các phong trào thi đua lao động sáng tạo, nhiều giải pháp, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc đã được ứng dụng. Các chế độ bảo hộ lao động từ trang thiết bị bảo hộ, chế độ bồi dưỡng, chống nóng, chống độc cho công nhân làm việc trong môi trường độc hại, đặc thù đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Phong trào “Xanh, sạch, đẹp” với việc bảo đảm vệ sinh công nghiệp nơi làm việc, trồng cây xanh tạo bóng mát, cải thiện không gian làm việc và nghỉ ngơi cho công nhân đã được cả chủ sử dụng lao động và NLĐ quan tâm, tham gia tích cực. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy chỉ các doanh nghiệp trong các khu, CCN, doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi cổ phần hóa, một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có tổ chức công đoàn cơ sở là chú trọng đến các nội dung này. Còn nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa quan tâm chăm lo cho NLĐ. NLĐ do không nắm được quyền lợi của mình, lại có nhu cầu cần việc làm nên không dám đòi hỏi, thậm chí nhiều người còn có tâm lý, thái độ chủ quan trong quá trình lao động. Nhiều công nhân bị ốm trong khi làm việc do các yếu tố từ môi trường lao động như bị say nắng, đau đầu, choáng váng, suy nhược nhưng thường tự chữa và coi như chuyện thông thường, được chủ sử dụng lao động hỗ trợ bằng tiền, hiện vật, cho nghỉ chữa bệnh nên không lên tiếng yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Thực trạng này cần được các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp điều chỉnh hữu hiệu. Mặt khác các chủ sử dụng lao động cũng cần quan tâm bảo vệ sức khỏe cho công nhân, nguồn lực sống còn của doanh nghiệp, vì tính chất nhân văn và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Vân Anh