Phần lớn học sinh, sinh viên (HS, SV) các trường học trên cả nước đã kết thúc năm học 2011-2012, bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Thời gian nghỉ hè HS, SV ít chịu sự quản lý của nhà trường, cho nên tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra phức tạp.
Tình trạng thường thấy là HS, SV điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, vượt đèn đỏ, tụ tập đông xe gắn máy dưới lòng đường; tâm lý "xả hơi" quá đà sau một năm học tập hoặc sau các kỳ thi...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Nắm bắt thực trạng vi phạm an toàn giao thông của HS, SV trong các kỳ nghỉ hè, ngay trong năm học, ngành GD và ĐT đã triển khai nội dung giáo dục pháp luật khi tham gia giao thông, ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong HS, SV; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm... Giao cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát hằng ngày đối với HS. Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học... Mặt khác, các trường cần triển khai, nắm bắt tình hình thực hiện các quy định về an toàn giao thông của HS, SV để có sự phối hợp kịp thời với các ban, ngành, địa phương trong việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm. Thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp HS, SV vi phạm Luật Giao thông bị các cơ quan chức năng xử lý thông báo về nhà trường; đồng thời nhà trường thông báo cho các cơ quan chức năng về quyết định xử lý của mình.
Để bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho HS, SV trong dịp hè, các cơ sở GD và ĐT cần phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên các địa bàn dân cư nơi cư trú, tổ chức cho HS tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi bổ ích, lý thú. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục HS trong kỳ nghỉ hè. Kinh nghiệm cho thấy, căn cứ vào thực tế và nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, nhà trường phối hợp các đơn vị, tổ chức các câu lạc bộ vui chơi, tuyên truyền về ý thức chấp hành Luật Giao thông sẽ vừa tạo sân chơi bổ ích, vừa nâng cao hiểu biết cho HS, SV về an toàn giao thông. Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cần quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia hỗ trợ các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong các kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Các bậc phụ huynh cần phối hợp nhà trường và chính quyền địa phương trong việc giáo dục HS, SV chấp hành Luật Giao thông, không giao xe máy cho HS khi chưa có giấy phép lái xe; giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi... Có như vậy mới thực hiện tốt các vấn đề về bảo đảm an toàn giao thông liên quan đến HS, SV trong kỳ nghỉ hè./.
Theo: nhandan.com.vn