Xe đạp điện, du ký

03:05, 04/05/2012

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta chưa có một số liệu thống kê chính xác có khoảng bao nhiêu số xe đạp điện đang lưu hành. Nhưng hình ảnh về những chiếc xe đạp điện ngày càng trở nên quen thuộc và “đông đúc” hơn trong thành phố. Đối tượng sử dụng đa phần là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên khi tham gia giao thông với xe đạp điện, các “teen” này đang làm mất đi hình ảnh “thân thiện” của thứ phương tiện “không khói” này. Và đằng sau nó còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rình rập.

“Thời” của xe đạp điện với học sinh sinh viên

Dạo qua một loạt cửa hàng bán xe đạp điện trong phố để “khảo giá” thì mức giá chung cho loại xe này dao động trong khoảng 7-17 triệu đồng. Như vậy so với một chiếc xe máy thông thường thì xe đạp điện có giá cả tương đối dễ mua. Mua một chiếc tầm tầm vào khoảng 10-12 triệu đồng.  Một chiếc xe đạp điện sử dụng ba bình ắc quy (loại 12V/12Ah) sau vài giờ nạp điện có thể chạy liên tục được 30km. Trước tình hình giá xăng tăng thì việc lựa chọn xe đạp điện lại càng sốt hơn bao giờ hết. Ngoài ra, xe đạp điện lại dễ đi và gọn nhẹ, không nặng nề như xe máy và không phải mất sức như khi đi xe đạp. Hơn nữa sử dụng xe đạp điện không có tiếng ồn của động cơ, không xả khói gây ô nhiễm và chi phí cho “nhiên liệu” - lượng điện tiêu thụ rất thấp. Người sử dụng xe đạp điện không vấp phải các điều kiện như phải có bằng lái, không phải đăng ký… Đối với phần lớn học sinh chưa đến tuổi đi xe máy thì việc lựa chọn xe đạp điện không những mang lại lợi ích về kinh tế, về chi phí mà còn mang lại lợi ích về sự tiện lợi. Anh Nguyễn Văn Thông nhà ở phường Lộc Vượng có con gái học lớp 11 cho biết: “Năm cháu học lớp 9, lớp 10 tôi còn có thể đưa đón cháu vào các buổi đêm nhưng giờ tôi đổi giờ đi làm ca với lại càng lên lớp trên cháu phải học thêm càng nhiều nên gia đình tôi quyết định sắm cho cháu xe đạp điện để tiện cho việc đi lại học hành của cháu”. Nhiều gia đình trong thành phố có con đi học cùng đồng quan điểm với anh Thông. Chính vì vậy “cơ hội” để có một chiếc xe đạp điện với học sinh sinh viên hiện nay là rất “rộng mở”. Quan sát tại cổng nhiều trường THPT không khó để phát hiện ra “sự vượt trội” của nhiều xe đạp điện bởi kiểu dáng, màu sắc. Nguyễn Văn Linh, học sinh trường Ngô Quyền cho biết “em thích con xe này vì nó rất tiện lợi cho việc đi học của em, nhà em cũng khá xa trường vì vậy sử dụng con xe này đến trường thấy hợp lý được giờ giấc. Hơn nữa kiểu dáng nó cũng đẹp, màu sắc bắt mắt mà lại nhẹ. Trong lớp em nhiều bạn cũng được mua xe đạp điện đi học rồi”.

Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ là hình ảnh thường thấy của học sinh đi xe đạp điện.
Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ là hình ảnh thường thấy của học sinh đi xe đạp điện.

Lợi - hại song hành

Tốc độ của đa số xe đạp điện hiện nay tối đa là 35km/h, như vậy gần tương đương với tốc độ cho phép xe máy lưu thông trong đô thị. Tuy nhiên với cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, ít người “dám” đi 40km/h trong phố bằng xe máy. Tốc độ tối đa cho phép của xe đạp điện không hẳn là cao nhưng nhiều “chủ nhân” học sinh sinh viên “cưỡi” trên xe đạp điện đang “lướt” vù vù trong phố. Để tỏ ra sành điệu, một số còn vừa đi vừa nhắn tin, lướt đọc truyện tranh và bắt chân chữ ngũ trên khung xe, đi xe một tay… Trong lần đi thực tế về xe đạp điện, tôi cùng với một người bạn không ít lần phải “tăng ga” để theo kịp hai nam sinh đèo nhau trên chiếc xe đạp điện đen bóng lạng lách qua nhiều con đường. Sau khoảng 7 phút “đuổi bắt” chiếc xe mất hút sau một ngã tư và trên quãng đường đó chúng tôi chưa mấy khi có thể vượt lên “dẫn đường”.

Một trong những hình ảnh cũng “khá” quen mắt trên những chiếc xe đạp điện là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội đối phó, hoặc không cài dây mũ bảo hiểm của học sinh khi sử dụng phương tiện này. Ngã tư Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Du lúc 5h chiều, cùng với giờ tan học của nhiều trường phổ thông, các tốp học sinh dàn hàng đi song song nhau lấn sang cả phần đường dành cho làn bên cạnh. Nhiều nam, nữ học sinh di chuyển trên xe đạp điện không đội mũ hoặc dừng ở ngã tư vội vàng đội mũ vào, chờ hết tín hiệu đèn đỏ qua bốt công an rồi lại “bỏ xuống”. Một học sinh nam liều lĩnh “lái” xe lượn điệu nghệ khi tín hiệu đèn đỏ vẫn chưa kết thúc. Cùng lúc hai xe đạp điện, một xe máy “sóng ba” hiên ngang đi trên phố… Ẩn họa tai nạn giao thông từ cách tham gia của phương tiện này quả là không lường. Chị Phan Thị Lê Anh, đường Bái - Lộc Vượng vẫn còn cảm giác lo sợ khi nhớ lại lần chị bị ngã chỏng chơ trầy sướt hết đầu gối chỉ vì cái xe đạp điện. Chị kể: “Tôi hay phải đi làm đêm, hết ca làm đã là chín giờ tối, khi về nhà tôi sợ nhất là “đụng” phải xe đạp điện. Xe đạp điện có còi nhưng ít khi được người sử dụng “bấm”, xe lại không phát ra tiếng động như xe máy nên rất khó phát hiện “nó” đang đi cạnh mình. Tối hôm đó, tôi vừa đi vừa mải nghĩ đến tiền hàng của cửa hàng hơi lơ đãng một chút. Bất thần từ phía sau, một chiếc xe đạp điện của hai đứa choai choai phóng qua trước mắt rồi rẽ ngang trước đầu xe tôi vào trong ngõ. Tôi phanh gấp, xe máy của tôi dùng phanh đĩa, cứ thế tôi ngã quay ra, chân đau tập tễnh suốt một tuần”. Chị Anh chỉ là một trong những trường hợp không hiếm hoi của những người không may bị “vạ” với xe đạp điện. Anh Lê Đức Thành đường Trần Đăng Ninh thì kể “hằng ngày tôi phải đi đón con vào lúc 4h30 chiều nhưng hôm đó do có việc mãi 5h tôi mới tất tả từ chỗ làm về. Đường phố đông đúc vì là giờ tan trường của học sinh. Tôi bấm còi xin đường, nhiều tốp học sinh đang dàn hàng nhưng mãi vẫn chưa vượt lên được. Đang bị “kèm” giữa các tốp học sinh thì từ phía sau một “con” xe đạp điện chở một trai một gái đánh võng phóng vọt lên. Tôi chỉ kịp đánh tay lái về một phía và va chạm nhẹ với những học sinh đang đi bên cạnh. Không hiểu sao mấy đứa trẻ đi xe đạp điện lại phải vội vàng như thế”.

Hai trường hợp kể trên là “gặp họa” vì xe đạp điện, chưa kể những trường hợp xe đạp điện tự “rước” họa vào mình. Với tình trạng lạng lách, đánh võng của nhiều học sinh nam, đi dàn hàng ngang ở đường, đội mũ bảo hiểm không đúng quy định hoặc không đội, những chủ nhân này dễ “rước” họa vào người khi gặp các tình huống giao thông bất ngờ mà không kịp xử lý. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi bổ sung năm 2009), những người đi xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng hằng ngày, trên các tuyến đường trong thành phố, hình ảnh không khó để bắt gặp là những thanh thiếu niên ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Điều đáng buồn là trong số thanh thiếu niên đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hầu hết là học sinh, sinh viên, bất chấp những cảnh báo về an toàn giao thông và các quy định liên quan. Đã có nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng CSGT xử lý, song không phải cứ bị xử lý là “bớt” được tình trạng này. Việc quản lý học sinh, sinh viên đi xe đạp điện không chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT, của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường học chưa thực sự vào cuộc, nhiều bậc phụ huynh chưa nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh thực hiện quy định này. Và vì vậy sẽ còn tiềm tàng nhiều những nguy hiểm đang ẩn giấu đằng sau tay lái của những xe đạp điện. Nên chăng, đã đến lúc cần có một hình phạt mang tính răn đe hơn và những giải pháp đồng bộ, nhà trường - gia đình - học sinh để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người sử dụng phương tiện vốn được tiếng “thân thiện” này./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com