LTS: Trong các ngày từ 28-4 đến 16-5-2012, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng 22 thành viên đại diện cho Đảng bộ, nhân dân và các LLVT trong tỉnh đã tới thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà), phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là lần thứ 2 tỉnh ta tổ chức đoàn ra thăm Trường Sa. Tham gia đoàn, phóng viên Báo Nam Định có loạt bài phản ánh chuyến đi nhiều ý nghĩa này.
I - Phía trước là Trường Sa
Trường Sa, hai tiếng thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam, là một quần đảo nằm giữa biển Đông, gồm 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 160.000-180.000km2. Trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh (Khánh Hoà) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý (một hải lý bằng 1.852m). Trường Sa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, vùng lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó với nhiều âm mưu, hành động ngang ngược nhằm thôn tính quần đảo có vị trí chiến lược trên biển Đông này. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, quân và dân trên quần đảo vẫn đang phải vật lộn, chống chọi với hiểm nguy từ nhiều phía để vừa bảo vệ vừa xây dựng quần đảo. Bảo vệ, giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa vì vậy là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng vô cùng gian khó, cần sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, nhất là không thể thiếu sự quan tâm, ủng hộ từ hậu phương đất liền…
Với tinh thần “Cả nước hướng về Trường Sa”, sau chuyến đi năm 2011, tháng 5 này đoàn đại biểu của tỉnh tiếp tục ra thăm quân, dân huyện đảo với mong muốn mang thêm được nhiều tình cảm, hơi ấm từ đất liền đến với Trường Sa. Vượt qua hơn 1.700km đường bộ bằng ô tô, sáng ngày 3-5, Đoàn có mặt tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) để bắt đầu cho chuyến hải trình. Cùng ra thăm Trường Sa với đoàn dịp này còn có đoàn đại biểu của các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, đoàn đại biểu Quân chủng Phòng không Không quân. Đặc biệt, hơn 80 cán bộ, hội viên Hội LHPN Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước cùng tham gia hải trình, mang theo những tình cảm thân thương của những người mẹ, người vợ, người chị, người em gái từ đất liền đến với những cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo tiền tiêu.
Tàu HQ 571 đưa đoàn công tác của tỉnh ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà). |
Để đến được với Trường Sa phải vượt qua hải trình dài hàng trăm hải lý và thường trong điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt. Nhưng chiều hôm trước, khi nghe đại diện Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân phổ biến kế hoạch, công tác chuẩn bị cho chuyến đi, toàn đoàn thấy vững tâm vì sự công phu, chu đáo, tỷ mỷ của đơn vị tổ chức, nhất là khi đại tá Nguyễn Văn Bình, Phó Chính uỷ Vùng 4 hải quân bật mí đoàn ra Trường Sa lần này đúng vào thời điểm “sóng yên biển lặng” nhất trong năm. Ông còn cho biết Vùng 4 hải quân đã bố trí Tàu Trường Sa số hiệu HQ 571, tàu khách hải quân hiện đại nhất hiện nay mới được đơn vị tiếp quản trong tháng ba để phục vụ việc đưa đón. Sớm ngày 3-5, đặt chân đến cảng Cát Lái, ai nấy đều ngỡ ngàng trước không khí nhộn nhịp trên bến cảng. Dưới sông tàu thuyền xuôi ngược. Trên bờ hàng loạt chiếc cần cẩu giống như những cánh tay khổng lồ vươn lên trời xanh nhẹ nhàng, chính xác đón nhận những chiếc công-ten-nơ hàng hoá từ những con tàu vừa cập bến. Ngay phía sau cầu cảng sừng sững, Sở Chỉ huy Lữ đoàn 125 Hải quân Anh hùng, tiền thân của Đoàn tàu không số huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nhưng ấn tượng hơn cả là sự hiện đại, đồ sộ của con tàu HQ 571. Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu, Chỉ huy tàu HQ 571 hồ hởi giới thiệu, tàu dài tới 71 mét, rộng 13,2 mét, lượng chiếm nước đầy tải 2.050 tấn, vận tốc tối đa 16 hải lý/giờ, tầm hoạt động 25.000 hải lý, có thể hoạt động liên tục trên biển tới 40 ngày đêm. Tàu có khả năng bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cùng lúc cho hàng trăm người như trên đất liền, phòng ở có máy điều hoà nhiệt độ, có phòng ăn tập thể, có phòng tắm nóng lạnh, có câu lạc bộ để hội họp, xem truyền hình, boong tàu rộng cả trăm m2 đủ để phục vụ các sinh hoạt tập thể cho hàng trăm người… Càng ngạc nhiên hơn khi biết con tàu hiện đại, tiện nghi này hoàn toàn là sản phẩm “made in Vietnam”, trong đó Viện Khoa học và Công nghệ tàu thuỷ Việt Nam đảm trách khâu thiết kế; nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đảm trách phần thi công. Đây là lần thứ 3 tàu thực hiện nhiệm vụ đưa đoàn từ đất liền ra thăm Trường Sa. Hai chuyến trước tàu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy một con tàu hải quân hiện đại, to đẹp, lại do chính Việt Nam sản xuất ai cũng háo hức. Tranh thủ khoảng thời gian trước giờ xuất phát, mọi người chạy ngược, chạy xuôi nhìn ngắm con tàu, những chiếc máy ảnh cá nhân hoạt động hết công suất để ghi lại những tấm hình làm kỷ niệm. Các phóng viên đi theo đoàn cũng không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng tác nghiệp ghi lại những thước phim, tấm hình đầu tiên về chuyến hải trình.
Trong khi mọi người đang hồ hởi, háo hức với không khí tấp nập của cảng Cát Lái, với tàu HQ 571 chúng tôi để ý thấy một sỹ quan Hải quân cần mẫn hướng dẫn các thành viên trong đoàn hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi lên tàu. Hỏi chuyện mới biết anh là Nguyễn Văn Lưu, cấp bậc Trung tá, Chính trị viên tàu HQ 571. Biết chúng tôi ở đoàn Nam Định, anh nói mà như reo: “Đồng hương!”. Rồi anh kể, quê anh ở xã Hải Lý, Hải Hậu, hiện gia đình anh ở Cam Ranh (Khánh Hoà) nhưng bố mẹ, anh chị em vẫn ở quê. Đầu năm ra Bắc làm nhiệm vụ tiếp quản tàu HQ 571 anh tranh thủ được mấy lần về thăm quê. Anh tự hào, đi nhiều nhưng không thấy ở đâu nông thôn đẹp và trù phú như Hải Hậu quê anh. Về quê, được đi trên quốc lộ 21 khang trang, hiện đại mới được Trung ương và tỉnh đầu tư mở rộng, nâng cấp anh rất mừng. Từ khi quốc lộ 21 được nâng cấp, thời gian đi từ Thành phố Nam Định về Hải Lý quê anh ngắn lại nhiều lần, xoá được biệt danh “vùng xa vùng sâu” của tỉnh. Những ký ức đẹp về quê hương Nam Định ấy, Trung tá hải quân Nguyễn Văn Lưu tâm sự, anh luôn trân trọng và mang theo trong suốt những chuyến hành trình xuyên đại dương…
Đúng 8h sáng, lễ tiễn đoàn được Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân tổ chức ngắn gọn nhưng trang trọng theo nghi thức quân đội. Sau ba hồi còi kéo dài, tàu HQ 571 chính thức nhổ neo, khởi hành đưa đoàn đến với Trường Sa. Tàu nhẹ nhàng lướt sóng trên sông Đồng Nai, mọi người cùng ùa lên boong ngắm cảnh. Từ trên boong nhìn về Thành phố Hồ Chí Minh thấy thành phố tràn đầy sức trẻ với san sát những toà nhà cao chọc trời, những cây cầu vượt sông hiện đại, những khu đô thị sầm uất. 37 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn tới tầm một đô thị văn minh, hiện đại tầm cỡ châu lục. Tàu lần lượt qua ngã ba sông Sài Gòn, qua bạt ngàn màu xanh của rừng đước Cần Giờ, năm xưa là địa bàn hoạt động của đặc công rừng Sác huyền thoại. Đến giữa trưa, tàu vượt cửa biển Vũng Tàu, rời đất liền, hoà mình vào đại dương trong hải trình đến với Trường Sa. Sau những giờ đầu bỡ ngỡ, 206 thành viên từ nhiều vùng miền của đất nước đã kịp làm quen rồi nhanh chóng hoà mình vào các hoạt động tập thể trên tàu. Theo quy định mọi hoạt động trên tàu HQ 571 đều được thực hiện theo chế độ quân sự. Việc ăn uống, sinh hoạt của đoàn được cán bộ, chiến sỹ trên tàu phục vụ, nói như nhiều người là “không thể tận tình, chu đáo hơn” với mỗi ngày 4 bữa ăn có đầy đủ thực phẩm và rau xanh. Riêng những thành viên nữ được tổ phục vụ ưu tiên mang cơm đến tận phòng ở. Vui nhất là khi màn đêm buông xuống, toàn đoàn tập trung lên boong hát múa, giao lưu văn nghệ. Giữa đại dương mênh mông, gió trăng hoà quyện, mọi người cùng hát vang những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi biển đảo và người lính. Những chị ở miền Nam góp vui bằng những câu vọng cổ ngọt lịm, những diễn viên đến từ tỉnh Thái Bình “chiêu đãi” toàn đoàn những làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng. Ban tổ chức đã thật khéo khi chọn chị Triệu Tình đến từ Hà Giang, tỉnh cực Bắc và chị Huỳnh Thư đến từ Cà Mau, tỉnh cực Nam Tổ quốc làm người dẫn chương trình, gợi lên hình ảnh Bắc Nam hội tụ, một lòng hướng về Trường Sa. Từ sáng kiến của một thành viên, ngay ngày đầu tiên của hải trình, đoàn đã phát động các thành viên, trừ các phóng viên tham gia cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa” và cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Trường Sa”. Việc xét và trao giải sẽ được thực hiện trước khi hải trình kết thúc. Phóng viên Báo Nam Định và phóng viên Đài PT-TH Nam Định đi theo đoàn vinh dự được mời tham gia ban giám khảo. Sau mỗi đêm giao lưu đầy tràn xúc cảm, toàn tàu, trừ tổ lái lại chìm sâu vào giấc ngủ trong tiếng sóng vỗ về của đại dương…
Phía trước, Trường Sa đang vẫy gọi!
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Trần Duy Hưng