Thành phố Nam Định hiện có gần 7 vạn trẻ em, chiếm 28% dân số. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2020, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các phường, xã tập trung rà soát thực trạng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn theo các tiêu chí xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, tiếp tục tổ chức thực hiện các tiêu chí chưa đạt, bảo đảm 100% trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT theo quy định, không để trẻ em phải lang thang kiếm sống, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em phải làm việc sớm, làm việc xa gia đình, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm độc hại. Để giúp các em và gia đình chủ động phòng ngừa nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thanh thiếu niên, phối hợp triển khai chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, ma túy và các tai, tệ nạn trong nhà trường. Công an các phường, xã phối hợp với các đoàn thể và các trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm quản lý giáo dục con em nhằm giảm tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật. Để phòng ngừa nguy cơ trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục và bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trang bị các kỹ năng sống cho các em được các trường THCS, THPT, Đoàn Thanh niên các phường, xã chú trọng. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu phổ biến pháp luật quốc tế và trong nước về bảo vệ quyền trẻ em, các nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với trẻ em, trẻ em bị xâm hại; các biện pháp, kỹ năng giúp các em tự phòng ngừa; cung cấp cho các em địa chỉ, đường dây nóng để các em có thể tìm đến và được bảo vệ khi bị ngược đãi, xâm hại...
Trẻ em Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định) trong giờ vui chơi ngoài trời. Ảnh: CTV |
Bên cạnh các hoạt động đã triển khai, công tác bảo vệ, phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em ở Thành phố Nam Định vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tạo những sân chơi bổ ích cho các em tham gia để không bị lôi kéo vào các tai tệ nạn xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thành phố hiện có 150 điểm vui chơi dành cho trẻ em nhưng các hoạt động chưa phong phú, phù hợp với nhiều độ tuổi trong trẻ em. Đặc biệt việc ngăn chặn các tác động xấu từ các thông tin tiêu cực của internet đối với các em vẫn chưa có giải pháp hiệu quả. Nhiều gia đình thiếu quan tâm, hoặc không có biện pháp đúng trong quản lý con em dẫn đến tình trạng “nghiện nét”, nghiện game ở một bộ phận trẻ em... Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt với việc xây dựng 5 mô hình trên toàn tỉnh, trong đó có “Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” triển khai tại Thành phố Nam Định và huyện Nghĩa Hưng. Mô hình được xây dựng với mục tiêu thông qua các hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho phụ nữ trong các gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, gia đình nghèo; tư vấn, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, y tế, văn hóa, dạy nghề cho các trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo lực; tổ chức truyền thông, tư vấn cho cán bộ thôn, xóm, chủ gia đình có trẻ em; hỗ trợ xây dựng điểm tư vấn về bảo vệ trẻ em ở các xã làm điểm; hỗ trợ trực tiếp cho các cháu bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực… sẽ giúp nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực. Trước mắt, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2012, thành phố sẽ tổ chức hai đợt tuyên truyền sâu rộng từ giữa tháng 5 đến tháng 6 về các nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em: tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại tình dục, bạo lực; phổ biến Thông tư số 23/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB và XH quy định về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em…
Vân Anh