Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động

08:05, 16/05/2012

Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động của tỉnh ta chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Đài Loan. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp xuất khẩu lao động về làm việc tại địa phương khá ít, hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thông tin của Sở LĐ-TB và XH, trong số 563 lao động của tỉnh ta đã đỗ trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn tổ chức cuối năm 2011, có 550 người đã làm hồ sơ, đến nay mới có 96 người được đi học định hướng, trong đó có 6 người đã xuất cảnh để làm việc.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người lao động bỏ trốn ở lại vào thời điểm gần hết hạn hợp đồng lao động, nhất là ở các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Người lao động (NLĐ) bỏ trốn ở lại vì chi phí đầu tư trước khi đi quá lớn nên muốn ở lại để làm việc, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, những người này đã không tính đến những tác động tiêu cực vì mất uy tín với nước bạn. Thị trường lao động Nhật Bản vốn rất hấp dẫn vì thu nhập cao, NLĐ nước không bị phân biệt đối xử, tuy nhiên đây lại là thị trường hết sức khắt khe trong tuyển dụng, đặc biệt đòi hỏi cao về ý thức, kỷ luật lao động. Có 2 trường hợp NLĐ bị chủ doanh nghiệp phía Nhật Bản loại vì lý do khá hy hữu. Một trường hợp lao động nữ ngành may đã vượt qua các kỳ sát hạch, nhưng khi đại diện Cty mẹ ở Nhật sang thì loại ra vì phát hiện người này xăm môi, mắt. Trường hợp thứ hai là một lao động nam cũng đã bảo đảm các tiêu chuẩn tuyển chọn của bạn, đang trong thời gian 2 tháng làm việc thử thách trong nước, vì bỏ một ngày không báo cáo để đi Hà Nội giải quyết việc riêng đã lập tức bị loại. Theo họ, ở trong nước mà NLĐ còn vô kỷ luật như thế thì khi sang làm việc, họ không thể quản lý được. Đây là vấn đề mà NLĐ tỉnh ta và các nhà quản lý lao động, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) cần quan tâm trang bị cho NLĐ nếu muốn hướng đến thị trường này. Các thị trường khác đơn giản hơn như Trung Đông, Ma-lai-xi-a, Đài Loan… thì NLĐ tỉnh ta không mấy mặn mà vì thu nhập không cao (tối đa chỉ khoảng 600USD/tháng), điều kiện làm việc không tốt, khí hậu lại khắc nghiệt...

Tư vấn cho người có nhu cầu đi lao động ở ngoài  nước tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh.
Tư vấn cho người có nhu cầu đi lao động ở ngoài nước
tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh.

XKLĐ là một hướng giải quyết việc làm quan trọng và hiệu quả, không chỉ mang về nguồn ngoại tệ lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Do vậy cần thực hiện các biện pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu lao động với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và cả NLĐ. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2012, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù kinh tế thế giới hiện đang dần hồi phục nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp với những diễn biến mới. Tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu dẫn đến việc thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp, sụt giảm. Do đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động sẽ càng quyết liệt. Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và NLĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đối với doanh nghiệp, cần tập trung phát triển một số thị trường trọng điểm, khai thác các thị trường truyền thống đang phục hồi như Ma-lai-xi-a, Li-bi, Nhật Bản... Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động cải thiện chất lượng lao động, đổi mới từ khâu tuyển chọn, nâng cấp đầu tư các cơ sở đào tạo... nhằm cung ứng nguồn lao động có tay nghề cao. Cần chấn chỉnh và phải quản lý lao động chặt hơn, tích cực tuyên truyền để NLĐ rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ pháp luật khi tham gia làm việc tại các nước. Cuối năm 2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, UBND các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy tổ chức tọa đàm bàn giải pháp khắc phục tình trạng lao động đi Hàn Quốc bỏ trốn, cung cấp đầy đủ thông tin để các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và NLĐ nắm rõ chế độ chính sách, các nguy cơ từ việc lao động bỏ trốn và cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc theo con đường hợp pháp cho những người đã hết hợp đồng về nước đúng hạn. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về hoạt động XKLĐ, giúp NLĐ nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và hạn chế thiệt hại cho NLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp XKLĐ. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cần khẩn trương đưa vào hoạt động đường dây tư vấn nhằm kịp thời tư vấn cho NLĐ, đặc biệt tuyên truyền để mọi người dân biết rõ đây là địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy và không thu bất kỳ loại phí dịch vụ nào của NLĐ khi đến tìm kiếm thông tin và đăng ký nhu cầu việc làm trong và ngoài nước. NLĐ cần thay đổi thói quen tìm việc làm tại các cơ sở giới thiệu việc làm có uy tín đã được thông tin rộng rãi. Các doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu tuyển lao động cần làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho NLĐ và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ngoài nước. Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố cần tham mưu triển khai thực hiện tốt sự chỉ đạo của tỉnh và ngành chức năng về chính sách khuyến khích XKLĐ, để mọi đơn vị, cá nhân được thụ hưởng chính sách kịp thời và chính xác. Các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ, các cơ sở giới thiệu việc làm, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trên từng địa bàn, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com