Đê lấn biển Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) mặc dù còn gập ghềnh những “ổ voi”, “ổ trâu” song khá vững chắc vì đã được “thử sức” qua 6-7 mùa mưa bão. Do được quy hoạch từ trước nên hệ thống thủy lợi, thủy nông ở vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh đã khá hoàn chỉnh: từ cống lấy nước, cống tiêu nước, hệ thống tưới tiêu riêng biệt đến tận các ô đầm. Các ao đã được đào, đắp khá vuông vức... Đồng chí Lại Minh Hưng, cán bộ Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng được phân công trực tiếp quản lý, hướng dẫn các hộ nuôi trong vùng cho biết: “Tháng 5-2011 huyện mới giao vị trí cho từng hộ nuôi. Vừa tổ chức đào ao, vừa vệ sinh đầm bãi, nhiều hộ trong vùng tranh thủ thả nuôi đã cho hiệu quả…”. Anh Lại Văn Diệu là người xã Nam Điền nhưng đã cùng bạn ở xã Nghĩa Hải tổ chức nuôi thủy sản ở khu vực giáp sông Đáy. Chỉ vụ nuôi năm ngoái trong có mấy tháng, 4ha đầm nuôi tôm sú của các anh đã cho nguồn thu trên 200 triệu đồng. Nếu cộng cả con tôm rảo theo nguồn nước vào ao nuôi để lớn lên cùng con tôm sú thả thì nguồn thu tăng gấp rưỡi. Kinh nghiệm của anh là phải kiểm tra tôm nuôi sát sao từng buổi. Khi phát hiện ra tôm chớm bị bệnh phải thay nước ngay. Anh Diệu cho biết: Hộ anh Nguyễn Văn Trãi với 5ha đầm nuôi ở bên cạnh, năm 2011 trừ chi phí còn lãi trên dưới 170 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi từ con tôm rảo tự nhiên. Nhưng kỷ lục trong mấy tháng đầu khi nhận vùng nuôi là 2 hộ đi đầu ương cá bống bớp. Ngay sau khi cải tạo ao, ông Phạm Văn Lễ ương 12 vạn con và ông Nguyễn Văn Thiêm ương 5 vạn con cá bống bớp. Chỉ sau 2 tháng rưỡi ông Lễ đã có lãi trên 80 triệu đồng, còn ông Thiêm lãi 50 triệu đồng (!). Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư xây dựng mô hình nuôi cá bống bớp với mật độ thả thưa tại vùng nuôi mới Cồn Xanh cho hiệu quả gần trăm triệu đồng/ha, khẳng định vùng nuôi này rất thích hợp nuôi cá bống bớp.
Một góc vùng nuôi của khu dự án Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). |
Tuy nhiên trên thực tế, những hộ nuôi trong vùng dự án nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh đạt được hiệu quả cao như anh Diệu, anh Trãi, ông Thiêm, ông Lễ… chỉ chiếm khoảng 20% tổng số hộ tham gia, còn lại 80% các hộ trong vùng nuôi là hòa, thậm chí lỗ. Nguyên nhân do là vùng nuôi mới nên nhiều hộ chưa có kinh nghiệm, không tuân thủ hướng dẫn của chuyên môn nên con nuôi bị bệnh, bị chết. Là vùng đất bồi, nơi trũng, nơi cao, chất đất không đồng nhất, môi trường, thổ nhưỡng chưa được thuần hóa nên khi giao khu vực quy hoạch cho các hộ nuôi, Phòng NN và PTNT huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các hộ nuôi quy trình cải tạo ao, đầm; quy trình thau chua, rửa mặn; quy cách thiết kế ao nuôi, ao lắng; cải tạo phần đáy, phần bờ; nên nuôi loại con gì, cách nuôi… Theo đó, ao đầm phải đúng quy cách kể cả độ sâu, độ sạch đáy đầm, cải tạo và xử lý đáy đầm lúc khô. Thời gian đầu nên nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến là chính. Nên nuôi những con nuôi bản địa như: cá bống bớp, tôm sú, cua rèm… Huyện đã chỉ đạo 4 xã (Nam Điền, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành, Nghĩa Hải) thành lập 8 đội sản xuất (mỗi xã 2 đội) hướng dẫn kỹ thuật nuôi thả cũng như phát hiện những khó khăn, đề xuất, kiến nghị để cùng giải quyết… Nhưng do nóng vội, muốn lãi nhanh, thay vì nuôi quảng canh để bảo vệ môi trường thì nhiều hộ đã thả mật độ lớn ngay trong vụ đầu tiên. Anh Đoàn Văn Hoan ở xã Nam Điền nhận nuôi 2ha tại khu dự án tâm sự: “1ha đầm tôi thả tôm sú với 50 vạn con giống, gần 6 sào tôi thả tôm thẻ chân trắng, trên 5 sào tôi thả 2 vạn cua giống… Năm 2011 do thất thoát nhiều nên tôi chỉ hòa vốn…”. Còn gia đình anh Đào Xuân Vinh cũng thả mật độ dày: tôm sú 30 con/m2, cua 10 con/m2 nên không có lãi nhưng anh hy vọng 1 ao anh thả 2.000 con cá mú giống đến nay đã đạt trọng lượng 2kg mỗi con. Trong vùng Cồn Xanh còn rất nhiều hộ vẫn chưa cải tạo xong ao, đầm mà vẫn tổ chức nuôi thả mật độ lớn(!).
Tại vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh với tổng diện tích 2.800ha, ngoài diện tích cho các công trình phụ trợ, công trình giao thông, thủy lợi, trên 400ha nuôi đã được giao cho 292 hộ với 292 lô đầm từ tháng 5-2011. Trong vụ nuôi thủy sản đầu tiên, vùng dự án này còn nhiều bất ổn. Với cách thả, nuôi và cải tạo ao đầm thực tế thì hiện tượng ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Vụ nuôi thủy sản năm 2012 đã đến! Ngành NN và PTNT, các xã có đầm nuôi tại khu dự án Cồn Xanh, nhất là các chuyên gia về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cần tập trung kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, chấn chỉnh kịp thời các hộ nuôi, các đội nuôi thả trong khu vực dự án, tránh tình trạng “nóng vội” trong việc nuôi thả… phấn đấu vụ nuôi thủy sản vùng dự án Cồn Xanh năm 2012 đạt hiệu quả cao, bền vững./.
Bài và ảnh: Tất thắc