Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp của Nam Trực

07:04, 11/04/2012

Từ "đội sổ", vụ xuân năm 2012 tiến độ gieo cấy của huyện Nam Trực đã vươn lên ở tốp dẫn đầu toàn tỉnh và đạt đích gieo cấy gọn trong khung thời vụ tốt nhất. "Bí quyết" để Nam Trực có sự chuyển biến tích cực này là mở rộng diện tích gieo sạ hàng.

Từ quyết định đúng

Với thế mạnh có nhiều làng nghề truyền thống như: cơ khí Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi, dập đúc nhôm Bình Yên, dệt may Nam Hồng, gạch ngói Nam An, cây cảnh cây thế Nam Toàn, Điền Xá, phở Giao Cù… nên lực lượng làm nông nghiệp của Nam Trực đã mỏng lại càng thiếu, nhất là lúc "đông vụ chí kỳ". Những năm gần đây, tiến độ gieo cấy của huyện Nam Trực thường chậm nhất trong toàn tỉnh và là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện, ngành NN và PTNT và của các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện; cần phải có hướng khắc phục hiệu quả.

Kiểm tra lúa gieo sạ hàng tại cánh đồng HTX Nam Đồng, xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Kiểm tra lúa gieo sạ hàng tại cánh đồng HTX Nam Đồng,
xã Đồng Sơn (Nam Trực).

Phương thức gieo sạ hàng trong sản xuất lúa là một tiến bộ kỹ thuật đã được khuyến nông - khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình nhiều vụ nay với ưu thế giảm phần lớn công lao động nặng nhọc từ khi gieo mạ, cấy; giảm bớt 1/3-1/2 lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 10-15%... so với phương thức cấy truyền thống. Đặc biệt 1 người dùng dụng cụ sạ hàng 1 ngày có thể thay thế 25-30 người nhổ mạ, cấy. Vụ xuân năm 2011 do rét đậm, rét hại kéo dài suốt trong tháng 2, tháng 3 làm mạ gieo, lúa cấy ở các địa phương chết rét nhiều phải cấy dặm, cấy lại, nhưng toàn bộ diện tích gieo sạ hàng của các xã Nam Mỹ, Tân Thịnh, Đồng Sơn… đi trước chẳng những không bị chết rét mà vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Nhằm giúp nhau trong sản xuất, các hộ gieo sạ hàng đã tỉa lúa tại ruộng của gia đình mình ở khu vực đầu bờ và cả các khóm lúa chính để "chi viện" cho các gia đình khác, địa phương khác bảo đảm cấy hết diện tích lúa xuân trong khung thời vụ. Không những năng suất lúa gieo sạ hàng của huyện vẫn tăng trên 10% so với ruộng lúa cấy mà năng suất lúa vụ xuân của huyện Nam Trực còn đạt "đỉnh cao năng suất mới": bình quân đạt trên 70 tạ/ha. Đây chính là động lực để huyện quyết định vận động nông dân mở rộng diện tích gieo sạ hàng lớn nhất tỉnh trong vụ xuân năm 2012. Khi tổ chức triển khai sản xuất vụ xuân năm 2012, huyện quyết định lấy việc gieo sạ hàng thay thế cho cấy lúa truyền thống và yêu cầu các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể vận động nông dân tổ chức gieo sạ lúa xuân với tất cả những diện tích chủ động nước. Đồng thời, UBND huyện cũng quyết định hỗ trợ 50% cho các tổ chức, cá nhân mua công cụ gieo sạ hàng và chỉ đạo chặt chẽ từ khâu làm thủy lợi nội đồng, làm đất, lấy nước để khoanh vùng bơm tát… tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân mở rộng diện tích gieo sạ hàng.

Đến tổ chức thực hiện đồng bộ

Thực hiện chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện, ngay từ trung tuần tháng 11-2011 các địa phương trong huyện đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng để phục vụ cho gieo sạ lúa vụ xuân. Tổng khối lượng thực hiện nạo, vét, đắp của huyện đã đạt cao nhất từ trước đến nay với khối lượng đào đắp 476 nghìn m3, bằng 120% kế hoạch. Công tác chuẩn bị vật tư, giống; lấy nước, điều tiết nước sớm và khẩn trương làm đất sớm, kỹ để phục vụ gieo sạ lúa xuân. Ngay sau khi triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ xuân 2012 của huyện, 15/20 xã, thị trấn đã đăng ký mua 250 công cụ sạ hàng. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hành sạ hàng trên nền cát để mọi người "mục sở thị" và tổ chức hội thảo. Cùng với giao công cụ sạ hàng, mỗi công cụ được tặng 1 băng hình hướng dẫn gieo sạ lúa và tài liệu về quy trình gieo sạ hàng, gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp… 50 lớp tập huấn gieo sạ hàng được tổ chức đến tận thôn, đội với hàng nghìn nông dân tham gia. Cùng với hướng dẫn gieo sạ hàng, cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã còn hướng dẫn khâu làm đất, bón lót, xử lý hạt giống, ngâm ủ, chế độ nước cho từng thời kỳ lúa gieo sạ; tổ chức diệt chuột, diệt ốc bươu vàng… Đặc biệt cán bộ khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, huyện, xã và cả lực lượng cán bộ nhân viên phòng NN và PTNT huyện… xuống "nằm vùng" tại các HTX, thôn, đội làm dịch vụ ngâm ủ, sạ tập trung như Nam Mỹ, Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Thắng… để kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp theo phương pháp "cầm tay đặt việc". Với 250 ống gieo sạ mới mua, cộng với 139 ống gieo sạ đã mua từ các vụ trước, vụ xuân 2012 huyện Nam Trực có 389 công cụ gieo sạ hàng đồng loạt xuống đồng. Tất cả các xã tổ chức gieo sạ lúa vụ xuân năm 2012 đều gieo gọn trong 2-4 ngày và xong trước ngày 20-2 nên khi gặp rét đậm, rét hại không bị thất thoát, vẫn sinh trưởng bình thường. Như vậy, vụ xuân này 15/20 xã, thị trấn (24 HTXNN) của huyện đã tổ chức gieo sạ được 1.984ha, chiếm 23% tổng diện tích lúa vụ xuân. Các xã có diện tích gieo sạ nhiều và chiếm tỷ lệ cao như: Tân Thịnh 544ha, chiếm 85% diện tích; Nam Mỹ 187ha, chiếm 85% diện tích; Đồng Sơn 700ha, chiếm 69% diện tích; Nam Thắng 199ha, chiếm 60% diện tích… Đồng chí Phạm Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: "Tuy xã chúng tôi đã tổ chức áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ lúa 2-3 vụ nay nhưng diện tích còn ít và chưa "ra tấm ra miếng"; vụ xuân này do đảng ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo nên tỷ lệ đạt cao, diện tích rộng, tập trung. Đây là tiền đề để tất cả diện tích gieo cấy vụ xuân của xã áp dụng công nghệ sạ hàng trong những năm tới…". Được biết để mở rộng diện tích lúa sạ hàng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, UBND xã đã trích quỹ khuyến nông và ngân sách xã hỗ trợ toàn bộ giống lúa chất lượng cao gieo sạ 31ha xây dựng cánh đồng mẫu lớn của HTXNN Nam Thịnh mà tất cả các khâu từ xử lý giống, ngâm, ủ, phun thuốc diệt cỏ, chế độ nước… đến gieo sạ đều do HTXNN làm dịch vụ với mức thu 20 nghìn đồng/sào. Với 4 lần tập huấn kỹ thuật gieo sạ cho từng xóm, đội sản xuất, cán bộ HTXNN còn kiểm tra, hướng dẫn các thôn, đội làm đúng quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý giống đến khi gieo đúng mật độ… mà các thôn, đội chỉ thu các hộ 90 nghìn đồng/sào kể cả giống lúa và công, trong khi giá thuê cấy tại địa phương trong vụ 150-200 nghìn đồng/sào.

Vào cuộc của thủy nông

Đồng chí Nguyễn Xuân Hưởng, trưởng phòng NN và PTNT huyện khẳng định: "Ngoài sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến tận thôn, đội thì góp công lớn trong mở rộng diện tích gieo sạ hàng lúa vụ xuân năm 2012 là sự tạo điều kiện tốt nhất của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh". Cán bộ Cty đã chủ động tham mưu, phối hợp với lãnh đạo huyện, xã, HTX… để khoanh vùng bảo đảm chủ động cung cấp nước và cam kết đảm bảo đúng chế độ nước theo yêu cầu từng địa phương, nhất là vùng tổ chức gieo sạ hàng tập trung. Cty cử cán bộ phụ trách 1 HTXNN bám sát lịch gieo, cấy và chịu trách nhiệm lo việc nước tưới tiêu của địa phương. Cty còn yêu cầu cán bộ phụ trách HTX phải đi thăm đồng khu vực mình phụ trách 1 lần/ngày. Với vùng gieo sạ, Cty tổ chức rút kiệt nước trong ruộng trước khi gieo sạ. Sau 10 ngày mới đưa nước vào kênh cấp III để các hộ có thể đấu tát. Cung cấp đủ nước đúng theo quy trình từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa theo yêu cầu kể cả rút nước phơi ruộng, rút nước khi lúa bắt đầu chín… Đồng chí Lê Đình Kiểm, phó giám đốc Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh tâm sự: "Một tháng 2 triều con nước nên cứ dăm ngày Cty lại tổ chức tiêu, thay nước 1 lần vì vậy luôn bảo đảm cung cấp chất lượng nước tốt cho cây trồng. Ngoài 16 trạm bơm điện lớn, Cty còn 40 máy bơm dầu bảo quản tại 8 cụm thủy nông sẵn sàng cơ động bơm tát cho các vùng khi cần thiết và 172 trạm bơm phân cấp tại các địa phương đã được sửa chữa, bảo dưỡng kỹ ngay từ cuối năm 2011 nên luôn chủ động trong mọi tình huống…". Vùng tưới tiêu tự chảy, Cty lo đủ nước theo định kỳ lấy, thay nước. Vùng tưới tiêu nước bằng động lực và vùng kết hợp tưới tiêu bằng tự chảy và động lực Cty lo đủ, thỏa mãn nước vào kênh cho đấu tát.

*    *
*

Chủ trương đúng, công tác kiểm tra sát sao; cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc; tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục; bảo đảm tốt nhất tất cả các khâu kỹ thuật, dịch vụ; tổ chức triển khai sản xuất đồng bộ, chặt chẽ… đưa tiến bộ kỹ thuật gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống trong vụ xuân năm 2012 của Nam Trực là một thành công bước đầu. Huyện Nam Trực phấn đấu tất cả các vùng chủ động nước tưới tiêu sẽ được gieo sạ hàng trong sản xuất lúa ở cả vụ xuân và vụ mùa trong những năm tới đã có động lực và có đà từ vụ xuân năm 2012./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com