Dồn điền đổi thửa - Đôi điều ghi nhận (tiếp theo kỳ trước)

02:01, 12/01/2012

II - Những vấn đề đặt ra

Tuy thời gian triển khai ngắn nhưng công tác DĐĐT năm 2011 đã đạt được kết quả đáng mừng. Theo kế hoạch và thực tế các bước đã tiến hành, hết năm 2011 khả năng sẽ có 64 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc DĐĐT, giao xong ruộng ngoài thực địa cho các hộ dân bước vào làm đất gieo cấy vụ xuân năm 2012. Qua các xã đã hoàn thành việc DĐĐT và các xã đang tiến hành giao ruộng ngoài thực địa vẫn còn bộc lộ khó khăn. Bên cạnh các xã, thị trấn có bình quân số thửa 1,1-1,25 thửa/hộ thì vẫn còn nhiều xã sau DĐĐT bình quân số thửa canh tác cao như: Hải Đường 2,3 thửa/hộ, Hải Xuân 2,17 thửa/hộ, Hải Toàn 2,1 thửa/hộ… Bên cạnh các xã, thị trấn đã dồn đất công về một, hai khu, về các vị trí quy hoạch… thì vẫn còn nhiều địa phương đất công manh mún dồn lại theo thôn, xóm chưa thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung với số lượng lớn. Một số địa phương có diện tích đất giao ổn định lâu dài hiện nay đang nằm trong vùng quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề hoặc đất nông nghiệp ở các vị trí ven đường giao thông không muốn thực hiện DĐĐT, chỉ mong khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng giá trị quyền sử dụng đất theo quy định. Một số địa phương tập trung thực hiện ngay việc đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng trước khi giao đất thực địa nên tiến độ giao đất tại thực địa chậm. Một số địa phương do khó khăn về kinh phí nên chưa tổ chức xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng trên phần đất nhân dân đóng góp nên lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích cũng như tổ chức thực hiện.

v
Cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ý Yên rà soát quy hoạch đất nông nghiệp. Ảnh: Thúy Vy

Năm đầu tiên triển khai DĐĐT và trong thời gian ngắn, hầu hết các xã, thị trấn triển khai từ tháng 8-2011, chỉ sau 4 tháng các xã này đã giao được đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân thực sự là một thành công. Để tiếp tục DĐĐT trong thời gian tới đối với các xã, thị trấn còn lại và hoàn thành vào năm 2013 theo kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành phố cần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm cụ thể những đơn vị làm tốt, những khó khăn, cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cách làm hay… để triển khai ngay với tất cả xã, thị trấn còn lại trong năm 2012. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng TN và MT huyện Hải Hậu đến ngày 3-1-2012, cơ bản các xã, thị trấn của huyện đã giao xong đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân canh tác, ngoài một số địa phương làm muối như Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Hoà và Hải Triều vì trong thời gian qua các bước tiến hành dồn đổi ở tất cả các xóm, đội đều triển khai đến bước công khai phương án DĐĐT tới các hộ dân nhưng vì thu hoạch vụ muối chiêm nên ngay trong tháng 1, tháng 2-2012 là giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ. Kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện DĐĐT của huyện Hải Hậu cần được phổ biến, nhân rộng. Chỉ trong năm 2011, tất cả 35/35 xã, thị trấn của huyện đều tổ chức DĐĐT và đến nay đã cơ bản xong, vượt trước kế hoạch thời gian do UBND tỉnh giao 2 năm. Đây là sự khẳng định quyết tâm cao, trách nhiệm của Đảng, chính quyền các cấp của huyện và định hướng xây dựng NTM đúng đắn: Làm từ ngoài đồng về làng, lấy phát triển sản xuất làm gốc nhằm tăng thu nhập cho nhân dân và huy động tất cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc. Hải Hậu đã đi đầu, làm sớm DĐĐT. Ngay trong tháng 11-2010, BCH Đảng bộ huyện đã có quyết định ban hành đề án DĐĐT. Trong bản đề án DĐĐT đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM; nội dung DĐĐT, phương thức DĐĐT, tổ chức chỉ đạo DĐĐT và cơ chế chính sách khuyến khích DĐĐT. Tháng 12-2010, UBND huyện đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án DĐĐT của BCH Đảng bộ huyện. Tháng 1-2011, UBND huyện xây dựng kế hoạch DĐĐT, thành lập ban chỉ đạo DĐĐT ở 8 vùng và quyết định mỗi vùng chọn 1 xã làm điểm DĐĐT. Khi có quyết định chọn Hải Hậu xây dựng điểm NTM của Trung ương, huyện đã quyết định tất cả 35/35 xã, thị trấn đều triển khai, tổ chức DĐĐT và xác định công tác DĐĐT là khâu đột phá, quyết định cho việc xây dựng NTM ở huyện cũng như các xã, thị trấn trong huyện. Bài học chỉ đạo lãnh đạo DĐĐT của Hải Hậu, Nghĩa Hưng cần được đúc rút thành kinh nghiệm chỉ đạo cho các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong DĐĐT đợt này tất cả các địa phương đều chọn thôn, xóm, đội sản xuất làm cơ sở dồn đổi, đây cũng là một thành công trong cuộc vận động, dễ đi đến thống nhất phương án và đoàn kết xóm làng. Để tiếp tục DĐĐT việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cho các tiểu ban thực hiện DĐĐT của các thôn, xóm thực sự cần thiết. Đặc biệt là bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm vì đây chính là những người thực hiện các chủ trương, biến kế hoạch thành hiện thực. Đồng chí Bùi Xuân Phương, Bí thư chi bộ thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản) trao đổi: “Công tác DĐĐT ở thôn chúng tôi đã tạo ra sự đồng thuận cao nhờ tuyên truyền giáo dục, thuyết phục trong đó có sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong chi bộ luôn đi đầu, nhận khó khăn về mình. Muốn DĐĐT thành công chúng tôi không nề vất vả, biết lắng nghe, biết phân tích và ứng dụng linh hoạt với từng đối tượng. Đặc biệt là sâu sát cũng như công khai, dân chủ…”. Nhận nhiệm vụ DĐĐT và triển khai trong tháng 8-2011, nhưng đến nay tiểu ban thực hiện DĐĐT của thôn Thượng đang giao đất tại ruộng cho các hộ. Phấn đấu trong vài ngày tới sẽ hoàn thành việc giao đất thực địa cho tất cả 204 hộ trong thôn để các hộ tổ chức sản xuất vụ  xuân. Là vùng đất có cả diện tích trồng màu, độ cao thấp cốt đất không đồng nhất nhưng qua DĐĐT tất cả 204 hộ đều chỉ có 2 thửa trở xuống, không có hộ nào 3 thửa. Trong đó 60 hộ gia đình nhận canh tác trên 1 thửa. Trong phương án DĐĐT của xã Minh Tân, xã đã động viên các hộ góp đất xây dựng đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng với mỗi sào góp 18m2 áp dụng cho tất cả các thôn, đội đã tạo ra sự bình đẳng mọi hộ hoàn toàn chấp nhận và tự giác thực hành. Bài học vận động nhân dân tổ chức DĐĐT của Minh Tân nói chung và thôn Thượng nói riêng nên được các xã, thị trấn phía bắc tỉnh có cả vùng chuyên màu và cốt đất cấy lúa không bằng phẳng… học tập. Vì hiện nay hầu hết các xã của Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực… có thể áp dụng được để giảm số thửa sau khi DĐĐT lần này. Ở huyện Trực Ninh, DĐĐT năm 2011 tổ chức 7 xã (ngoài xã Trực Nội đã thực hiện DĐĐT xong ngay trong năm 2010) đều là các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Theo đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện thì đến nay 6 xã cơ bản đã giao xong ruộng ngoài thực địa cho các hộ, còn lại 1 xã cũng đang giao và bình quân sau khi dồn đổi mỗi hộ đều dưới 2 thửa. Kinh nghiệm của Trực Ninh giao ruộng cho các nhóm hộ (253 nhóm, hộ, mỗi nhóm hộ trên dưới 10 gia đình) và gọn theo dòng họ. Ruộng của bố con, dòng họ liền nhau rất thuận lợi cho việc dồn đổi sau này khi các hộ không sử dụng đất nông nghiệp nữa. Chính cách DĐĐT của Trực Ninh tạo tiền đề tiếp tục dồn đổi theo luật như thừa kế, chuyển nhượng… mà không phải tổ chức dồn đổi theo từng giai đoạn tập trung vừa tốn kém thời gian, công sức và kinh phí mà không ảnh hưởng đến sản xuất.

Xã “chân sóng” Nam Điền (Nghĩa Hưng) với 3 mặt giáp biển, nhiều vụ xuân gần đây bị nhiễm mặn nặng gây chết lúa, thậm chí có vụ 100% diện tích lúa cấy bị mặn; vụ mùa sâu bệnh cuối vụ phá hoại nên sản xuất lúa gặp khó khăn, năng suất thấp. Mặc dù không nằm trong danh sách các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 nhưng năm 2011 đã đăng ký và làm thành công DĐĐT để chuyển đổi sản xuất thành 2 vùng chuyên canh: nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng màu và vùng phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Để khuyến khích vùng kinh tế trang trại trong việc dồn đổi ruộng, xã ưu tiên các hộ ở vùng này không phải góp đất làm giao thông nội đồng đã được các hộ nông dân đồng tình tạo sự đoàn kết cao. Cả 2 vùng kinh tế sản xuất chuyên canh đều được quy hoạch lại đáp ứng thuận lợi cho nhu cầu sản xuất của từng vùng và hệ thống giao thông, thuỷ lợi được củng cố và phát triển mà mỗi hộ chủ yếu canh tác trên 1 thửa… Còn rất nhiều cách làm hay của các địa phương trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo điều kiện của địa phương mình để thực hiện DĐĐT thành công trong năm 2011 bảo đảm đúng yêu cầu đặt ra. Sau DĐĐT tạo ra vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hoá; quy tụ đất công vào gọn vùng, gọn thửa và vào các vị trí đã quy hoạch phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, vùng chuyển đổi…; giảm được số thửa cho mỗi hộ xuống còn 1-2 thửa; động viên nông dân hiến đất, góp đất để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng theo hướng cơ giới hóa và thuận tiện cho sản xuất, canh tác; đồng thời bảo đảm an ninh thôn, xóm, thắt chặt tình đoàn kết làng xóm và không ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông cũng như chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2012.

Tới đây các địa phương, ngành TN và MT sẽ sơ kết, các cách làm hay, sáng tạo sẽ được đúc rút thành những bài học kinh nghiệm để các địa phương chưa tổ chức DĐĐT học, làm theo một cách sáng tạo, lường và tránh được những vướng mắc để hoàn chỉnh DĐĐT ở tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh. Từ thành công bước đầu, nên chăng các địa phương trong tỉnh phấn đấu hoàn thành DĐĐT ngay trong năm 2012 để phát triển, ổn định sản xuất khi tỉnh ta được Chính phủ quyết định là tỉnh nông nghiệp, giữ vững đất lúa bảo đảm an ninh lương thực cho cả vùng và cả nước. Muốn vậy ngay từ đầu năm 2012 tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh tổ chức triển khai ngay các bước DĐĐT để chậm nhất là sau khi thu hoạch xong vụ mùa năm 2012, các địa phương đồng loạt giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ trồng cây vụ đông và triển khai vụ sản xuất xuân năm 2013./.

Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com