Dồn điền đổi thửa - Đôi điều ghi nhận

08:01, 09/01/2012

Năm 2011 toàn tỉnh đã có 91 xã, thị trấn triển khai công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tăng gấp 3 lần so với kế hoạch đề ra. Đến nay 64 xã, thị trấn đã tổ chức giao đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất vụ xuân. Mặc dù còn nhiều khó khăn song công tác DĐĐT đã thu được những kết quả khả quan.

I - Kết quả bước đầu

Đo ruộng thực tế để các hộ nông dân chuẩn bị sản xuất vụ xuân năm 2012 tại thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản).
Đo ruộng thực tế để các hộ nông dân chuẩn bị sản xuất vụ xuân năm 2012 tại thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản).

Xác định công tác DĐĐT là động lực cho nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo hiệu quả kinh tế cao và là khâu đột phá trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) nên tháng 8-2011, UBND tỉnh quyết định tiếp tục triển khai thực hiện DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc DĐĐT lần này nhằm khắc phục tình trạng manh mún đất, xây dựng các ô, thửa có diện tích lớn, phấn đấu mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa canh tác, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích canh tác, từng bước đẩy mạnh CNH nông nghiệp và nông thôn. Thông qua DĐĐT để dồn quỹ đất công lại do quản lý sử dụng của cấp xã và phân định cụ thể đất công ích, đất dành cho quy hoạch, nhất là quỹ đất để thực hiện quy hoạch NTM làm cơ sở cho lập hồ sơ thuê đất công theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, sử dụng đất công hợp lý, chặt chẽ, có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách xã. Hoàn chỉnh lại hệ thống hồ sơ địa chính nhằm "nắm chắc, quản chặt" toàn bộ quỹ đất nông nghiệp trên phạm vi địa bàn từng xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp. DĐĐT tạo ra vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa đủ rộng với sản lượng lớn. Qua DĐĐT động viên nông dân hiến đất, góp đất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng cơ giới hóa nông nghiệp để giảm phần lớn lao động nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp theo tiêu chí NTM. Đồng thời UBND tỉnh cũng xác định việc DĐĐT phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tham gia bàn bạc của các hộ dân. DĐĐT phải dân chủ, công bằng tuân theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chỉ dồn đổi và điều chỉnh vị trí, số lượng, diện tích thửa của từng hộ để bảo đảm mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa đất canh tác. DĐĐT không phải là chia lại ruộng đất. DĐĐT là thực hiện việc chuyển đổi trên cơ sở diện tích đất sản xuất nông nghiệp các hộ đang sử dụng, không đặt vấn đề xem xét lại những nội dung đã thực hiện trước đây, không được chuyển đổi diện tích đấu thầu đất công ích của cấp xã. Việc DĐĐT phải gắn chặt với tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình dồn đổi tạo ra mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ sử dụng đất được thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai nhưng không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Thông qua DĐĐT vận động các hộ gia đình, cá nhân góp một phần diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng phục vụ trực tiếp cho các hộ sản xuất thuận lợi và cơ giới hoá. Trong quá trình dồn đổi tuỳ theo từng điều kiện chất lượng đất đai, điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh của từng xứ đồng cụ thể của mỗi địa phương mà xác định hệ số dồn đổi (hệ số K) để tính diện tích chuyển đổi giữa các hộ nhằm bảo đảm sự công bằng, khuyến khích các hộ nhận những ruộng ở vùng xa hoặc đất xấu hay các điều kiện canh tác khó khăn. Việc xác định hệ số dồn đổi do nhân dân bàn bạc thống nhất. Trong quá trình thực hiện DĐĐT đồng thời đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, bảo đảm sát, đúng với thực tế làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau DĐĐT. Để công tác DĐĐT thành hiện thực, UBND tỉnh quy định từ tỉnh đến huyện, thành phố và các xã, thị trấn đều tổ chức thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT do đồng chí Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các uỷ viên gồm lãnh đạo ngành TN và MT, NN và PTNT, Tài chính, Xây dựng, Công thương và các ban, ngành liên quan. Trong đó ở cấp tỉnh Sở TN và MT hướng dẫn phương pháp thực hiện trong việc đổi ruộng, quy hoạch lại quỹ đất công, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi chuyển đổi. Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM làm cơ sở để thực hiện DĐĐT. Sở Tài chính hướng dẫn hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện DĐĐT từ ngân sách các cấp… Riêng ở thôn, xóm thành lập tiểu ban đổi ruộng do trưởng thôn, xóm làm trưởng tiểu ban triển khai thực hiện việc dồn đổi tại xóm, thôn của mình. UBND tỉnh cũng quy định rõ thời gian và phương pháp thực hiện việc DĐĐT. Theo đó năm 2011 triển khai làm trước rút kinh nghiệm và hoàn thành 30 xã, thị trấn, trong đó mỗi huyện 3 xã, thị trấn; năm 2012 triển khai hoàn thành DĐĐT ở 70% số xã, thị trấn (146 xã, thị trấn) trong đó 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 phải hoàn thành trong năm 2012; năm 2013 hoàn thành  DĐĐT ở tất cả các xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện kế hoạch DĐĐT của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai. Đến nay 91 xã, thị trấn với 1.404 thôn xóm trên địa bàn tỉnh đã triển khai, tổ chức DĐĐT, gấp trên 3 lần so với kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Trong đó huyện Hải Hậu tất cả 35/35 xã, thị trấn đều tổ chức thực hiện DĐĐT trong năm 2011; huyện Giao Thủy 5 xã, tăng 2 xã so với kế hoạch; huyện Xuân Trường 7 xã thực hiện DĐĐT, tăng 2,3 lần so với kế hoạch giao; huyện Trực Ninh 8 xã thực hiện DĐĐT, tăng gần 2,7 lần so với kế hoạch giao; huyện Nghĩa Hưng 10 xã, tăng 3,3 lần so với kế hoạch; huyện Ý Yên 12 xã, tăng 3 lần so với kế hoạch… Một điều đáng nói là hầu hết các xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đều triển khai DĐĐT ngay trong năm 2011. Đến ngày 20-12-2011 đã có 17 xã, thị trấn hoàn thành giao đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân; trong đó Hải Hậu 12 xã và thị trấn, Giao Thủy 1 xã, Trực Ninh 3 xã, Xuân Trường 1 xã. 33 xã, thị trấn đang bàn giao đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân; cụ thể Hải Hậu 22 xã và thị trấn, Giao Thủy 2 xã, Xuân Trường 1 xã, Trực Ninh 2 xã, Nghĩa Hưng 3 xã, Vụ Bản 2 xã, Ý Yên 1 xã. 14 xã, thị trấn đang hoàn thiện và công khai phương án DĐĐT cho các hộ nông dân; trong đó Hải Hậu 1 xã, Giao Thủy 2 xã, Trực Ninh 3 xã, Nghĩa Hưng 4 xã, Ý Yên 2 xã, Mỹ Lộc 2 xã. 11 xã đang tổ chức họp các hộ nông dân thống nhất phương án dồn đổi; cụ thể Xuân Trường 1 xã, Nghĩa Hưng 3 xã, Vụ Bản 1 xã, Ý Yên 6 xã. 8 xã đang rà soát thống nhất số liệu giữa xã và thôn xóm, 4 xã đang tổ chức họp các hộ dân để triển khai và 4 xã của Nam Trực đang tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo DĐĐT của xã và tiểu ban DĐĐT của các thôn, xóm. Thực tế từ các xã, thị trấn đã và đang giao đất ngoài thực địa cho các hộ nông dân đều đáp ứng được nhiệm vụ đề ra trong việc DĐĐT. Diện tích đất công đã được quy lại tương đối gọn vùng, gọn thửa, đúng vị trí quy hoạch. Hầu hết các xã, thị trấn đều giảm trên 50% số thửa đất công so với trước DĐĐT. Nhiều xã giảm tới 90-95% số thửa đất công như Hải Toàn giảm từ 499 thửa xuống còn 25 thửa, Hải Lý từ 714 thửa đất công giảm xuống còn 47 thửa sau DĐĐT… Tất cả các địa phương sau DĐĐT đều tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh đủ rộng và các vùng chuyển đổi như vùng trang trại, gia trại, vùng nuôi trồng thủy sản và trồng màu… Đất do các hộ hiến đủ làm tất cả các đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo đúng thiết kế phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp và các địa phương đều tổ chức đắp cơ bản xong nền đường giao thông nội đồng theo quy hoạch. Qua DĐĐT ở Hải Hậu nhân dân đã hiến, góp 389,5ha để làm đường giao thông nội đồng; xã Trực Nội (Trực Ninh) qua DĐĐT đã vận động nông dân hiến, góp 19ha đất làm đường giao thông nội đồng… Bình quân số thửa ruộng canh tác sau dồn đổi với các xã, thị trấn đã thực hiện xong đều đạt yêu cầu đề ra 1-2 thửa/hộ. Nhiều xã bình quân số thửa cho một hộ đạt khá lý tưởng như Hải Lý (Hải Hậu) đạt 1,11 thửa/hộ, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) đạt 1,1 thửa/hộ; Hải Cường (Hải Hậu), Giao Hà (Giao Thủy) đạt 1,29 thửa/hộ…

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com