Những ngày cuối năm, tại các địa phương chuyên trồng quất, đào như các xã: Nam Phong (TP Nam Định), Nam Toàn, Điền Xá, Nam Mỹ (Nam Trực)… luôn tấp nập khách từ các nơi về chọn mua những cây quất, cành đào đẹp để chơi Tết Nhâm Thìn. Anh Trần Huy Nam, chủ một vườn quất ở xóm 4, xã Nam Phong cho biết: “Vườn quất nhà tôi có hơn 300 cây, hiện quả bắt đầu chín, từ giờ đến Tết sẽ có thêm hoa, thêm lộc, cây quất sẽ rất đẹp. Bây giờ, tôi chỉ cần tưới nước, phun sương đều đặn và gò dáng rồi chờ đến ngày bán”.
Giống như anh Nam, nhiều người trồng quất ở các địa phương chuyên trồng quất trong tỉnh cũng đang phấn khởi chờ đến ngày “ông Công, ông Táo” là bung hàng ra bán. So với thị trường đào quất năm ngoái, nghề trồng quất năm nay được coi là thuận lợi, có khả năng “được mùa”. Ông Phạm Huy Bé, thôn Ngô Xá, xã Nam Phong được đông đảo khách chơi cây cảnh phong danh “Vua quất” bởi tay nghề và nghệ thuật chăm sóc. Chuẩn bị quất cho thị trường dịp Tết Nhâm Thìn, gia đình ông có hơn 4ha với hơn 1.200 gốc quất thương phẩm và gần 10.000 gốc quất giống gối vụ cho các năm sau. Ông đầu tư trên 400 triệu đồng cải tạo hệ thống tưới tiêu nước, mua đất chuyển bầu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trong 1.200 cây quất thương phẩm, có 40% số cây đã có khách đặt mua từ đầu tháng 12 dương lịch, giá từ 1,5 đến 6 triệu đồng/cây. Cũng như nhiều hộ dân trong xã, gia đình ông Bé giàu lên từ nghề trồng quất. Để có được những cây quất sai quả, lá xanh, nhiều lộc, những cành đào báo hoa đúng lúc giao thừa, người làm vườn phải thấm đẫm mồ hôi, dầy công chăm bón, vun trồng. Nói về “bí quyết” làm vườn, ông Phạm Huy Bé cho biết, cái khó nhất của nghề trồng quất kinh doanh ngày Tết là trình độ thâm canh và yếu tố thời tiết. “Ba năm trồng cây không bằng một ngày trông quả”. Quất trồng năm thứ nhất mới tạo được “bộ đế”. Hai năm sau, có được cây như ý thì phải thực hiện một quy trình nghiêm ngặt từ việc tạo dáng đến cây ra hoa, đậu quả. Người dân Nam Định có “gu” chơi quất riêng, họ không thích các thế quất gò bó, thiếu tính tự nhiên của quất Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên chuyển về. Đa số người chơi quất ngày Tết thích loại có tán tròn hoặc hình tháp, có quả chín, quả xanh, đầy cành điểm lộc. Người dân quan niệm, cây quất đạt được “phom” như thế là biểu tượng cho một gia đình “Tứ đại đồng đường” mang lại nhiều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Với truyền thống và kinh nghiệm lâu năm, các chủ vườn ở Vạn Diệp, Vị Lương, Phong Lộc, Ngô Xá đã chọn lựa đúng thời điểm chuyền bầu, chọn lứa lộc, chăm sóc đúng quy trình nên so với các làng hoa khác, quất ở Nam Phong đồng đều về kiểu dáng, quả sai, đạt yêu cầu, giá cả có tăng nhẹ, nhất là vào dịp gần tết. Trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, nhiều thương lái ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… tìm về các xã Nam Phong (ngoại thành Nam Định), Nam Toàn (Nam Trực) để “săn quất” đẹp. Bởi thương hiệu “Quất Nam Định” với kỹ thuật tạo thế đẹp, tự nhiên đã được khách hàng ưa thích, chọn mua để chơi Tết Nguyên đán.
Chọn mua quất tại chợ Hoa Xuân (TP Nam Định). Ảnh: Xuân Thu |
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn 2012. Đến thời điểm này, người trồng quất đã có thể yên tâm hoàn thiện những khâu cuối, chỉ chờ đến ngày “bung hàng”. So với năm trước, giá quất năm nay tăng từ 15-20%. Đối với quất, loại “bình dân” phù hợp với những gia đình có diện tích trưng bày vừa phải giá từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng/cây, loại cây to thường dùng cho Cty, văn phòng giá từ 3-5 triệu đồng/cây; quất bonsai 5-8 triệu đồng/cây... Giá quất tăng bởi vì giá thuốc sâu, phân bón đã tăng từ 30-50%, giá nhân công cũng tăng. So với trồng đào, thì trồng quất đòi hỏi chi phí và đầu tư công sức lớn hơn nhiều. Thời tiết năm nay tuy không có nhiều bão, nhưng mưa nhiều, việc tưới tiêu nước gặp khó khăn nên nhiều vườn quất, bộ rễ cây quất yếu, thân, cành, quả nhỏ; bệnh “nhện đỏ” làm cho nhiều chủ vườn “không kịp trở tay” nên vườn quất không được đẹp, sáng.
Nếu nghề trồng quất đã định hình được chất lượng cây (quả, lá, kiểu dáng) từ đầu tháng 10 âm lịch thì yếu tố quyết định thành công hay thất bại của người trồng đào kinh doanh ngày Tết lại phụ thuộc vào thời tiết những ngày cuối năm. “Một năm trồng cây, mười ngày trông hoa (!)”. Để có cây đào điểm hoa đúng vào dịp tết, ngoài kỹ thuật canh tác, các chủ vườn dựa vào kinh nghiệm để tuốt lá, nếu nhiệt độ thời tiết nắng, độ ẩm cao thì cây sẽ nở sớm, còn thời tiết rét đậm, rét hại, cây sẽ két lại, nụ và lộc không nẩy hoa. Gia đình anh Võ Văn Ngà, xóm 5, xã Nam Mỹ (Nam Trực) trồng hơn 200 gốc đào từ 1 năm đến 15 năm tuổi. Gia đình anh đã tuốt lá vào giữa tháng 10 âm lịch, hiện vườn đào khá đẹp, bộp đã bằng hạt gạo, dăm dầy. Theo anh Ngà, do năm nay lập xuân vào 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, vì vậy, thắng lợi hay thất bại của người trồng đào phụ thuộc vào thời tiết đợt đại hàn. Còn theo anh Đặng Văn Thế, xóm 6 xã Nam Mỹ, thì thời tiết năm nay khó trồng, đầu năm cũng thuận nhưng đến tháng 6, tháng 7 trở đi (thời kỳ khoanh cây để không phát triển về lá, tập trung đậu mắt) thì lại mưa nhiều, nên cây không đứng được, mắt lá ra nhiều, chất lượng đào kém đi. Đến tháng 10 trời vẫn còn mưa nên năm nay bà con trồng đào chỉnh hoa khó hơn mọi năm. Hiện tại, gia đình anh đã chuẩn bị các phương tiện che chắn, nếu thời tiết rét đậm trong dịp đại hàn thì phải quấn buộc ni-lông, chống rét, sương muối cho cây, trang bị hệ thống điện, ánh sáng để kích thích cây ra lộc, tiến hành chuyền bầu. Còn khi thời tiết nắng hanh, gió đông và nồm, độ ẩm cao, hoa đào sẽ nở bung, anh chuẩn bị bình phun, hoà lòng trắng trứng vịt, trứng gà với các loại dung dịch chuyên dùng để phun cho nụ, tạo lớp màng nhẹ, để hoa nở đúng vào dịp Tết. Như vậy, các chủ vườn đào đều chung một tâm trạng “ngóng” thời tiết để hãm đào và giúp đào nở đúng dịp. Cũng như quất, đào Tết năm nay giá sẽ tăng từ 15-20% so với năm ngoái. Thực tế, trong những năm qua, do nghề trồng đào gặp nhiều rủi ro, nên các gia đình chuyên trồng đào ở các xã Nam Mỹ, Nam Vân, Nam Phong có xu hướng chuyển sang trồng cây cảnh, cây sanh cho thu nhập ổn định nên số lượng giống đào truyền thống như bích đào, đào phai lâu năm có xu hướng giảm dần. Năm nay, khách có xu hướng thuê đào về chơi Tết; hết Tết chủ vườn lại đến mang về. Xu hướng này ngày càng được nhiều người lựa chọn, vừa để giảm chi phí, cây đỡ bị chết, vừa đỡ lãng phí. Giá cho thuê bằng 70% giá bán. Tại vườn của anh Thế, xã Nam Mỹ, hiện hơn 20 gốc đào phai truyền thống, từ 10-20 năm tuổi đã được khách hàng đặt thuê từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/gốc. Cả người cho thuê và người thuê đều vui với giải pháp này. Vì những gốc đào quý đang ít dần, những người trồng đào cũng không muốn bán, trong khi khách hàng lại không biết cách và không thể chăm sóc cây thường xuyên. Ngoài ra, có một số gốc đào đẹp, được người tiêu dùng mua hẳn, sau khi chơi trong những ngày Tết, họ lại gửi lại nhà vườn nhờ chăm sóc và trả dịch vụ, để Tết năm sau lại mang về trồng.
Năm nay, nhiều hộ kinh doanh đào, quất mạnh dạn đưa các loại giống đào, mai quý hiếm canh tác đại trà. Ngoài loại hình đào cành, đào tháp, đào xùm truyền thống, có nhiều hộ chuyên canh cây đào thế, lão mai. Ông Hoàng Văn Mạnh, xóm 5, xã Nam Mỹ hiện có hơn 50 gốc mận trắng, 70 gốc đào phai. Ông còn khôi phục thành công 30 gốc “Nhị độ Mai”- một loại mai quý hiếm, hoa màu trắng, cánh to, nở 2 lần trong mùa xuân, mỗi gốc thế từ 5-20 năm tuổi, được cắt tỉa, tạo dáng độc đáo. Đến nay, phần lớn các gốc đào, gốc mai đã có khách hàng đặt mua. Theo ông Mạnh, năm 2012 là năm Rồng, nên khách hàng ưa thích các cây có thế long giáng, long thăng và một số thế đào: ngũ phúc (4 chạc dưới và 1 chạc trên), thế trực đổ (1 nhánh đâm thẳng lên và một nhánh đổ xuống), hay kỳ công hơn là các thế phu thê (hai cành một cặp quấn quýt lấy nhau), quần tụ (một tán lên cao biểu tượng cho cha mẹ và các tán phụ xung quanh biểu tượng cho con cháu sum vầy được tạo bởi các cành thấp, nhỏ), bạt phong, tam đa...
Thị trường đào, quất chuẩn bị cho Xuân Nhâm Thìn khá đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, nếu thời tiết cuối năm thuận lợi, ấm áp, thì sẽ được mùa. Theo nhiều người bán và khách mua cây, giá tuy có tăng nhẹ nhưng “chấp nhận được” so với các mặt hàng, sản phẩm trong dịp Tết./.
Việt Thắng