[links()]
Theo dự tính, tốc độ hồi phục của công nghiệp đóng tàu cả nước phụ thuộc vào kết quả phục hồi của nền kinh tế. Đối với tỉnh ta, căn cứ vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và với nhiều yếu tố thuận lợi về tự nhiên, nhân lực, ngành nghề truyền thống thì công nghiệp đóng tàu vẫn được xác định là ngành trọng điểm công nghiệp. Vì vậy, ngay từ lúc này cần tập trung giải quyết những vấn đề đang đặt ra để ngành này hồi phục và phát triển bền vững.
II - Phát triển nghề đóng tàu bền vững
Đặc điểm địa hình và nguồn nhân lực cơ khí có tay nghề cao ở các làng nghề trong tỉnh thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Trong định hướng phát triển CN-TTCN, tỉnh ta vẫn xác định công nghiệp đóng tàu là ngành kinh tế quan trọng. Trong danh mục các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, tỉnh vẫn dành vị trí ưu tiên cho cơ khí chế tạo, trong đó nhấn mạnh vị trí của công nghiệp đóng tàu. Tập đoàn CNTT Việt Nam (Vinashin), trong Đề án tái cơ cấu của tập đoàn có nội dung sớm triển khai việc tái thành lập Nhà máy đóng tàu tại Nam Định. Như vậy, ngay từ lúc này, cần tính đến những yếu tố để hồi phục ngành công nghiệp đóng tàu, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những con tàu của Cty CP đóng tàu Cát Tường, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đang chờ vốn để hoàn thiện. |
Hiện nay, tỉnh ta còn 156 tàu đang đóng dở, khối lượng thi công đều đạt trên 70%. Trong đó, có hàng chục tàu đã hoàn thành trên 90% khối lượng, chỉ cần vốn đầu tư một vài tỷ đồng là có thể hoàn thiện. Nếu tiếp tục để dang dở như hiện nay, khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ trở thành phế liệu. Theo một số chủ doanh nghiệp đóng tàu cho biết, sau một vài năm không tiếp tục thi công, đã có một số tàu đóng dở bị han gỉ vỏ, sau khi phun cát đánh gỉ đã không còn đủ độ dày tiêu chuẩn để đăng kiểm, chưa kể số vốn vay trên đang hằng ngày sinh lãi mà chậm ngày nào đều ảnh hưởng nâng cao chi phí, giá thành đóng tàu lên ngày ấy… Các doanh nghiệp đều đề nghị các ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để đầu tư, hoàn thiện, bán tàu. Mặt khác, nhìn từ góc độ tài chính đây cũng là lời giải duy nhất để các ngân hàng thu hồi nguồn vốn đã cho vay, vốn đầu tư cho thuê tài chính. Nhưng bài toán khó sau đó là làm thế nào để bán được số tàu này vì hiện nay, hầu hết các đơn vị ký hợp đồng mua tàu đều đã phá hợp đồng vì không đủ năng lực tài chính hoặc không có nhu cầu sử dụng tàu. Ông Vũ Ngọc Thu, Phó Tổng Giám đốc Cty CP CNTT Hoàng Anh cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 304/TB-VPCP về việc chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho Cty vay vốn để hoàn thiện 3 chiếc tàu có tổng trọng tải 22.100 tấn của Nhà máy đóng tàu Thịnh Long và 4 chiếc tàu có tổng trọng tải 15.000 tấn tại Nhà máy đóng tàu Hoàng Anh. Tuy nhiên, vì chưa tìm được đối tác mua tàu nên Cty đồng thời đề nghị Vinashin hỗ trợ tìm đối tác để bán tàu. Đối với Cty CP CNTT Hoàng Anh có Vinashin hậu thuẫn, nhưng còn các doanh nghiệp đóng tàu khác của tỉnh ta hiện nay hầu hết đều khó có thể tự tìm đối tác bán tàu. Vì vậy UBND tỉnh cần chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp quan hệ, tìm đối tác bán tàu để sớm thu hồi vốn. Các ngân hàng, các Cty cho thuê tài chính có vốn đầu tư tại các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cùng doanh nghiệp tìm đối tác mua tàu. Bên cạnh đó, ngoài nỗ lực tự tìm lối thoát, các doanh nghiệp đóng tàu trong tỉnh cần liên kết, hỗ trợ nhau trong việc tìm đối tác, thậm chí sang nhượng hợp đồng đóng mới để giải phóng số tàu đang tồn đọng. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đóng tàu cần tính tới việc sát cánh với nhau để có thêm động lực vượt khó.
Một vấn đề quan trọng khác cần tính đến là xây dựng các yếu tố nền móng để ngành đóng tàu của tỉnh trong thời gian tới phát triển bền vững. Do đó, dù không xây dựng quy hoạch cụ thể, nhưng các địa phương cần rà soát năng lực, điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp đóng tàu phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt đối với các huyện: Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh cần có đề án cụ thể đối với việc phát triển công nghiệp đóng tàu, gắn liền với quy hoạch chung về phát triển CN-TTCN của tỉnh nhưng phát huy được lợi thế địa phương. Trong đó, quy hoạch lại diện tích phục vụ đóng tàu, rà soát số lượng doanh nghiệp thích hợp, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ quản lý của doanh nghiệp cũng như nâng cao tay nghề lao động, hiện đại hóa dây chuyền thiết bị để đáp ứng đòi hỏi của thị trường đóng tàu không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế. Từ nguyên nhân suy sụp của ngành đóng tàu trong thời gian qua, cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các cấp, ngành, cơ quan chức năng đối với lĩnh vực đóng tàu để tránh tình trạng manh nha, tự phát và các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả chung của cả tỉnh.
Mặc dù phát triển, nhưng công nghiệp đóng tàu của tỉnh ta thực tế mới chỉ mang tính gia công. Hầu hết máy móc, nguyên liệu, thiết bị đều phải mua, nhập ngoại. Nói cách khác là mới chỉ “lấy công làm lãi!”. Vì thế tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp đóng tàu phải quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ đóng tàu. Đây được xem là yếu tố tiên quyết để chuyển đổi bản chất từ gia công đóng tàu sang công nghiệp đóng tàu. Nhưng để đạt được điều này không chỉ do doanh nghiệp quyết định mà cần đến chủ trương, chính sách, cơ chế của tỉnh quan tâm, đầu tư. Đồng thời từng bước hướng đến việc nâng cao trình độ kỹ thuật, tiếp cận công nghệ chế tạo của khu vực và thế giới để thực sự hoàn thiện đóng tàu ngay trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nghề cơ khí truyền thống và đội ngũ lao động có tay nghề là nền tảng, cần có cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao, kể cả chuyên gia nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các nội dung trên, ngành đóng tàu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển./.
Bài và ảnh: Hoàng Long