Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã - Kết quả và những vấn đề đặt ra

07:11, 02/11/2011

Chuẩn quốc gia về y tế xã được xây dựng dựa trên các mục tiêu của chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 đã được Chính phủ phê duyệt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cho y tế xã. Theo Quyết định 370 của Bộ Y tế, đạt “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010” phải đạt 10 tiêu chí (10 chuẩn), gồm: xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác truyền thông GDSK; vệ sinh phòng bệnh; KCB và phục hồi chức năng; y học cổ truyền; CSSK trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực, chế độ chính sách; kế hoạch, tài chính cho trạm y tế xã; thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý... Qua 10 năm triển khai thực hiện, cùng với sự quan tâm đầu tư về nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về triển khai, thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã; tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, thành lập các đoàn kiểm tra, thẩm định công nhận chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 204/229 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, đạt gần 90%. Trong đó, có 3 huyện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế là: Nghĩa Hưng (năm 2004), Nam Trực (năm 2007), Vụ Bản (năm 2009). Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung, chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như chất lượng chuyên môn ở tuyến cơ sở được nâng lên. Các trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bình quân mỗi trạm y tế đạt chuẩn quốc gia được đầu tư 200-500 triệu đồng đối với trạm nâng cấp; 700 triệu - 2 tỷ đồng đối với trạm xây mới. Các trạm y tế đạt chuẩn cơ bản bảo đảm công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân và từng bước đáp ứng nhu cầu công tác khám BHYT: hoàn thành tốt các chỉ tiêu khám bệnh và khám dự phòng tại trạm y tế; tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 98%; bệnh nhân lao được trị liệu có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 94%. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe được các trạm y tế triển khai thường xuyên; công tác vệ sinh môi trường, nước sạch được quan tâm chỉ đạo, các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện đạt và vượt mức chỉ tiêu, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế cấp xã ở tỉnh ta có 1.424 cán bộ, trong đó, có 169 trạm y tế có bác sỹ, đạt 73,8%; 93% trạm y tế xã có nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi; số thôn, xóm có nhân viên y tế là 3.055/3.706 thôn, xóm đạt 82,4%. Hằng năm, các địa phương đều quan tâm cử cán bộ y tế cơ sở tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên trình độ của nhiều y, bác sỹ được nâng lên, từng bước đáp ứng tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở.

Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Vân (TP Nam Định) hướng dẫn nhân dân sử dụng cây thuốc nam.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Vân (TP Nam Định) hướng dẫn nhân dân
sử dụng cây thuốc nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Theo tiêu chí “10 chuẩn”, các trạm y tế gặp khó khăn về: cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực, chế độ chính sách; kế hoạch, tài chính. Thực tế, việc đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức và phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương. Toàn tỉnh hiện có 55 trạm y tế chưa đảm bảo về kỹ thuật hạ tầng; 73 trạm y tế chưa đảm bảo khối nhà chính và tổng thể công trình; 40% trạm y tế đang xuống cấp. Bên cạnh đó, công năng sử dụng của trạm y tế còn hạn chế do thiếu nhân lực y tế, chưa đủ chủng loại cán bộ, nhất là tình trạng thiếu bác sỹ, dược sỹ trung cấp. Hiện nay, có 60 trạm y tế chưa có bác sỹ; 67 xã, thị trấn chưa có nhân viên y tế thôn, xóm. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn cũng chưa đủ số phòng bệnh, phòng chức năng theo quy định. Ý thức giữ gìn VSMT của người dân còn hạn chế; tỷ lệ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, xử lý rác thải đúng quy định và xử lý phân gia súc hợp vệ sinh còn thấp...

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hệ thống chế độ chính sách vẫn còn những điểm chưa đồng bộ, phù hợp khiến mô hình tổ chức hệ thống y tế địa phương hiện nay chưa thực sự tối ưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, do mô hình tổ chức y tế luôn có sự thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế nói riêng. Giai đoạn 2002-2005, toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia, bình quân mỗi năm có 40 đơn vị đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 60% số trạm y tế đạt từ 95-100 điểm. Giai đoạn 2006-2008, số lượng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giảm, bình quân trung bình mỗi năm chỉ có 11 đơn vị đạt chuẩn quốc gia; từ tháng 9-2010 đến nay, chỉ có thêm 6 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Lý giải về nguyên nhân trên, đồng chí Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Giai đoạn 2002-2005, hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các phòng khám đa khoa khu vực, 2 đội y tế dự phòng đều do Trung tâm Y tế huyện quản lý. Công tác lãnh đạo, điều hành tập trung vào một mối, vì vậy ngoài cán bộ định biên theo Thông tư 58, để nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch; trong đó, có chính sách luân phiên các bác sỹ tăng cường cho trạm y tế xã, nhất là bác sỹ sản nhi, vì vậy, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 91,7%, số thôn có nhân viên y tế đạt 80,4%. Còn giai đoạn 2006-2008, theo mô hình Phòng Y tế quản lý toàn diện trạm y tế xã, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hành có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền. Trên thực tế, với sự thay đổi theo mô hình quản lý mới, sự phối hợp giữa “cấp” và “ngành” còn nhiều vướng mắc, dẫn đến sự hỗ trợ của ngành về nhân lực, chuyên môn và trang thiết bị giảm; các bệnh viện đa khoa tuyến huyện rút các bác sỹ về khoa, khiến chất lượng và số lượng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế thấp, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ giảm còn 71%. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, nhận thức và sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thực hiện chuẩn quốc gia về y tế chưa sâu sát; còn thụ động trông chờ vào nguồn đầu tư từ các dự án Nhà nước, chưa phát huy hết nội lực địa phương và huy động sức mạnh cộng đồng, khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Để hoàn thành được tiêu chí xây dựng nông thôn mới về y tế, các địa phương đã đạt chuẩn quốc gia về y tế cần duy trì tốt, đồng thời nâng cao tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT đạt từ 40% trở lên; phấn đấu đạt 90% hộ gia đình sử dụng nước sạch và hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình xử lý phân gia súc hợp vệ sinh đạt từ 70% trở lên; không xảy ra hoạt động suy giảm môi trường, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Đối với các địa phương chưa xây dựng được chuẩn quốc gia về y tế xã, cần lồng ghép thực hiện tiêu chí “10 chuẩn” về xã chuẩn quốc gia với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về y tế. Trong đó, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn theo quy hoạch cần được triển khai đồng bộ, gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng. Bên cạnh đó, các xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, làm tốt công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn; duy trì, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ y tế cơ sở./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com