Tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về làm công chức cấp xã: Kết quả và những vấn đề đặt ra

09:11, 28/11/2011

Đến thời điểm này, Xuân Trường là huyện dẫn đầu tỉnh về thực hiện chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã. Từ năm 2008 đến nay, bằng hình thức xét tuyển, huyện đã tuyển được 44 công chức là sinh viên tốt nghiệp đại học; trong đó, năm 2008 tuyển được 2 công chức; năm 2009 tuyển được 12 công chức; năm 2010 tuyển được 8 công chức; đầu năm 2011 đến nay, huyện hoàn tất thủ tục xét tuyển được 22 công chức tốt nghiệp đại học chính quy. Các xã Xuân Trung, Xuân Thuỷ mỗi xã tiếp nhận 3 công chức; các xã Xuân Ninh, Xuân Vinh, Thọ Nghiệp mỗi xã tiếp nhận 2 công chức. Các công chức cấp xã mới được tuyển dụng đều là con em trong huyện, hầu hết đều tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành mà các địa phương, cơ sở đang có nhu cầu tuyển dụng như: Kinh tế nông nghiệp, nông học, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng, công nghệ sinh học, khoa học cây trồng; quản lý đất đai, công nghệ thông tin, hành chính, kế toán; khoa học môi trường, văn hóa… Hiện tại, các công chức mới được xét tuyển được điều động đảm nhiệm 11 chức danh công chức tại 22 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, 22 công chức sau thời gian tập sự đều được đánh giá đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đã được tuyển dụng chính thức. Đồng chí Phạm Văn Tuyến, Bí thư huyện ủy cho biết, việc xét tuyển, điều động công chức có trình độ đại học chính quy về công tác tại xã đã tạo sự đột phá trong công tác cán bộ. Thời gian tới huyện sẽ có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo phát huy vai trò của đội ngũ công chức này.

Anh Phạm Quốc Thịnh (bên phải) là một trong những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hệ chính quy được tuyển dụng làm công chức xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Anh Phạm Quốc Thịnh (bên phải) là một trong những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hệ chính quy được tuyển dụng làm công chức xã Xuân Ninh (Xuân Trường).

Tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, kết quả thực hiện chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã cũng rất khả quan. Qua 2 đợt tuyển dụng vào các năm 2008, 2010, huyện Hải Hậu đã xét tuyển được 23 công chức. Tại huyện Nghĩa Hưng, đến tháng 10-2011 đã xét tuyển, điều động được 19 công chức tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã. Trước đó, vào năm 2008 huyện đã tuyển được 3 công chức. Các huyện Trực Ninh, Vụ Bản, mỗi huyện tuyển dụng được 11 công chức có trình độ đại học chính quy, điều động về làm công chức cấp xã. Thống kê của Sở Nội vụ, đến hết tháng 11-2011, toàn tỉnh đã xét tuyển được 137 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có ngành nghề đào tạo phù hợp, điều động về đảm nhiệm 11 chức danh công chức tại các xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ.  

Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình thực hiện chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ. Trong đó, kết quả tuyển dụng không đều ở các địa phương. Ngoài một số huyện như Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Thành phố Nam Định xét tuyển được số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã, các huyện còn lại kết quả tuyển dụng còn thấp. Sau 4 năm, đến nay các huyện Nam Trực, Vụ Bản chỉ xét tuyển được 3 công chức tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức xã; huyện Mỹ Lộc xét tuyển được 5 công chức; riêng huyện Giao Thủy đến nay chưa xét tuyển được sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã. Nguyên nhân do nhiều gia đình có con em tốt nghiệp đại học chính quy chưa biết đến chủ trương này để tham gia xét tuyển. Mặt khác, chế độ chính sách dành cho đội ngũ công chức cấp xã tuy đã được cải thiện song so với mặt bằng thu nhập chung còn thấp, điều kiện làm việc chưa thực sự đảm bảo, do vậy chưa có tác dụng động viên, khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học về xã công tác. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học muốn làm ở những cơ quan nhà nước ở các tỉnh, thành phố lớn, các doanh nghiệp. Thực tế đã có một số công chức vừa được tuyển dụng, điều động về xã đã xin chuyển công tác. Mặt khác, do tư tưởng cục bộ nên cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương không muốn tiếp nhận đối tượng công chức là người địa phương khác điều động đến. Bên cạnh đó, tuy đã tốt nghiệp đại học, song các công chức cấp xã vừa được tuyển dụng chỉ được đào tạo chuyên ngành hẹp, trong khi nhiệm vụ được giao đảm nhiệm khá đa dạng, phức tạp, đòi hỏi phải am hiểu tình hình thực tiễn địa phương, kỹ năng tham mưu, kỹ năng dân vận. Trong khi đó, hầu hết các công chức mới được tuyển dụng chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Trong số các công chức mới được tuyển dụng hầu hết là nữ, ít nhiều gây khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí sử dụng. Cụ thể, ở huyện Xuân Trường trong số 44 công chức mới tuyển dụng có 32 công chức nữ; huyện Hải Hậu công chức nữ là 16/20, huyện Nghĩa Hưng là 13/19. Xã Xuân Trung (Xuân Trường) vừa qua, tiếp nhận 6 công chức nữ, bao gồm các đối tượng tốt nghiệp đại học được tuyển thẳng và các công chức qua thi tuyển. 

Để thực hiện tốt chủ trương, kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học là con em địa phương về công tác tại xã, thị trấn trước hết các địa phương trong tỉnh cần nghiêm túc quán triệt Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Trong đó cần xác định đây là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm từng bước trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu hợp lý, đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong điều kiện hiện nay, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cần quán triệt, làm chuyển biến, phá bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín đang tồn tại trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, qua đó, tạo tiền đề thuận lợi cho việc luân chuyển cán bộ, công chức giữa các địa phương, từ huyện xuống xã, từ xã lên huyện. Quá trình tuyển dụng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng trong cán bộ, nhân dân. Đối với những công chức trẻ mới được tuyển dụng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần bố trí phù hợp với năng lực, chuyên môn đào tạo, mạnh dạn giao việc và phân công cán bộ kèm cặp, hướng dẫn để các công chức mới được tuyển dụng có cơ hội rèn luyện, thử thách, có điều kiện phát huy năng lực, sở trường trong công việc. Cấp uỷ, chính quyền, địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, động viên, khích lệ, tránh sự phân biệt đối xử, nhất là đối với những công chức không phải người địa phương. Trên thực tế, những công chức này mới chỉ tốt nghiệp đại học chuyên ngành, còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm công tác, nhất là kiến thức lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kinh nghiệm dân vận… Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch tạo điều kiện cho họ được theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ công chức mới. Mặt khác, huyện cần quan tâm, đảm bảo các chế độ, chính sách phù hợp, nhằm động viên, khuyến khích các công chức trẻ yên tâm công tác, gắn bó, phục vụ địa phương lâu dài…

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com