Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đóng tàu (kỳ I)

08:11, 30/11/2011

Từ cuối năm 2008 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Bài toán về tháo gỡ khó khăn, tìm lối thoát cho doanh nghiệp đóng tàu đang cần lời giải gấp.

I - Hiện trạng của doanh nghiệp đóng tàu

Thôn Phú An, Thị trấn Cát Thành, Trực Ninh - nơi được gọi là “thôn tỷ phú” từ nghề đóng tàu với những tòa biệt thự mái vòm, mái cong, đủ kiểu kiến trúc Âu, Á mọc san sát khắp thôn nhưng thay vì không khí sôi động của nghề đóng tàu trước đây là không khí vắng lặng. Trên triền sông Ninh Cơ, hơn chục con tàu vỏ thép đã xuống nước han gỉ nằm sừng sững. Đồng chí Nguyễn Văn Nồng, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Cát Thành cho biết: “Nghề vận tải thủy ở địa phương có từ mấy chục năm nay nhưng đóng tàu thì mới xuất hiện từ năm 2006. Ra đời đúng lúc cực thịnh nên “nhà nhà, người người” bỏ tiền, bỏ sức đi đóng tàu. Vào thời điểm năm 2007, các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trên địa bàn có tới hơn 5.000 lao động. Nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp đóng tàu hầu như đóng cửa”. Chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp đóng tàu lớn của thị trấn là Cty CP Đóng tàu Cát Tường, Cty CP Đóng tàu Phú An, Cty CP Đóng tàu Trường An và Cty CP Đóng tàu Minh Tuấn và một số doanh nghiệp nhỏ nữa có hơn 30 tàu đang đóng dở, có trọng tải trên dưới 3.000 tấn. Nếu tính bình quân khoảng 30 tỷ đồng/tàu thì số tiền đọng lên tới gần 1.000 tỷ đồng, chưa kể đầu tư nhà xưởng, máy móc đang bỏ phí. Đáng lo ngại hơn, số vốn đầu tư chủ yếu đều đi vay nên bây giờ muốn vay thêm để hoàn thiện tàu là rất khó. Hơn nữa, dù có vay được để hoàn thiện tàu thì cũng không biết bán tàu cho ai nên cả nghìn tỷ đồng đành chấp nhận nằm phơi mưa nắng, trong khi lãi vay thì ngày càng lớn. Các chủ doanh nghiệp đóng tàu tại Thị trấn Cát Thành đành buông xuôi (!).

Tàu Hải Xuân 116 do Cty TNHH Đình Phú (CCN Xuân Trường) đóng đã hạ thủy hơn 1 năm nhưng chưa được trả tiền công đóng.
Tàu Hải Xuân 116 do Cty TNHH Đình Phú (CCN Xuân Trường) đóng đã hạ thủy hơn 1 năm nhưng chưa được trả tiền công đóng.

Huyện Xuân Trường là trung tâm phát triển của nghề đóng tàu, đồng chí Ngô Doãn Thọ, Phó trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện thì chỉ còn 5 doanh nghiệp đóng tàu hoạt động cầm chừng, còn hầu như đã dừng hoạt động”. Suốt dọc trục đường từ đầu huyện qua xã Xuân Kiên, Xuân Hùng, Thị trấn Xuân Trường, Xuân Ngọc, Xuân Hồng, dọc theo triền sông Ninh Cơ là những con tàu đang đóng dở. Đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty TNHH Đóng tàu Đại Nguyên Dương - doanh nghiệp đóng tàu còn hoạt động cầm cự cho biết, hiện nay Cty còn 6 tàu đang đóng và sắp hoàn thiện, mỗi tàu trị giá 30-40 tỷ đồng chỉ cần 2 tỷ đồng để hoàn thiện nhưng Cty vẫn không huy động được nguồn vốn…

Theo thống kê, đến tháng 10-2011, toàn tỉnh có 156 tàu đang đóng dở tại 68 đơn vị, doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép. Các đơn vị đóng tàu của tỉnh ta tham gia đóng tàu có trọng tải lớn từ 2.000 đến trên 4.000 tấn, trong đó nhiều nhất là tàu có trọng tải trên dưới 3.000 tấn. So với thời điểm giữa năm 2010, toàn tỉnh có 168 tàu đang đóng và từ đầu năm 2011 không có hợp đồng đóng mới tàu thì suốt hơn một năm qua, toàn tỉnh chỉ có 12 tàu được hoàn thiện. Theo Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) và các địa phương thì đến trên 90% số tàu trên thuộc diện không đủ vốn để hoàn thiện; hầu hết các chủ tàu đã ký hợp đồng đóng tàu, mua tàu đều đã phá hợp đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuống dốc của ngành đóng tàu nhưng nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đóng tàu chưa hội đủ điều kiện cần thiết, thiếu vốn, kinh nghiệm và nhất là trình độ quản lý, không có tính toán lâu dài, bền vững, “vội vã” đầu tư phát triển “nóng” nên khi xảy ra suy thoái kinh tế, là khó khăn, suy sụp...

Các doanh nghiệp đóng tàu tại tỉnh ta cơ bản đều hoạt động dựa trên nguồn vốn tín dụng. Vốn của các doanh nghiệp chủ yếu chỉ là hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và trang bị một số vốn đầu tư thiết yếu. Doanh nghiệp có nhiều vốn nhất cũng không đủ tự lực đầu tư một chiếc tàu có trọng tải vài nghìn tấn. Do vậy, để có vốn đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp đều đem tài sản cố định đi thế chấp ngân hàng. Khi thị trường đóng tàu sôi động, các doanh nghiệp tiếp tục mang con tàu đầu tiên đi thế chấp để đóng tiếp tàu thứ hai và cứ tiếp tục theo dây chuyền này. Có thời điểm như đầu năm 2007, một doanh nghiệp có thể vay đóng cùng lúc 3, 4, thậm chí cả chục con tàu. Đồng chí Đỗ Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Cát Thành cho biết: “Doanh nghiệp càng lớn vay càng nhiều. Không hiểu tại sao lúc đó các ngân hàng dễ thế (!). Doanh nghiệp đóng tàu của xã vay đủ loại ngân hàng, kể cả Ngân hàng Việt - Lào cũng cho vay đóng tàu! Đảng ủy, UBND thị trấn cũng thấy nguy cơ, nhưng hỏi thì doanh nghiệp bảo cứ yên tâm, đóng tàu không thể lỗ được”.

Cùng với cho vay, ngân hàng cho các doanh nghiệp đóng tàu không có tài sản thế chấp thuê tài chính thông qua một doanh nghiệp thứ ba, thường là doanh nghiệp vận tải đường thủy. Khi xảy ra suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp vận tải phá hợp đồng, phớt lờ trách nhiệm, ngân hàng mới dừng rót vốn. Hậu quả là doanh nghiệp đóng tàu đành ngồi trông con tàu dang dở với vài tỷ đồng tiền công đóng, tiền đầu tư nguyên vật liệu trong đó, không có vốn để tiếp tục hoàn thiện tàu nhưng cũng không thanh lý được vì không phải là chủ tàu. Đơn cử như trường hợp Cty TNHH Dịch vụ vận tải biển Hải Xuân (Thái Bình) được Cty cho thuê tài chính của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho thuê tài chính đóng trên 10 tàu trọng tải từ trên 2.000 đến trên 3.000 tấn tại một số doanh nghiệp đóng tàu của huyện Xuân Trường. Sau khi tiếp nhận một vài chiếc đầu tiên, đã hơn 2 năm nay, Cty Hải Xuân không đến nhận tàu, Cty cho thuê tài chính cũng không tiếp tục rót vốn. Ông Mai Ngọc Đình, Giám đốc Cty TNHH Đình Phú có 2 chiếc tàu đóng theo hợp đồng cho thuê tài chính bức xúc: Một chiếc đang đóng dở, thiếu đến trên 20 tỷ đồng phải dừng, một chiếc đã hạ thủy hơn một năm nhưng chủ tàu Hải Xuân không đến thanh lý hợp đồng. Công đóng tàu vài tỷ đồng của chúng tôi còn ở đó. Nhưng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển có tới 70, 80% vốn cũng không có ý kiến, giải pháp gì với 2 chiếc tàu này. Cứ đà này, không chỉ vài tỷ đồng tiền công của chúng tôi mà cả mấy chục tỷ đồng của ngân hàng cũng bị mưa gió bào mòn thành sắt vụn (!).

Rõ ràng, một số ngân hàng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình đánh giá, thẩm định, cho vay… đã góp phần làm tăng thêm sức “nóng”, dẫn đến hậu quả hiện nay của ngành đóng tàu tỉnh ta. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất lúc này không phải là quy trách nhiệm mà là phải thể hiện trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đóng tàu./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Long


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com