[links()]
II - Kiên quyết xử lý các hành vi nợ đọng thuế
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn kế toán doanh nghiệp thực hiện thủ tục trả nợ thuế. |
Ngay từ đầu năm 2011, Cục Thuế tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác thu nợ đọng thuế. Trong 6 tháng đầu năm Cục Thuế tỉnh đã gửi 776 lượt thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp đến các doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế, riêng tiền phạt chậm nộp đã lên tới 8,8 tỷ đồng; gửi thông báo sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế tới 73 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền thuế sẽ áp dụng cưỡng chế là 133,6 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Thuế đã ra 20 quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi trong tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế tại ngân hàng với số tiền cưỡng chế là 10,5 tỷ đồng. Biện pháp mạnh trên đã phát huy hiệu quả, một số doanh nghiệp nợ đọng thuế đã thực hiện nộp thuế nợ như Cty CP CNTT Nam Hà nộp 2,5 tỷ đồng, Cty CP Bia NaDa bước đầu đã nộp hết số nợ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng là 17,7 tỷ đồng, Cty CP tập đoàn Honlei nộp 987 triệu đồng… Một cán bộ ngành Thuế cho biết, trước khi thông báo cưỡng chế, các doanh nghiệp có đủ lý do khó khăn, tưởng không thể nào khắc phục được để có tiền nộp thuế, xin khất nợ nhưng khi có thông báo cưỡng chế, lập tức doanh nghiệp có tiền nộp thuế (!) Tuy nhiên, để triển khai biện pháp cưỡng chế và cưỡng chế đạt hiệu quả thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng như Kho bạc, Ngân hàng, Công an… Thực tế cho thấy khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế thì quy định chỉ được cưỡng chế bằng số dư tài khoản mà đối tượng nợ thuế đang có tại ngân hàng. Khi biết bị cưỡng chế, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để rút tiền, số thu được từ cưỡng chế thường thấp hơn nhiều so với số nợ phải thu. Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi ngành Ngân hàng phải phong tỏa tài khoản và thông báo ngay cho cơ quan thuế khi có số dư mới để ngành Thuế ra quyết định cưỡng chế mới. Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cần đề nghị với cấp trên, các đơn vị tỉnh khác trong trường hợp doanh nghiệp có tài khoản ở ngoài tỉnh. Đối với biện pháp kê biên tài sản doanh nghiệp có nợ thuế lớn, kéo dài, cố tình chây ỳ, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành, chính quyền địa phương để đảm bảo đầy đủ quy trình từ kê biên, định giá tài sản đến thực hiện cưỡng chế. Cục Thuế tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện cao nhất trách nhiệm phối hợp để ngăn chặn tình trạng nợ đọng thuế. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nợ thuế đều thế chấp tài sản tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế phối hợp với cơ quan thuế về việc cưỡng chế đối với những tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn tiền vay. Bên cạnh hai biện pháp cưỡng chế trên, ngành Thuế cần tiến hành biện pháp cưỡng chế nợ thuế qua bên thứ ba. Để triển khai biện pháp cưỡng chế này, ngành Thuế cần có sự rà soát, xác minh cụ thể thông tin các khoản công nợ, các khách hàng đang nợ doanh nghiệp và tiến hành các bước cưỡng chế theo quy định.
Bên cạnh biện pháp mạnh đối với các đơn vị nợ thuế cũ, ngành Thuế cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng nợ mới phát sinh. Đến nay, tổng nợ thuế của tỉnh đã chiếm 34% tổng thu, ở mức quá cao so với chỉ tiêu của Tổng cục Thuế quy định là không được để nợ vượt quá 4% tổng thu. Nguyên nhân do cùng với ý thức kém của đối tượng nộp thuế, hiện nay mức phạt của chế tài xử lý nợ thuế còn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng khiến doanh nghiệp càng cố tình nợ thuế, chấp nhận bị phạt vẫn có lợi hơn. Trước tình trạng này, Cục Thuế tỉnh đã kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét, trình lên cấp thẩm quyền nâng mức xử phạt hợp lý, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp nộp đủ thuế cũng như sự nghiêm khắc đối với hành vi trốn tránh, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm nộp thuế. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp mới phát sinh nợ cũng cần tiến hành biện pháp cưỡng chế ngay khi nợ đến 3 tháng, 6 tháng, hoặc với số tiền nợ lớn, nhất là đối với doanh nghiệp trọng điểm, nếu để nợ đến lúc có văn bản điều chỉnh mức xử lý thì thiệt hại cho nguồn thu ngân sách là rất lớn, đồng thời tạo sự không công bằng về nghĩa vụ đối với hệ thống doanh nghiệp, đơn vị đang nộp thuế đầy đủ.
Cùng với việc ngăn chặn tình trạng cố tình nợ đọng thuế, Cục Thuế tỉnh cần rà soát, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thật sự khó khăn, buộc phải nợ thuế để tháo gỡ khó khăn, tìm cơ hội phát triển. Về các nội dung nợ thuế bất khả kháng khác, Cục Thuế tỉnh cần sớm rà soát, báo cáo cụ thể với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có phương án xử lý về trường hợp nợ thuế của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trước khi thực hiện Luật Quản lý thuế nhưng không có hồ sơ để xóa nợ. Đối với những doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích nhưng còn nợ thuế thì phối hợp với cơ quan chức năng truy tìm, xác minh, lập hồ sơ để xử lý. Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn giảm, nhất là về tiền thuê đất thì khẩn trương thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định miễn giảm để giảm chỉ số nợ đọng thuế. Cùng với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyên môn đã đến lúc công tác thu nợ cần được “khoán” trách nhiệm cụ thể, là chỉ tiêu hàng tuần, hàng ngày đối với mỗi cán bộ trong ngành. Kết quả công tác thu nợ, ngăn chặn nợ đọng trong thời gian tới sẽ là thước đo chính xác nhất đối với hiệu quả công tác của từng cán bộ ngành Thuế tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Long
[links()]