Tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng thuế (kỳ I)

08:11, 07/11/2011

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TU ngày 12-6-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thu ngân sách giai đoạn 2006-2010, những năm qua, công tác thu ngân sách của tỉnh ta đạt được những kết quả đáng phấn khởi với chỉ số thu liên tục tăng. Tuy nhiên, số nợ đọng thuế vẫn còn rất lớn và đang có xu hướng gia tăng, cần tập trung chỉ đạo, giải quyết.

I - Cố tình nợ đọng thuế

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, tổng thu nội địa cân đối trong 5 năm (2006-2010) là 4.854 tỷ đồng, vượt 15% dự toán UBND tỉnh giao, tốc độ tăng bình quân là 18%/năm và hằng năm, công tác thu ngân sách đều vượt mức dự toán UBND tỉnh giao từ 6% đến 37%. Dấu ấn lớn nhất về thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là đã đạt mốc 1.000 tỷ đồng trước 2 năm so với lộ trình thu ngân sách theo Chỉ thị 01/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra. Năm 2011, UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách 1.270 tỷ đồng. Ngay từ cuối tháng 8, tỉnh ta đã hoàn thành dự toán thu ngân sách. Đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, trong công tác thu ngân sách, tình trạng nợ thuế vẫn tiếp diễn với số tồn đọng hàng trăm tỷ đồng.

Cán bộ Chi cục Thuế Giao Thủy yêu cầu các đơn vị nợ đọng thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế Giao Thủy yêu cầu các đơn vị nợ đọng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đến hết năm 2010, số thuế nợ toàn tỉnh là 330,2 tỷ đồng. Năm 2011 ngành Thuế đã tập trung cao độ cho công tác thu nợ. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã thu được 98,9 tỷ đồng thuế nợ đọng. Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn ở mức 341,2 tỷ đồng (đến hết ngày 30-6-2011), tăng gần 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2010 vì số đơn vị nợ đọng thuế tiếp tục gia tăng, có đơn vị nợ mới vượt so với trả nợ cũ. Nhiều doanh nghiệp có số nợ đọng thuế lớn như Cty TNHH Đức Phương 45,6 tỷ đồng, Cty CP Bia NaDa 33,1 tỷ đồng, Cty CP Đầu tư và phát triển Thiên Nam 9,8 tỷ đồng, Cty CP Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Nam Hà 5,6 tỷ đồng... Trong tổng số 341,2 tỷ đồng nợ thuế tại thời điểm cuối tháng 6-2011, số thuế do Văn phòng Cục Thuế tỉnh quản lý chiếm 139,2 tỷ đồng. Tại 10 chi cục thuế địa phương, Chi cục Thuế Thành phố Nam Định có số nợ thuế cao với 40,9 tỷ đồng; tiếp theo là huyện Trực Ninh nợ thuế 38,7 tỷ đồng, huyện Xuân Trường nợ thuế 26,5 tỷ đồng, huyện Hải Hậu nợ thuế 23,5 tỷ đồng, huyện Ý Yên nợ thuế 22,3 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương số nợ mới đều tăng so với thu nợ cũ. Bên cạnh đó, nhóm nợ khó thu ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã giải thể, bỏ trốn, tạm ngừng hoặc nghỉ sản xuất chưa có cơ sở để xử lý nợ cũng gia tăng. Nhóm nợ chờ xử lý về tiền thuê đất chưa có phương án xử lý cũng góp phần đẩy tổng nợ thuế lên cao...

Qua điều tra của Cục Thuế tỉnh, nguyên nhân nợ đọng thuế gia tăng là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 và tình hình lạm phát trong nước kéo dài. Ngoài ra sự gia tăng nợ thuế tại tỉnh ta còn có nguyên nhân từ sự suy sụp của ngành đóng tàu. Thống kê cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn tỉnh đều có nợ thuế, trong đó nhiều đơn vị nợ trọng điểm đến nay không có khả năng thanh toán như Cty CP CNTT Cát Tường (Trực Ninh) nợ thuế 22,5 tỷ đồng, Cty CP Vận tải - thương mại Minh Tuấn (Xuân Trường) nợ thuế 6,2 tỷ đồng, Cty CP CNTT Trường Xuân (Xuân Trường) nợ thuế 2,7 tỷ đồng... Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được thanh toán, còn nợ đọng thuế nhưng không đủ thủ tục để gia hạn, tài chính gặp khó khăn như Cty CP Xây dựng công trình Nam Định nợ 2,1 tỷ đồng, Cty CP Xây lắp I nợ 2 tỷ đồng, Cty CP Xây dựng Thủy lợi Sông Hồng nợ 2,1 tỷ đồng... Một số doanh nghiệp có nợ đọng thuế trước thời điểm thực hiện CP hóa nhưng không đủ thủ tục xóa nợ, sau khi CP gặp khó khăn nên không có nguồn nộp thuế cũng tạo ra các khoản nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như trường hợp của Cty CP Bia ong Xuân Thủy nợ 17,6 tỷ đồng, Cty CP May Đông Á nợ 233 triệu đồng... Nhiều doanh nghiệp đã được cán bộ ngành Thuế đôn đốc, nhắc nhở liên tục, thậm chí đã sử dụng biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế kéo dài nợ đọng từ năm này qua năm khác. Cty CP Đức Phương tháng nào cũng được đôn đốc, nhắc nhở nhưng đến 30-6-2011 vẫn nợ 45,6 tỷ đồng tiền thuế. Cty TNHH Luveco nợ thuế 3,3 tỷ đồng, Cty CP Xây lắp điện Nam Hà nợ 3,1 tỷ đồng, Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định nợ 2 tỷ đồng... Ngoài ý thức kém về nghĩa vụ thuế, các chủ doanh nghiệp nêu trên còn xuất phát từ ý đồ trục lợi bởi hiện nay quy định mức xử phạt chậm nộp của ngành Thuế thấp hơn lãi suất vay vốn của ngân hàng. Một số doanh nghiệp, đơn vị cố tình chậm nộp, để nợ đọng thuế, chấp nhận chịu phạt vẫn có lợi hơn phải nộp thuế đúng thời hạn (!).  

Ngành Thuế cũng thừa nhận có nguyên nhân từ chính trách nhiệm quản lý, đôn đốc thu nộp thuế của một số đơn vị, cán bộ thuế chưa cao. Hằng tháng một số đơn vị, cán bộ thuế chưa bám sát địa bàn, rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế dẫn tới nợ đọng lớn như Chi cục Thuế Nam Trực để hộ kinh doanh nợ 8 tỷ đồng, Chi cục Thuế Giao Thủy để hộ kinh doanh nợ thuế 5 tỷ đồng. Một số chi cục chưa thực hiện hết quy trình quản lý nợ và cưỡng chế thuế như Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên, Giao Thủy; công tác báo cáo nợ, phối hợp xử lý nợ chưa được thực hiện thường xuyên, toàn diện... đã dẫn tới nợ thuế của tỉnh ta cao hơn mức cho phép của Tổng cục Thuế. Tình hình nợ thuế hiện nay đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có các giải pháp cấp thiết để ngăn chặn, đảm bảo công tác thu ngân sách của tỉnh được thực hiện hiệu quả./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Long


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com