Toàn tỉnh hiện có 2.330 cơ sở sản xuất chế biến, 2.800 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 3.900 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, chỉ có khoảng 240 doanh nghiệp (chiếm 4,8%), còn lại là các cơ sở chế biến thực phẩm quy mô nhỏ, hộ gia đình với hình thức sản xuất thủ công, thô sơ. Hằng ngày các cơ sở cung cấp hàng trăm tấn thực phẩm các loại cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, song đến tháng 11-2011, chỉ có 160 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Trong thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.862 cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, phát hiện 608 cơ sở vi phạm. Các vi phạm chủ yếu của các cơ sở là: chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt; vi phạm quy định công bố tiêu chuẩn sản phẩm; sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép… Đoàn công tác đã phạt cảnh cáo 376 cơ sở; xử phạt 22 cơ sở vi phạm hành chính lĩnh vực ATVSTP với số tiền hơn 58 triệu đồng; tiêu hủy 1.350kg mỡ thối.
Tại một điểm bán bánh kẹo, ô mai trên phố Bắc Ninh (TP Nam Định). |
Đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn tới vi phạm VSATTP là do ý thức, trách nhiệm về VSATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chưa cao. Vì lợi nhuận, không ít trường hợp chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép hoặc sử dụng không đúng quy định trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhận thức của người tiêu dùng về VSATTP còn hạn chế, sự lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn đơn giản đã vô tình “tiếp tay” cho các hành vi vi phạm. Trong khi đó, mạng lưới cán bộ làm công tác VSATTP nói chung và cán bộ làm công tác thanh tra về VSATTP nói riêng còn thiếu. Hiện nay, Chi cục ATVSTP tỉnh có 15 cán bộ; mỗi huyện chỉ có 1-2 cán bộ làm công tác ATVSTP, phần lớn lại kiêm nhiệm, trong khi phải quản lý số lượng lớn các cơ sở kinh doanh, sản xuất chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Không những thế, hoạt động kiểm tra hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý Nhà nước về VSATTP còn chồng chéo, hành lang pháp lý cũng như dụng cụ, phương tiện chuyên dụng phục vụ kiểm tra chưa đủ. Luật An toàn thực phẩm giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm chủ yếu cho 3 Bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương và thực hiện quản lý theo chuỗi thực phẩm. Trên thực tế, để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) phải thực hiện cả quá trình xuyên suốt, từ khâu nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, giết mổ (phụ thuộc vào giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật…), đến khâu sơ chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh (phụ thuộc vào các điều kiện về cơ sở sản xuất, về con người, về sử dụng phụ gia, hóa chất dùng cho sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm…). Song hiện nay, chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật nên công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện theo Công văn số 1183/ATTP ngày 13-7-2011 của Cục ATVSTP về việc hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân hạn chế đối với công tác phối hợp liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm về ATVSTP.
Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP trong những tháng cuối năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng cần thực hiện tốt Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21-10-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. Đẩy mạnh huấn luyện, tổ chức tập huấn triển khai thực hiện các nội dung của Luật An toàn thực phẩm, các quy định về ATTP, thực hành tốt ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP, thực hiện quản lý ATTP. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý Nhà nước về công tác ATVSTP như củng cố hệ thống quản lý từ tuyến tỉnh đến cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan. Tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSTP. Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong lĩnh vực ATVSTP như: GMP, GHP, HACCP… Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực VSATTP. Xã hội hóa công tác bảo đảm ATTP. Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác đảm bảo VSATTP. Các cơ sở tham gia chế biến thực phẩm cần thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân vật lực cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông thực phẩm. Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh thực phẩm do các cơ quan chức năng tổ chức. Đối với người tiêu dùng thực phẩm, kiên quyết không mua, không sử dụng các thực phẩm nghi ngờ, thực phẩm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP cần kịp thời cung cấp thông tin cho chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm; tìm hiểu các thông tin về lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn để trở thành người tiêu dùng thông thái./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc