Phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp

08:11, 28/11/2011

Trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định, 3-4 cháu nhỏ được các bác sỹ, nhân viên xoa bóp, châm cứu trị liệu. Mỗi cháu có một hoàn cảnh éo le. Cháu Đỗ Gia Bảo ở Đông Hưng (Thái Bình), 23 tháng tuổi, bị bệnh bại não không ngồi được, chân tay cứng đờ. Sau hơn 1 tháng đến trung tâm, chân tay cháu đã mềm hơn, bắt đầu cử động, cháu có thể ngồi được một lúc và bập bẹ nói một số từ. Trường hợp chị Nguyễn Thị Quyến, 37 tuổi cũng ở Thái Bình, cậu con trai cũng bị bại não bẩm sinh. Cháu Đạt, con chị sau một thời gian ngắn điều trị đã có chuyển biến. Bé Lê Đức Khánh, 25 tháng tuổi, ở Nghệ An, cũng bị bại não dẫn đến nhão cơ, chậm nói, được xoa bóp, bấm huyệt, điều trị, đến nay đã ngồi được… 

Ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định, 15 năm qua đã có hàng nghìn trẻ em tàn tật được điều trị, cải thiện tình hình sức khỏe. Ông Trần Hải, Giám đốc Trung tâm và các cộng sự đã làm nghề công tác xã hội (CTXH) một cách chuyên nghiệp nhưng trong suốt thời gian đó mọi người chỉ xác định làm với tâm nguyện từ thiện là chính, số tiền vài trăm nghìn đồng mỗi tháng trước đây, nay được nâng lên khoảng trên dưới 1 triệu đồng thực sự chỉ mang tính chất động viên. Với những nhân viên trẻ, nếu không được gia đình thực sự cảm thông và là hậu phương vững chắc về kinh tế thì cũng thật khó khăn để gắn bó với nghề. Phan Thanh Hương, nhân viên sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm kỹ thuật, một lần đến Trung tâm cô đã không thể rời khỏi các em. “Cứ thấy thương lắm chị ạ” - Hương tâm sự thế về “cơ duyên” làm công việc chẳng mấy liên quan đến nghề được đào tạo của mình. Hương đã đi học, tập huấn các khóa học về trẻ tự kỷ do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức. Bây giờ cô dạy học cho các cháu tự kỷ. Những trẻ đến lớp đã biến chuyển đáng kể, gia đình của trẻ cũng yên tâm...

Chuyện ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định cho thấy sự cần thiết, cấp bách phải phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp. Những tác động của quá trình phát triển biến đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Thêm vào đó là sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội..., đòi hỏi cần phải có một đội ngũ làm CTXH chuyên nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người trong xã hội hiện đại. Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ngày nay cần có những nhân viên làm CTXH: từ bảo vệ chăm sóc trẻ em, phụ nữ, người già yếu cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, người mắc tai tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS), nạn nhân chiến tranh, nhiễm chất độc hóa học da cam/điôxin… Tại tỉnh ta, đã có một đội ngũ không ít người làm CTXH: các cộng tác viên dân số KHHGĐ, trẻ em, tổ hòa giải ở khu dân cư… nhưng đều hoạt động kiêm nhiệm. Một đội ngũ “chuyên nghiệp” hơn là nhân viên ở các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề cho trẻ tàn tật, giáo dục chữa bệnh cho người nghiện ma túy, gái mại dâm… của tỉnh và các địa phương. Những người làm CTXH được hưởng lương và các chế độ chính sách lao động như các ngành nghề khác. Nhưng ở hầu hết các cơ sở, cán bộ và nhân viên cũng chỉ được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ đơn giản, trong khi nghề CTXH là một nghề không đơn giản. Các đối tượng tác động của nghề CTXH lại là những đối tượng đặc biệt, đòi hỏi người làm nghề phải có những phẩm chất và nghiệp vụ đặc biệt. Chẳng hạn ở Trung tâm giáo dục, lao động và chữa bệnh cho người nghiện ma túy, hàng ngày trong giờ làm việc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm không chỉ phải ngồi trong phòng cũng song sắt, khóa chặt “như học viên” mà còn luôn căng thẳng theo dõi, phát hiện sớm những biểu hiện tâm lý bất thường của học viên để phòng ngừa và có biện pháp xử lý chủ động; với các trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS còn phải luôn cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm do đối tượng quá khích, lại phải đảm bảo cho đối tượng không bị cảm giác phân biệt đối xử… Tất cả những công việc, yêu cầu đó đòi hỏi người làm CTXH phải được trang bị kiến thức tổng hợp về xã hội học, tâm lý học và rất nhiều nghiệp vụ khác và một tấm lòng nhân ái, bao dung để có thể cảm thông và vượt qua những áp lực, ức chế.

Hàng năm, tỉnh ta có hàng vạn đối tượng bảo trợ xã hội ở tất cả các lứa tuổi, hoàn cảnh. Riêng về trẻ em ước tính, trong 5 năm tới có 165.800 trẻ em nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 34.250 trẻ em sống trong hộ nghèo, 12.780 trẻ em sống trong hộ cận nghèo,  6.984 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 1.800 trẻ em là con của trên 1.200 cặp vợ chồng ly hôn trong giai đoạn 2001-2010; gần 8.000 trẻ em sống trong 3.699 gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; gần 3.500 trẻ em sống trong 1.679 gia đình có người nghiện ma túy. Đó đã là một thách thức và cũng là đòi hỏi phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở tỉnh ta. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2020 của tỉnh theo Đề án toàn quốc đã được Chính phủ phê duyệt. Như vậy công việc này sẽ được triển khai đồng bộ ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm về nguồn kinh phí, cơ chế chính sách (bao gồm cả chế độ tiền lương), đào tạo nhân lực. Về lộ trình, ở tỉnh giai đoạn 2011-2015 đồng thời với  tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH, sẽ tiến hành tăng cường cơ sở vật chất cho CTXH như thành lập thêm cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt, tăng nhân lực làm CTXH thêm 20% (đến năm 2015) và 30% (đến năm 2030) và cần đầu tư trên 113 tỷ đồng để thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, cần có sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị với nhận thức toàn diện, sâu sắc về nghề CTXH chuyên nghiệp. Trong đó, đồng thời với chính sách thu hút nhân lực được đào tạo chuyên ngành, cần có biện pháp tăng cường đào tạo tại chỗ để đáp ứng yêu cầu thực tế./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com