Nhìn lại vụ sản xuất lúa mùa năm 2011

07:11, 17/11/2011

Vụ lúa mùa năm 2011, tỉnh ta triển khai trong điều kiện bất thuận cả về thời tiết và thời vụ. Do rét đậm, rét hại nên vụ lúa xuân các địa phương thu hoạch chậm 15-20 ngày, kéo theo 80.250ha lúa mùa của tỉnh chậm khoảng 7 ngày so với năm 2010, trong đó có 2.220ha lúa mùa sớm, chiếm 3% diện tích, tập trung ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, trên chân đất 2 màu 1 lúa. Đến ngày 8-11-2011, toàn tỉnh mới thu hoạch 69.540ha, bằng 87% diện tích, năng suất bình quân ước đạt 50 tạ/ha, thấp hơn 1,85 tạ/ha so với vụ mùa năm 2010. Ngoài 2.220ha lúa mùa sớm cho năng suất cao, còn lại các trà lúa khác năng suất đều thấp so với vụ mùa năm 2010. Nguyên nhân do khi lúa làm đòng, từ ngày 9 đến 13-9, mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, lượng mưa bình quân 292mm, nơi cao tới 377mm, làm ngập sâu 2.270ha trong thời gian 2-3 ngày. Xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) có 140ha lúa mùa bị ngập sâu 4-5 ngày liên tục, làm cho tỷ lệ hạt lép cao trên 30%. Trong thời gian lúa trỗ đại trà (từ 23-9 đến ngày 5-10) liên tục gặp mưa lớn kéo dài, nhiệt độ xuống thấp dưới 20oC, thiếu ánh sáng, độ ẩm trong không khí cao làm tăng tỷ lệ lép lửng, giảm năng suất. Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 làm 5.378ha lúa mùa của tỉnh nhiễm bệnh bạc lá nên năng suất giảm từ 10 đến trên 70%; trong đó 118ha lúa giảm năng suất trên 70%, 261ha giảm năng suất 50-70%, 706ha giảm năng suất 30-50%... Ngoài ra, hàng nghìn ha lúa bị đổ do ảnh hưởng của bão số 6 gây mưa liên tục khi lúa chín không thu hoạch kịp.

Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thu hoạch lúa mùa.
Nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thu hoạch lúa mùa.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa là mặc dù, tỉnh và Sở NN và PTNT đã chỉ đạo quyết liệt nhưng một số địa phương vẫn triển khai vụ lúa mùa chậm, nhất là khâu làm đất. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động tưới tiêu nước nên áp dụng phương pháp gieo sạ hàng nhưng trong thời gian chuyển vụ gấp diện tích gieo sạ hàng chỉ đạt 681ha, chủ yếu ở các xã Yên Trung (Ý Yên) đạt 70-80% diện tích, năng suất đạt trên 2 tạ/sào (56-57 tạ/ha). Các xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), Hải Thanh, Hải Quang, Hải Hà (Hải Hậu), Tân Thịnh (Nam Trực)… mở rộng diện tích gieo sạ lên 50-70%, năng suất đạt bình quân 55 tạ/ha (cao hơn 5 tạ/ha so với năng suất dự kiến bình quân chung toàn tỉnh). Tuy nhiên, nhiều xã vẫn thờ ơ với tiến bộ kỹ thuật này (!).

Một nguyên nhân nữa là không chỉ nông dân mà cả cán bộ địa phương cũng chưa quan tâm đến cơ cấu, đưa vào cấy quá nhiều diện tích giống lúa Bắc Thơm số 7. Do ảnh hưởng của bão số 5 làm 5.387ha bị bệnh bạc lá, giảm năng suất 10-70%, chủ yếu là trên diện tích cấy bằng giống lúa Bắc Thơm số 7 và lúa lai hệ Bắc ưu. Ở tỉnh ta tỷ lệ cấy giống lúa Bắc Thơm số 7 chiếm khoảng 40% diện tích, nhiều năm nay ngành NN và PTNT đã cảnh báo và yêu cầu các địa phương giảm tỷ lệ cấy giống lúa này song năm nay vẫn chưa hạn chế được. Ở các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc… chỉ cấy giống lúa Bắc Thơm số 7 ở trà mùa sớm và mùa trung đã tránh được bệnh bạc lá cuối vụ, đạt năng suất, chất lượng cao. Vụ mùa năm nay, nhiều huyện có diện tích bị bệnh bạc lá 500-700ha, thậm chí hàng nghìn ha như huyện Giao Thuỷ 1.100ha, Xuân Trường 1.000ha.

Vụ lúa mùa tuy gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất vẫn đạt 50 tạ/ha là nhờ công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và chính xác. Đặc biệt việc phun trừ sâu bệnh được Sở NN và PTNT hướng dẫn cụ thể và quyết định đúng, vừa tránh phun tràn lan gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, vừa bảo vệ được thiên địch có lợi cho lúa. Chỉ tính riêng sâu cuốn lá vụ mùa năm nay đã “trốn” được nhiều lần phun. Nếu vụ mùa năm 2010, toàn bộ trên 80 nghìn ha lúa phải phun trừ sâu cuốn lá 2 lần, thậm chí hàng chục nghìn ha phải phun trừ kép, nhưng năm nay tổng cộng phun trừ sâu cuốn lá của toàn tỉnh cả 2 đợt chỉ vài nghìn ha. Rầy lứa 6 cũng được ngành Bảo vệ thực vật chỉ đạo phun trừ 1.800ha ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, còn rầy lứa 7 chỉ đạo phun trừ 4.000ha ở các huyện phía nam tỉnh…, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Qua sản xuất vụ lúa mùa năm 2011 đã khẳng định để tạo năng suất cao, tránh rủi ro, giảm chi phí, tăng diện tích trồng cây vụ đông… phải phát triển mở rộng diện tích lúa mùa sớm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian tới, các địa phương sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra những bài học cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém cả trong chỉ đạo và tổ chức sản xuất để các vụ sau sẽ đạt hiệu quả, năng suất cao hơn./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com