[links()]
II. Để công tác DĐĐT đạt hiệu quả, đúng mục đích
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai ở một số địa phương cho thấy công tác DĐĐT cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Sau đợt thực hiện DĐĐT năm 2003, mặc dù số thửa/hộ đã giảm nhiều song bình quân chung của tỉnh vẫn còn đến 3,27 thửa/hộ. Ở các huyện phía bắc tỉnh số thửa/hộ lớn hơn nhiều, trong đó huyện Ý Yên vẫn còn bình quân 5,6 thửa/hộ, nhiều xã trong huyện còn đến 7-8 thửa/hộ. Đất sản xuất của các hộ nông dân và đất công nhìn chung vẫn còn rất manh mún, phân tán. Việc quản lý đất công ích, đất dành cho phát triển hạ tầng, khu dân cư, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương chưa tuân thủ quy định và quy hoạch. Do tâm lý không muốn xáo trộn ruộng đất đang canh tác vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý thờ ơ, không muốn tham gia thực hiện DĐĐT. Ở nhiều địa phương, thời điểm này, khi chính quyền triển khai kế hoạch DĐĐT nhiều người dân, trong đó nhiều người là chủ hộ vắng mặt vì lý do đi làm kinh tế xa nhà, dài ngày. Việc phổ biến, quán triệt chủ trương, kế hoạch, thống nhất phương án, nhất là phương án cụ thể, chi tiết dồn đổi của từng hộ dân gặp khó khăn, tiến độ thực hiện các bước trong quy trình ở nhiều địa phương do vậy bị chậm. Không nhiều, nhưng hiện vẫn còn một số địa phương cán bộ chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác DĐĐT. MTTQ, các đoàn thể nhân dân chưa thực sự “vào cuộc”, vai trò tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương tham gia thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này do vậy vẫn còn mờ nhạt. Mới đây, qua tìm hiểu thực tế, UBND huyện Giao Thuỷ quyết định chưa đưa một số xã vào thực hiện DĐĐT trong năm 2011 với lý do đội ngũ cán bộ và người dân chưa thống nhất được nhận thức, đặc biệt chưa thể hiện rõ quyết tâm thực hiện. Mặt khác, công tác quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương lâu nay thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng diện tích thực địa không như trên hồ sơ địa chính. Do vậy, việc khảo sát, thống kê, đối chiếu đang gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết. Do đặc điểm đồng đất không đồng đều, nhiều loại, nhiều dạng, giá trị chênh lệch nên một số địa phương, nhất là ở các huyện bắc tỉnh gặp khó khăn trong việc xây dựng, thống nhất phương án thực hiện. Ở nhiều địa phương diện tích đất công nằm rải rác ven làng, ven thổ, trên nhiều khu nhiều vùng khác nhau. Muốn tập trung được cần phải hoán đổi với diện tích đất đã giao ổn định cho các hộ dân. Tuy nhiên, do đất công phần nhiều không thuận lợi cho sản xuất, các hộ dân không muốn nhận. Việc hoán đổi do vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện DĐĐT phải qua nhiều khâu, nhiều bước; công tác điều tra, khảo sát, tính toán phân chia đòi hỏi phải khoa học, tỷ mỷ, chính xác. Trong khi đó, năng lực, trình độ của nhiều cán bộ cơ sở, nhất là thành viên tiểu ban DĐĐT thôn, xóm phần nhiều chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Để hoàn thành DĐĐT mỗi xã cần hàng trăm triệu đồng kinh phí thực hiện, trong khi đó do nguồn ngân sách hạn chế, nhiều xã hiện chưa chủ động được nguồn kinh phí này. Huyện Hải Hậu đã có cơ chế thực hiện hỗ trợ 35 xã, thị trấn trong huyện thực hiện DĐĐT. Tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chỉ 25 triệu đồng đối với xã loại 1 và 20 triệu đồng đối với xã loại 2, không đảm bảo so với nhu cầu...
Thu hoạch lúa mùa ở cánh đồng xã Xuân Ninh (Xuân Trường). |
Thực tế trên cho thấy, để công tác DĐĐT đạt kết quả, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, các địa phương trong tỉnh cần bám sát chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước. Đồng thời bám sát công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác DĐĐT. Trong đó, các địa phương cần quán triệt, vận dụng triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 19-9-2011 của Ban TVTU về việc tiếp tục thực hiện DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp. Quá trình thực hiện phải giữ vững nguyên tắc, nhiệm vụ thực hiện DĐĐT phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả của chính quyền và sự tham gia thiết thực, hiệu quả của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đảm bảo dân chủ, công bằng, nêu cao tinh thần tự giác của các hộ dân, cá nhân sử dụng đất trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Thực hiện DĐĐT phải gắn chặt với việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Phương án DĐĐT phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành. Xác định rõ DĐĐT không phải là chia lại ruộng đất do vậy quá trình thực hiện cần giữ nguyên định mức, tiêu chuẩn ruộng đất của mỗi người dân. Năm 2003, huyện Trực Ninh chỉ đạo 19 xã, thị trấn trong huyện xây dựng kế hoạch công tác DĐĐT. Kết quả, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm trên 34%, từ 4,8 thửa/hộ xuống còn 3,16 thửa/hộ. Đất công ích và đất dành cho quy hoạch đã được dồn đổi cơ bản tập trung theo vùng và theo quy hoạch; số thửa đất công ích của huyện giảm 2.627 thửa, đạt 44,7%, từ 5.868 thửa xuống còn 3.241 thửa. Đồng chí Đồng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua triển khai thực tế huyện rút ra kinh nghiệm, muốn triển khai hiệu quả chủ trương DĐĐT, trước hết phải nhận thức rõ đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Đặc biệt cần đề cao vai trò trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và cán bộ đảng viên ở cơ sở thôn, xóm, nơi trực tiếp thực hiện các khâu, các bước DĐĐT. Trong quá trình thực hiện cần phải học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương đã làm, vận dụng linh hoạt nhất là khi xác định hệ số K của mỗi vùng đất, mỗi địa phương một cách hợp lý, không áp đặt. Quy hoạch sử dụng đất nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp xã phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác DĐĐT. Thực hiện nghiêm túc các quy trình, trình tự bước đi, cần khẩn trương nhưng không nóng vội chủ quan. DĐĐT phải được thực hiện triệt để, nhanh chóng nhằm từng bước thực hiện mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức DĐĐT phải đảm bảo chặt chẽ, thống nhất từ huyện đến cơ sở, với phương châm “làm đâu được đấy” hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và đảm bảo sớm ổn định phát triển sản xuất. Phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi DĐĐT, tiến hành thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và cấp đổi lại cho nhân dân. Việc rà soát, thống kê quỹ đất, số thửa, số hộ sử dụng phải đảm bảo khoa học, tỷ mỷ, chính xác làm cơ sở xây dựng phương án chung cũng như xác định các chỉ tiêu, chỉ số cụ thể. Hiện tại, kinh nghiệm này đang được huyện Trực Ninh vận dụng, chỉ đạo thực hiện DĐĐT tại 6 xã thí điểm xây dựng NTM của huyện, với mục tiêu giảm cơ bản mỗi hộ trong huyện chỉ còn 1 thửa đất canh tác. Thực tế cũng cho thấy, các địa phương cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp nhằm đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết phục vụ công tác DĐĐT. Trong điều kiện ngân sách cấp xã còn hạn hẹp, tỉnh và các huyện, thành phố cần có sự quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện. Việc DĐĐT thực chất là cuộc vận động nhân dân tự nguyện chuyển đổi diện tích vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình, cá nhân từ nhiều thửa nhỏ ở các khu vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. DĐĐT chỉ có thể thành công khi có sự tham gia chủ động, trách nhiệm của người dân. Chính vì vậy, hệ thống chính trị ở cơ sở phải đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ nội dung, kế hoạch, trách nhiệm, quyền lợi. Đặc biệt, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân được đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, phương án, đảm bảo phù hợp, sát thực. Qua đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ đồng thời huy động được công sức, trí tuệ của nhân dân chung sức thực hiện hiệu quả chủ trương có ý nghĩa như một cuộc cách mạng lớn trên đồng ruộng này…
Bài và ảnh: Trần Duy Hưng